Bộ NNPTNT hướng dẫn kiểm soát vận chuyển heo an toàn

P.V Thứ hai, ngày 09/12/2019 20:10 PM (GMT+7)
Hiện nay, giá thịt heo trong nước tăng cao, nhất là gần Tết, thịt heo càng hút hàng. Do đó, tình trạng vận chuyển heo và các sản phẩm heo nhất là sản phẩm vận chuyển qua biên giới càng diễn biến phức tạp. Nguy cơ về dịch tả heo Châu Phi và các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép là rất lớn, cần đặc biệt cảnh giác, ngăn chặn.
Bình luận 0

Hiện, tại Việt Nam bệnh Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) đang từng bước được kiểm soát tốt; số xã và số heo buộc phải tiêu hủy đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay.

img

Thực hiện nghiêm việc kiểm soát, vận chuyển heo theo quy định để phòng chống DTHCP.

Trong khi đó, tại các nước xung quanh Việt Nam, bệnh DTHCP đang xảy ra trầm trọng và diễn biến phức tạp. Do đó, nguy cơ các loại mầm bệnh xâm nhiễm từ nước ngoài vào nước ta là rất cao nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát vận chuyển heo, sản phẩm heo qua biên giới.

Để ngăn chặn bệnh DTHCP và các loại dịch bệnh khác có thể phát sinh, tiến tới sớm kiểm soát được dịch bệnh, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh (Ban Chỉ đạo quốc gia) đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển heo và sản phẩm heo.

Trước đó, căn cứ quy định của Luật thú y và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2019 về việc triển khai một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi (DTLCP) theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20 tháng 5 năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Công văn số 4249/HD-BNN-TY ngày 18/6/2019 về việc hướng dẫn kiểm soát vận chuyển heo để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh DTHCP.

Bộ NNPTNT hướng dẫn kiểm soát vận chuyển heo an toàn, đặc biệt dịp gần Tết

Cụ thể như sau:

1. Phòng bệnh tại cơ sở chăn nuôi xuất, bán lợn

+ Có quy trình và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhằm ngăn ngừa mầm bệnh DTLCP xâm nhiễm vào cơ sở chăn nuôi.

+ Thực hiện các biện pháp giám sát, phòng bệnh theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Kiểm soát vận chuyển lợn ra ngoài, vào trong vùng dịch

+ Lợn có nguồn gốc từ cơ sở không nhiễm bệnh và phải được lấy mẫu máu xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP trước khi vận chuyển ra ngoài.

+ Lợn được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 70 Luật Thú y và QCVN 01-100:2012/BNNPTNT (ban hành kèm theo Thông tư số 30/2012/TT-BNNPTNT ngày 03/7/2012 của Bộ NN-PTNT) từ cơ sở sản xuất lợn đến trực tiếp cơ sở nuôi lợn (cơ sở tiếp nhận lợn).

+ Phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước khi ra vào cơ sở chăn nuôi xuất bán lợn, cơ sở tiếp nhận lợn.

+ Đối với trường hợp vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch trong địa bàn cấp tỉnh phải được xét nghiệm âm tính với DTLCP. Trường hợp lợn có nguồn gốc từ địa bàn cấp tỉnh khác, ngoài yêu cầu kiểm tra âm tính với mầm bệnh DTLCP, lợn phải được kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh theo quy định tại Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ NN-PTNT, đồng thời thực hiện thông báo kiểm dịch cho nơi đến trước khi vận chuyển lợn về địa phương.

+ Đối với cơ sở tiếp nhận lợn nằm trong vùng dịch phải là cơ sở chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch bệnh, hoặc cơ sở chăn nuôi đã đăng ký tham gia chương trình giám sát dịch bệnh, hoặc cơ sở chăn nuôi có quy trình và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo quy định; trước khi tiếp nhận lợn, chủ cơ sở chăn nuôi phải báo cáo với chính quyền và cơ quan thú y để được theo dõi, quản lý.

3. Kiểm soát vận chuyển lợn đi qua địa bàn của tỉnh, thành phố có dịch đến địa phương khác

+ Thực hiện các nội dung của Mục 2 văn bản này.

+ Thông báo cho các địa phương về lộ trình vận chuyển lợn. Phương tiện vận chuyển phải đi theo lộ trình hướng dẫn của cơ quan thú y địa phương có phương tiện vận chuyển lợn đi qua.

4. Lấy mẫu lợn để xét nghiệm mầm bệnh DTLCP

Trước khi vận chuyển, chủ cơ sở chăn nuôi lợn báo cáo cho cơ quan thú y địa phương để tổ chức giám sát và lấy mẫu máu lợn để xét nghiệm mầm bệnh DTLCP như sau:

+ Đối với trường hợp xuất bán,vận chuyển lợn tại các cơ sở chăn nuôi có tổng đàn dưới 100 con: Lấy mẫu máu của 15 con lợn để gộp thành 03 mẫu xét nghiệm. Trường hợp cơ sở chăn nuôi có dưới 15 con lợn, lấy mẫu máu của 05 con lợn và gộp thành 01 mẫu xét nghiệm.

+ Đối với trường hợp xuất bán, vận chuyển lợn tại các cơ sở chăn nuôi có tổng đàn từ 100 con trở lên: Lấy mẫu máu của lợn với số lượng theo quy định tại Bảng 2, Phụ lục VI của Thông tư số 25/2016/TT- BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ NN-PTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn với tỷ lệ mắc bệnh dự đoán là 10% và gộp 05 mẫu thành 01 mẫu xét nghiệm.

+ Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị với lô lợn đã đăng ký vận chuyển và có giá trị trong vòng 10 ngày kể từ ngày trả lời kết quả. Chủ cơ sở chăn nuôi lợn chi trả kinh phí lấy mẫu, gửi mẫu và xét nghiệm mẫu.

5. Xử lý lợn dương tính với mầm bệnh DTLCP

+ Tiêu hủy ngay toàn bộ lợn tại ô chuồng nuôi dương tính với mầm bệnh DTLCP; đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.

6. Tổ chức thực hiện

Căn cứ văn bản hướng dẫn này, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo không lây lan dịch bệnh. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, thông báo về Bộ NN-PTNT để phối hợp giải quyết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem