Bộ NN-PTNT đã cắt bỏ 69% “giấy phép con”

Văn Phúc Thứ tư, ngày 26/12/2018 18:27 PM (GMT+7)
Tại hội nghị về xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính và đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành tổ chức sáng nay 14-11, Bộ NN-PTNT khẳng định đã cắt bỏ tới 69% điều kiện liên quan thủ tục hành chính, tức “giấy phép con”.
Bình luận 0

img

Bộ NN-PTNT cam kết cắt giảm triệt để giấy phép con, cải cách hành chính để thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Theo Bộ NN-PTNT, hiện cơ quan này có 33 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực nông nghiệp với 345 điều kiện cụ thể. Qua rà soát, bộ này đã trình với Chính phủ ban hành Nghị định 123/2018/NĐ-CP sửa và giảm 131/170 điều kiện; số điều kiện còn lại sửa và giảm trong Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản đã ban hành (có hiệu lực từ 1-1-2019) và các nghị định tới đây ban hành của 2 luật này tiếp tục được cắt giảm. Theo tính toán, tổng số điều kiện cụ thể sẽ giảm tới 69%.

Theo báo cáo của bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ pháp chế, cùng với cắt giảm triệt để các điều kiện, hiện Bộ NN-PTNT đang tập trung cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, xuất nhập khẩu. Từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ NN-PTNT đã rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở hàng hóa được gắn mã HS thuộc thẩm quyền quản lý là 7.698 dòng hàng (quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT). Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, trong năm 2018, Bộ NN-PTNT tiếp tục rà soát, cắt giảm hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành với tỷ lệ tới 76%. 

Cụ thể, vào ngày 30-10-2018 vừa qua, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT quy định và rút xuống 2 danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu gắn mã HS là 2.873 dòng hàng và danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan kèm mã HS là 1.800 dòng hàng (tỷ lệ cắt giảm trên 76%). Điều này đã góp phần giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

Cách làm là gom các thủ tục hành chính, giảm các đầu mối kiểm tra chuyên ngành để đưa về một đầu mối là Cục Bảo vệ thực vật (kiểm tra các sản phẩm liên quan đến thực vật xuất nhập khẩu) hoặc Cục Thú y (kiểm tra các sản phẩm liên quan đến động vật xuất nhập khẩu). “Chấm dứt tình trạng một sản phẩm nhập khẩu phải qua hơn 1 cơ quan kiểm tra”- bà Kim Anh nói. 

Theo số liệu chính thức tại Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP Trung ương và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 do Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức sáng 2-5-2018 tại Hà Nội thì Bộ NN-PTNT có sự bứt phá trên bảng xếp hạng, từ vị trí 13 lên số 7 (82.40 điểm) trong tổng số 19 bộ và cơ quan ngang bộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem