Bỏ nông nghiệp lạc hậu sang trồng rau công nghệ cao, xã nghèo khấm khá

Văn Long Thứ ba, ngày 26/02/2019 06:06 AM (GMT+7)
Cuối năm 2018, xã Đạ Quyn (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã cán đích nông thôn mới. Kết quả đó là nhờ có sự vận động người dân chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Bình luận 0

Là một xã mới thành lập từ năm 2009, với nhiều khó khăn, phần lớn là người dân tộc thiểu số nhưng với sự quyết tâm của người dân địa phương, sự chỉ đạo sáng suốt, sát sao của lãnh đạo địa phương mà cuối năm 2018, xã Đạ Quyn đã chính thức được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Ya Thương – Chủ tịch UBND xã Đạ Quyn cho biết, để cán đích nông thôn mới, việc tuyên truyền vận động người dân là điểm cốt yếu nhất. Với đặc thù người dân bản địa chủ yếu là người đồng bào thì việc tuyên truyền, vận động càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, do nắm được điều tiên quyết để xây dựng nông thôn mới là phát triển kinh tế nên ban lãnh đạo địa phương đã vận động người dân chuyển đổi giống cây trồng, bỏ cách làm nông nghiệp lạc hậu.

img

Cơ sở vật chất của xã Đạ Quyn đã thay đổi từ khi bắt tay vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Anh Y Păm Ayũn, ngụ thôn Chơ Rung (xã Đạ Quyn) phấn khởi mời khách vào nhà nói: “Nhà tôi có 3ha đất, trồng cà phê thì không chăm được, giá lại thấp nên cuối năm chẳng còn được là bao, trả nợ là hết. Sau khi được vận động, tôi đã chuyển đổi 3.000m2 đất sang làm nhà kính trồng rau công nghệ cao. Vụ rau Tết vừa rồi, sau khi trừ chi phí, gia đình vẫn còn dư được hơn 100 triệu đồng”.

Anh Y Păm Ayũn cũng cho biết, sau khi được hỗ trợ làm rau màu, có giá trị kinh tế cao, anh đã đi vận động mọi người xung quanh làm theo.

Đến nay toàn xã đã có trên 30 hộ sản xuất rau công nghệ cao. Nhờ thay đổi được phương thức canh tác lạc hậu nên cuộc sống kinh tế đã đổi thay, phát triển hơn.

img

Anh Y Păm Ayũn bên vườn rau công nghệ cao của mình.

Chị Ka Sắ K’uy, ngụ thôn Chơ Ré cũng cho biết “Từ chỗ được lãnh đạo địa phương vận động, quan tâm và giúp đỡ thì người dân đã thay đổi cách nghĩ cũng như cách làm. Chúng tôi thay đổi cách canh tác, mạnh dạn đầu tư, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, học hỏi phương thức canh tác, chủ động tăng gia sản xuất và vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống”.

Ông Ya Thương chia sẻ, địa phương là xã cuối cùng về đích nông thôn mới của huyện Đức Trọng. Đây cũng là niềm vui chung của cả tỉnh, góp phần đưa huyện Đức Trọng trở thành huyện nông thôn mới thứ 2 của tỉnh. "Nếu năm 2009, thu nhập bình quân đầu người của Đa Quyn chỉ đạt 7 triệu đồng/năm, thì đến nay đã nâng lên 36 triệu đồng; đường làng ngõ xóm đã được bê tông hóa 100%,  giao thông nội đồng cũng được cứng hóa 70%; hộ nghèo từ 48% vào năm 2011, hiện chỉ còn 6%. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là người dân đã nhận thức được sự quan trọng của công tác xây dựng nông thôn mới, góp phần làm giàu cho bản thân cũng như địa phương", ông Ya Thương phấn khởi nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem