Bỏ phố về quê nuôi gà, bán cho nhà hàng, đám xá với giá cao

Lê Hữu Phúc-Trạm Khuyến nông Tuy An (Phú Yên) Thứ năm, ngày 09/05/2019 19:10 PM (GMT+7)
Đầu năm 2014 anh Phúc quyết định rời thành phố sầm uất về lại quê nhà thôn Phú Thạnh, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên khởi nghiệp nuôi gà trên chính mảnh đất vườn với diện tích 4.000m2.
Bình luận 0

Anh Nguyễn Gian Phúc, sinh năm 1986, tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành điện. Với tấm bằng này, năm 2011, anh đã tìm được một việc làm (làm điện công trình) với mức lương khá ổn định tại một công ty ở TP Hồ Chí Minh.

Cuối năm 2013 công ty giao anh phụ trách lắp đặt điện cho một trại gà công nghiệp tại Gia Kiệm, tỉnh Đồng Nai. Từ những chuyến công tác tại trại gà này, anh nảy ra ý định là rời thành phố về lại quê nhà để chăn nuôi gà.

img

Anh Phúc luôn áp dụng quy trình nuôi gà trên nền đệm lót sinh học bằng men Balasa N01

Đầu năm 2014 anh Phúc quyết định rời thành phố sầm uất về lại quê nhà khởi nghiệp trên chính mảnh đất vườn với diện tích 4.000m2. Lứa gà đầu tiên anh thả 500 con gà giống của Công ty gà giống Minh Dư, một tháng sau thả tiếp 500 con nữa.

Nhờ việc tuân thủ áp dụng đầy đủ các quy trình chăm sóc như tiêm vắc-xin ngừa bệnh đúng ngày, sát trùng chuồng trại, cho gà ăn uống đúng giờ, mật độ gà thả nuôi hợp lý, đặc biệt anh là người đầu tiên trong vùng áp dụng quy trình nuôi gà an toàn trên nền đệm lót sinh học bằng men Balasa N01.

Sau 3 tháng nuôi, tỉ lệ sống đạt 95%, gà trống đạt trọng lượng trung bình 2 kg/con, gà mái đạt trọng lượng trung bình 1,7 kg/con. Với mức giá bán khi đó là 70.000 đồng/kg thời gian bán trong vòng 10 ngày, thị trường tiêu thụ tại chợ Lớn Tuy Hòa và chợ Tân Hiệp, sau khi trừ tất cả các chi phí, lứa đầu cho lãi ròng đạt 25 triệu đồng.

Thấy việc nuôi gà thuận lợi, anh thả tiếp lứa thứ 3 với 1.000 con. Lứa thứ 2 xuất chuồng, gà vẫn đạt được trọng lượng như lứa thứ nhất. Gà khi đó giá giảm còn 60.000 đồng/kg, trừ chi phí vẫn còn lãi 10 triệu đồng, thị trường vẫn bán tại chợ Lớn Tuy Hòa và chợ Tân Hiệp.

Khi lứa thứ 3 xuất chuồng 1.000 con gà thịt, giá gà chỉ còn 55.000 đồng/kg nhưng bán rất chậm. Lúc đó anh mới nghĩ phải mở rộng, tìm thị trường mới chứ không thể phụ thuộc vào 2 chợ tại Tuy Hòa. Từ đó anh mới tìm hiểu về các nhà hàng và dịch vụ nấu đám tại Tuy An, đặc biệt là các nhà dịch vụ nấu đám cưới.

Gà bán cho thị trường này được giá hơn so với các chợ ở Tuy Hòa 10.000 đồng/kg. Tổng kết năm đầu tiên số gà nuôi được là 4.000 con, trừ các khoản chi phí anh có lãi ròng là 80 triệu đồng.

img

Nông dân thực hiện khử trùng trước khi vào tham quan trang trại của anh Phúc.

Qua năm thứ 2 anh Phúc bắt đầu thả gà theo thời vụ, canh thời điểm xuất chuồng rơi vào các tháng thị trường tiêu thụ mạnh như các tháng đám cưới, cúng nhà...Với quy mô tổng đàn là 4.000 con/năm. Đặc biệt anh luôn áp dụng quy trình nuôi gà trên nền đệm lót sinh học bằng men Balasa N01 khi gà 10 ngày tuổi tới khi gà xuất chuồng.

Trước khi thả gà anh rải trấu lên diện tích chuồng khoảng 10 ngày. Anh ủ men balasa N01 với bột bắp theo tỉ lệ 1:2. Khi gà được 10 ngày tuổi thì tiến hành rải men lên toàn bộ đệm lót. Tùy theo mật độ và diện tích chuồng nuôi anh Phúc sẽ thay đệm lót trong quá trình nuôi  hoặc tới khi xuất chuồng mới thay đệm lót mới.

Anh Phúc cho biết với cách nuôi gà trên nền đệm lót sinh học bằng men Balasa N01 đã mang lại một số lợi ích như: không gây ô nhiễm môi trường, gà ít bệnh, nhanh lớn, giảm bớt chi phí ban đầu và nhân công vệ sinh chuồng trại.

Anh Phúc lưu ý khi phun thuốc sát trùng không được phun trực tiếp lên đệm lót mà chỉ được phun xung quanh chuồng trại, phun khu vực thả gà vận động. Vì phun trực tiếp lên đệm lót sẽ làm chết men, làm mất tác dụng của đệm lót. Trong quá trình nuôi gà không được để nước thấm ước làm hỏng đệm lót sinh học.

Qua 5 năm nuôi gà trên đệm lót sinh học, hiện nay bình quân mỗi năm anh Phúc nuôi từ 4.000 đến 5.000 con gà thịt để phục vụ cho thị trường. Anh đã có được các đầu mối tiêu thụ gà thịt rất ổn định, nhờ nuôi gà mà lợi nhuận hàng năm trên cả 100 triệu đồng.

Ngoài thu nhập từ việc bán gà thịt anh còn tận dụng lượng phân gà thải ra từ các đệm lót tiếp tục ủ thành phân hữu cơ hoai mục để phục vụ trồng hoa màu góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Điều đáng quý là anh Phúc rất nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm đúc kết được khi nông dân quanh vùng đến tham quan học tập, giúp đỡ các hộ mới bước vào nghề về cách nuôi và cả đầu ra cho sản phẩm. Ghi nhận những thành tích trong sản xuất của anh, cuối năm 2018 anh đã được UBND huyện Tuy An trao tặng giấy khen là một trong những cá nhân lao động sản xuất tiêu biểu của huyện nhà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem