Không ai dại bán rễ ở vườn tiêu đang tốt
Khảo sát tại xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Cục Trồng trọt cùng Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Nai đã tới kiểm tra tại vườn tiêu của một số nông dân có bán rễ tiêu trong thời gian qua. Kết quả kiểm tra tại vườn của ông Trần Quang Hải (ấp Thọ Lộc), cho thấy, đây là vườn tiêu già cỗi, đã trên 20 năm tuổi. Ông Hải cho biết, do cây tiêu đã quá già nên năng suất rất thấp. Trong vụ tiêu vừa rồi, gia đình ông chỉ thu được 0,6 tấn hạt tiêu trên diện tích 1ha.
Với năng suất quá thấp như vậy, cộng với giá tiêu đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 60.000 đồng/kg nên sau khi thu hoạch xong, gia đình ông Hải đã quyết định thuê máy múc hết những gốc tiêu cũ để cải tạo vườn, một nửa tiếp tục tái canh cây tiêu, nửa kia trồng cỏ nuôi bò.
Đại diện Cục Trồng trọt trao đổi với người dân bán rễ tiêu.
Do những cây tiêu có rễ rất sâu nên giá thuê máy múc không hề rẻ, tới 20 triệu đồng/ha. Trong quá trình múc từng gốc tiêu lên, nghe nói có thương lái thu mua rễ tiêu, ông Hải đã tranh thủ nhặt nhạnh rễ từ những gốc đã múc lên để bán, với giá 20.000 đồng/kg rễ tươi. Ông nhẩm tính nếu đào hết 1ha tiêu già cỗi lên, số rễ nhặt được đem bán, thu về chừng vài triệu đồng. So với số tiền thuê máy để múc gốc tiêu thì chả ăn thua gì. Vì thế, việc bán rễ tiêu chỉ là kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó.
Ở gần vườn nhà ông Hải là vườn tiêu 2 ha của gia đình ông Nguyễn Xuân Tuyển. Ông Tuyển cho biết vườn tiêu đó đã được gia đình ông trồng từ năm 1998, đến nay đã tròn 20 năm. Do tuổi đời của cây quá cao nên năng suất xuống thấp.
Vụ tiêu vừa rồi, gia đình ông chỉ thu được 1,5 tấn tiêu trên 2ha. So với chi phí bỏ ra, tiền bán tiêu thu về bị lỗ tới 30 triệu đồng. Vì vậy, sau khi thu hoạch, gia đình ông cũng đã mạnh dạn phá bỏ 0,7ha tiêu để chuyển sang trồng thanh long. Diện tích còn lại cũng sẽ phá bỏ trong thời gian tới để tái canh bằng cây tiêu mới. Khi phá bỏ vườn tiêu, ông cũng tranh thủ nhặt nhạnh rễ tiêu để bán cho thương lái kiếm thêm chút tiền bù lại phần nào chi phí thuê máy móc.
Trao đổi với đoàn kiểm tra, cả ông Hải và ông Tuyển đều khẳng định việc bán rễ tiêu chỉ thực hiện khi người ta cải tạo, nhổ bỏ vườn tiêu bệnh, vườn tiêu già cỗi để tái canh bằng cây mới hoặc chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác. Không ai ham tiền mà đi đào rễ tiêu lên bán, vì lượng rễ tiêu thu được rất ít nên tiền bán rễ thấp hơn rất nhiều so với chi phí thuê máy móc để đào gốc tiêu.
Mặt khác, giá tiêu dù hiện xuống thấp, nhưng với những vườn tiêu đang ở độ tuổi cho năng suất tốt, người trồng tiêu vẫn có lợi nhuận, kể cả thời điểm giá xuống còn trên 50.000 đ/kg. Do đó, không ai dại gì đi đào gốc của những cây tiêu, vườn tiêu đang cho thu hoạch tốt chỉ để bán rễ lấy tiền.
Bà Nguyễn Thị Nhi, chủ một cơ sở đã tham gia mua rễ tiêu trong thời gian qua trên địa bàn xã Xuân Thọ, cũng khẳng định, những hộ bán rễ tiêu đều là những hộ đang phá bỏ vườn tiêu già cỗi nên tranh thủ lượm lặt rễ tiêu để bán. Mỗi 1 ha tiêu, lượng rễ thu về sau khi đem phơi khô, còn chừng 70-80 kg. Với giá bán rễ khô là 80.000 đ/kg, thì mỗi ha tiêu, nếu đào hết gốc lên, tiền rễ thu về (tính giá bán rễ khô), chỉ vào khoảng trên dưới 6 triệu đồng.
Rễ tiêu người dân thu mua bán cho thương lái, hiện hoạt động này đã chấm dứt.
Theo bà Nhi, rễ tiêu mà bà thu mua về, sau khi phơi khô, sẽ bán cho Công ty Ân Nga, cũng đóng trên địa bàn xã Xuân Thọ. Nghe nói là rễ tiêu khô được công ty bán lại cho thương lái Trung Quốc để làm thuốc bắc. Nhưng từ sau khi các báo đưa tin về việc thương lái thu mua rễ tiêu, Cty Ân Nga đã thôi, không thu mua rễ tiêu nữa.
Vệ sinh tốt vườn tiêu
Ông Lê Đình Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thọ, cho hay, toàn xã hiện có trên 700 ha tiêu, trong đó, tỷ lệ vườn cây già cỗi khá cao, tới 40%. Vì thế, có nhiều hộ đang tranh thủ cải tạo lại vườn tiêu khi giá tiêu xuống thấp. Trong thời gian qua, trên địa bàn đã có 14 hộ bán rễ tiêu. Khi hay tin, xã đã xuống kiểm tra và nhận thấy toàn bộ những hộ này đều phá bỏ vườn tiêu già cỗi để tái canh hoặc chuyển sang cây trồng khác, nên tranh thủ lượm rễ tiêu để bán. Không có hộ nào đào rễ tiêu từ những vườn đang cho thu hoạch. Có 3 thương lái và 1 Cty đã thu mua rễ tiêu. Nhưng việc mua bán đều đã ngưng, không còn diễn ra nữa.
Để quản lý tốt dịch bệnh, đảm bảo phát triển hồ tiêu bền vững, Cục Trồng trọt đề nghị các Sở NNPTNT các tỉnh trên, thực hiện một số công việc cần thiết. Trong đó, nhấn mạnh tới việc thực hiện tốt vệ sinh các điểm có trụ tiêu bị chết do bệnh chết nhanh, chết chậm; không tổ chức mua, bán, hoặc phát tán rễ tiêu ra vùng lân cận. |
Sau khi khảo sát, trong ngày 16/5, Cục Trồng trọt đã có công văn gửi Sở NNPTNT các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Công văn nêu rõ, vừa qua một số hộ trồng tiêu vùng ĐNB và Tây Nguyên đã tiến hành chuyển đổi các vườn trồng hồ tiêu già cỗi, nhiễm sâu bệnh, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp, sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn hoặc trồng mới lại cây hồ tiêu. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi, nông dân đã tiến hành thiêu hủy vườn tiêu, vệ sinh đồng ruộng để trồng cây mới.
Tuy nhiên, khi tiến hành làm đất, vệ sinh đồng ruộng, một số nông dân đã thu gom rễ tiêu, tổ chức mua bán với mục đích sử dụng không rõ ràng. Việc làm này có nguy cơ phát tán nguồn bệnh lây lan qua rễ tiêu từ các vùng tiêu nhiễm bệnh sang các vùng trồng khác.
Thanh Sơn (Nông nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.