Thông tin mới nhất từ Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, Bộ Công Thương (đầu mối là Cục Phòng vệ thương mại) chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng (VASEP, VINAPA) cùng cộng đồng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế (CIT) trong thời gian sớm nhất nhằm bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Việt Nam sẽ khiếu kiện lên tòa quốc tế về việc Mỹ đánh thuế cá tra cao nhất lịch sử. Ảnh: IT
Bên cạnh tiến hành các thủ tục khiếu kiện, Việt Nam sẽ tăng cường gặp gỡ song phương, đa phương để trao đổi, đàm pháp về tình hình thương mại hai chiều. Điều này thể hiện những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tuân thủ đúng các quy định, nguyên tắc ứng xử trong thương mại quốc tế, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan.
Liên quan đến kết luận áp thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg đối với cá tra Việt Nam của DOC, đại diện Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, DOC đã có những điều chỉnh thiếu cơ sở pháp lý khi áp dụng mức thuế suất được tính theo các yếu tố bất lợi có sẵn trở thành mức thuế trung bình cho các công ty có mức thuế suất riêng rẽ không được xem xét hồ sơ. Đồng thời, bỏ qua các quy định thông thường khi đưa ra quyết định trong kết quả cuối cùng.
Điều này thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường. Bên cạnh đó, mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của DOC trong quá trình xem xét.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, để hạn chế những bất lợi trước mắt đối với thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra cần chủ động củng cố, gia tăng và chuyển hướng xuất khẩu cá tra sang các thị trường khác như: Trung Quốc, Braxin, Mexico, Colombia, ASEAN… Về vấn đề này, trong thời gian vừa qua các doanh nghiệp đã thể hiện rất rõ điều này khi thị trường EU và Hoa Kỳ sụt giảm, nhưng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra vẫn tăng.
Các doanh nghiệp cũng cần nâng cấp điều kiện sản xuất để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt các quy định của nhà nhập khẩu. Đồng thời, tìm mọi cách để giảm giá thành, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng để tránh sản xuất, chế biến các sản phẩm cùng loại quá nhiều dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Ngoài ra, cơ cấu lại sản xuất theo chuỗi liên kết cả về chiều dọc (từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, xuất khẩu) lẫn chiều ngang (các doanh nghiệp với nhau) để giải quyết tối đa những tiêu cực trong việc cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Bởi, chính điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và giá bán của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Việc cá tra Việt Nam bị cáo buộc và chịu thuế chống bán phá giá cao cũng như chưa được công nhận tương đương sẽ tác động xấu đến thương hiệu, hình ảnh và uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Điều này sẽ tạo tiền đề và hiệu ứng khiến các thị trường khác sẽ có những nghi ngại và đặt ra nhiều rào cản thương mại khi nhập khẩu cá tra của Việt Nam.
Cùng với đó, việc này cũng tác động đến tâm lý và làm thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khi không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường Hoa Kỳ thì sẽ chuyển hướng sang các thị trường dễ tính hơn. Đồng thời trình độ tay nghề công nhân giảm sút khi chế biến các sản phẩm đơn giản cho các thị trường có giá xuất khẩu thấp hơn, chỉ quan tâm đến tăng sản lượng để bù lại giá trị gia tăng mang lại không nhiều…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.