Bộ NNPTNT lên tiếng về Mỹ áp thuế chống bán phá giá cá tra cao lịch sử

Đình Thắng Thứ ba, ngày 03/04/2018 17:53 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khi nói về vụ việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận áp thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg đối với cá tra Việt Nam.
Bình luận 0

Tại buổi họp báo thường niên quý I năm 2018 của Bộ NN&PTNT tổ chức chiều nay (3.4), ông Trần Văn Công– Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, Sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận áp thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg đối với cá tra Việt Nam. Các bộ ngành liên quan đang tiến hành nhiều giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

img

Phán quyết  áp thuế chống bán phá ca tra Việt Nam của Hoa Kỳ là đơn phương, phi lý, không phù hợp với WTO. Ảnh IT

Liên quan đến kết luận áp thuế chống bán phá đối với cá tra Việt Nam của DOC, đại diện Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, DOC đã có những điều chỉnh thiếu cơ sở pháp lý khi áp dụng mức thuế suất được tính theo các yếu tố bất lợi có sẵn trở thành mức thuế trung bình cho các công ty có mức thuế suất riêng rẽ không được xem xét hồ sơ. Đồng thời, bỏ qua các quy định thông thường khi đưa ra quyết định trong kết quả cuối cùng. 

Điều này thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường. Bên cạnh đó, mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của DOC trong quá trình xem xét. 

Ông Công cho hay, các bộ ngành, các hiệp hội ngành hàng (VASEP, VINAPA) cùng cộng đồng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế (CIT) trong thời gian sớm nhất nhằm bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. 

Bình luận về vấn đề này, Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: “Đối với Mỹ trong tháng 3 vừa qua họ không chỉ áp thuế chống bán phá cá tra mà cả tôm, hai sự việc diễn ra cách nhau có mấy ngày. Phán quyết này là đợt rà soát hành chính lần thứ 12, và 13 của Mỹ, đây là pháp quyết đơn phương, phán quyết phi lý, bất công, không phù hợp với WTO".

“Không loại trừ khả năng chúng ta xem xét nghiêm túc phải sử dụng các phương án khiếu kiện lên toàn án quốc tế để có phán quyết của trọng tài quốc tế” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tăng cường gặp gỡ song phương, đa phương để trao đổi, đàm pháp về tình hình thương mại hai chiều. Điều này thể hiện những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tuân thủ đúng các quy định, nguyên tắc ứng xử trong thương mại quốc tế, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan. 

Trả lời chính thức của Bộ NNPTNT:

Ngày 20/2/2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) áp dụng đối với các lô hàng xuất khẩu trong giai đoạn từ 01/8/2015- 31/7/2016. Theo đó, cá tra của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 - 7,74 USD/kg. Đây là các mức thuế cao nhất từ trước đến nay và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ.

I. Những tác động cụ thể

Một là, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Mỹ đã có dấu hiệu suy giảm từ 22,3% năm 2016 xuống còn 19% trong năm 2017 và dự báo sẽ tiếp tục bị suy giảm trong thời gian tới do tác động cộng hưởng của các bất lợi xảy ra trong cùng thời điểm hiện nay là: Thuế chống bán phá giá và Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ

Tháng 1/2018, thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, chiếm 6,8% về lượng và 6% về trị giá nhập khẩu thủy sản của Mỹ. Với kết quả này, Việt Nam đã giảm bốn bậc từ thứ 3 xuống thứ 7 trong nhóm thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho thị trường Mỹ. Nguyên nhân chính là do lượng cá tra và tôm xuất khẩu tới thị trường này giảm. Trong khi Ấn Độ, Chi-lê, In-đô-nê-xi-a là những thị trường vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong tháng 1/2018.

Hai là, việc cá tra Việt Nam bị cáo buộc và chịu thuế chống bán phá giá cao cũng như chưa được công nhận tương đương sẽ tác động xấu đến thương hiệu, hình ảnh và uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Điều này sẽ tạo tiền đề và hiệu ứng khiến các thị trường khác sẽ có những nghi ngại và đặt ra nhiều rào cản thương mại khi nhập khẩu cá tra của Việt Nam.

Ba là, tác động đến tâm lý và làm thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khi không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường Mỹ thì sẽ chuyển hướng sang các thị trường dễ tính hơn, công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, trình độ tay nghề công nhân giảm sút khi chế biến các sản phẩm đơn giản cho các thị trường có giá xuất khẩu thấp hơn, chỉ quan tâm đến tăng sản lượng để bù lại giá trị gia tăng mang lại không nhiều…

II. Một số giải pháp trong thời gian tới

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến vụ việc và sẽ có những phản ứng, hành xử phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) mà cả hai quốc gia đều là thành viên. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang rất tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp Mỹ trong việc thực hiện các quy định của Chương trình trình thanh tra cá da trơn do Cơ quan thanh tra ATTP (FSIS) ban hành - dự kiến diễn ra trong tháng 5/2018. Cụ thể:

1. Tiếp tục đấu tranh pháp lý:

Bộ Thương Mại Mỹ đã có những điều chỉnh thiếu cơ sở pháp lý khi áp dụng mức thuế suất được tính theo các yếu tố bất lợi có sẵn trở thành mức thuế trung bình cho các công ty có mức thuế suất riêng rẽ không được xem xét hồ sơ, bỏ qua các quy định thông thường khi đưa ra quyết định trong kết quả cuối cùng. Điều này thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường, đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của DOC trong quá trình xem xét.

Do vậy, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là VASEP doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ (CIT) trong thời gian sớm nhất để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

2. Vận động ngoại giao

Tăng cường gặp gỡ song phương, đa phương để tuyên truyền vận động về mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ, trao đổi, đàm pháp về tình hình thương mại 2 chiều, những lỗ lực của Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tuân thủ đúng các quy định, nguyên tắc ứng xử trong thương mại quốc tế, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan.

3. Những giải pháp đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra

Các ngành, địa phương và hiệp hội cần tuyên truyền phổ biến, tập huấn để hiểu rõ về các quy định, rào cản thương mại từ phía Mỹ, đặc biệt các vấn đề về phòng vệ thương mại.

- Chuẩn bị tốt, đầy đủ và minh bạch các tài liệu, hồ sơ, chứng từ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là giá thành sản xuất.

- Để hạn chế những bất lợi trước mắt đối với thị trường Mỹ, các doanh nghiệp cần chủ động củng cố, gia tăng và chuyển hướng xuất khẩu cá tra sang các thị trường khác như: Trung Quốc, Braxin, Mexico, Colombia, ASEAN… Trong thời gian vừa qua đã thể hiện rất rõ điều này khi thị trường EU và Mỹ sụt giảm nhưng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra vẫn tăng.

- Không ngừng nâng cấp điều kiện sản xuất để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt các quy định của nhà nhập khẩu đồng thời tìm mọi cách để giảm giá thành, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng để tránh sản xuất, chế biến các sản phẩm cùng loại quá nhiều dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

- Cơ cấu lại sản xuất theo chuỗi liên kết cả về chiều dọc (từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, xuất khẩu) lẫn chiều ngang (các doanh nghiệp với nhau) để giải quyết tối đa những tiêu cực trong việc cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiêp. Chính điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và giá bán của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế./.

Ông Hà Công Tuấn cho rằng: “Chúng ta tiếp tục kiên trì trao đổi đấu tranh thương mại với Mỹ trên khuôn khổ WTO và trên khuôn khổ thương mại có lợi để phía bạn thấy rõ hiện nay ở Việt Nam không có ai bảo trợ giúp doanh nghiệp bán phá giá. Đồng thời chúng ta cũng thúc đẩy phía Mỹ sớm sang Việt Nam rà soát thực tế ở Việt Nam để áp dụng giải pháp công nhận tiêu chuẩn tương tự".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem