Bỏ phố về quê, cô gái Khmer "mát- xa" cho hoa dừa để lấy mật rồi đem xuất khẩu sang Mỹ, kiếm tiền tỷ

Nguyễn Duy Khánh Thứ năm, ngày 08/08/2024 18:51 PM (GMT+7)
Cả 2 vợ chồng đều từ bỏ công việc ở thành phố để về quê (tỉnh Trà Vinh) khởi nghiệp với cây dừa và họ đã nâng giá trị cây dừa từ 3-6 lần với một sản phẩm hoàn toàn mới: mật hoa dừa Sokfảm.
Bình luận 0

Con ong đi tìm mật cho đời

Đó là câu chuyện của đôi vợ chồng cùng sinh năm 1989 Thạch Thị Chal Thi (người dân tộc Khmer, quê Trà Vinh) và Phạm Đình Ngãi (quê Đồng Tháp). Cho dù cả 2 vợ chồng đều sở hữu tấm bằng thạc sĩ nhưng đã quyết định mang kiến thức trở về huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh) để giúp đỡ những người dân trồng dừa.

Cô gái Khmer nâng tầm giá trị cây dừa Việt - Ảnh 1.

Chị Chal Thi (ở giữa) và anh Ngãi đã nâng được giá trị cây dừa với thương hiệu Sokfarm.

Chị Chal Thi cho biết, hồi năm 2018 vùng đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn nặng, trái dừa bị teo không lớn nổi. Cha cô thu được 2.500 trái dừa nhưng chỉ bán được 2 triệu đồng và bị mọc mầm rất nhiều. Đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều nông hộ trồng dừa ở Tiểu Cần thời điểm đó. Vì vậy, Chal Thi đã ấp ủ ý tưởng bỏ phố về quê để nâng giá trị cây dừa, giúp người nông dân quê mình bớt cực khổ.

Ông Thạch Mây, bố chị Chal Thi cho biết: Chal Thi có bằng thạc sĩ ngành Công nghệ Thực phẩm và có công việc tốt tại TP Hồ Chí Minh. Khi trở về quê, người ngoài nhìn vào thì bảo là thất bại ở thành phố về quê làm ruộng nhưng tôi tin con gái tôi được đào tạo bài bản, có ý chí nên đã giao vườn dừa cho con nghiên cứu, khởi nghiệp.

Tuy nhiên, công việc lấy mật hoa dừa chưa có ở Việt Nam, vì vậy Chal Thi phải tìm kiếm thông tin từ các nước có nghề lấy mật hoa truyền thống như Thái Lan, Philippines, Sri Lanka… 

"Mình xem họ lấy mật hoa dừa trên mạng, đọc các bài báo khoa học về bảo quản, chế biến mật hoa dừa. Trong 6 tháng đầu tiên mình không lấy được giọt mật nào từ vườn cả vì không biết "mát-xa" cho hoa dừa. Lúc đó mình nghĩ đến lời dạy thanh niên của Bác Hồ: "Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền" để lấy lại quyết tâm và tiếp tục công việc đi tìm mật cho đời", Chal Thi nói.

Trong công đoạn thu lấy mật hoa dừa thì công đoạn "mát-xa" hoa dừa giữ vai trò quyết định. Hoa dừa có bông dài bông ngắn, phải "mát-xa" đúng kỹ thuật thì hoa dừa thông tuyến mật mới có mật chảy ra, và sẽ chảy được 20 ngày liên tục để khai thác. Người thợ lấy mật phải mất ít nhất 6 tháng để có được kỹ năng "mát-xa" và lấy mật hoa dừa đúng cách.

Chuỗi giá trị nông sản hạnh phúc

Sau khi biết cách lấy được mật hoa dừa, Chal Thi bắt đầu nghiên cứu sản phẩm trong 1 năm 9 tháng. Để tránh tiến trình lên men làm thay đổi mùi vị, chất lượng, Chal Thi khai thác và chế biến mật hoa dừa trong một giờ. Còn với chuyên môn điện công nghiệp, anh Ngãi phụ trách xây dựng nhà máy theo quy trình 1 chiều chuẩn quốc tế, hai vợ chồng làm việc thâu đêm suốt sáng để nuôi hoài bão lớn.

"Khi mang tới xưởng đầu tiên mật hoa dừa sẽ được lọc, tiến hành nấu bay hơi trong 2 tiếng đồng hồ. Sau đó đưa vào máy cô đặc chân không, nấu 8 tiếng ra thành phẩm. Nấu ở nhiệt độ 55-60 độ C là mật sôi. Sau đó, hạ áp suất xuống để hạ nhiệt độ sôi và giữ được màu mật đẹp cũng như hàm lượng dinh dưỡng cao nhất. Tuy nhiên, 8 lít mật thô sau khi cô đặc sẽ chỉ được 1 lít mật thành phẩm", Chal Thi cho biết.

Cô gái Khmer nâng tầm giá trị cây dừa Việt - Ảnh 2.

Sản phẩm mật hoa dừa cô đặc của Sokfarm

Đặc biệt, khi ra được sản phẩm, Chal Thi đã quyết định đặt tên Sokfarm. Theo chị, Sok trong tiếng Khmer là hạnh phúc, chị muốn xây dựng một nền nông nghiệp hạnh phúc, theo chuỗi liên kết. "Mình muốn lan tỏa mang lại niềm hạnh phúc cho người nông dân. 

Thu nhập của người nông dân trồng dừa tăng từ 3-6 lần so với trước, còn người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm nguyên chất và cảm nhận được hạnh phúc. Về phía nhà bán hàng sẽ cảm thấy hạnh phúc vì mang được món quà từ thiên nhiên tới người tiêu dùng", Chal Thi cho biết.

Tuy nhiên, khi sản phẩm được đem ra thị trường đã bị đặt một số câu hỏi như dùng công nghệ gì và có bắt kịp thế giới không, bởi ngành khai thác mật hoa dừa là ngành truyền thống ở các nước Thái Lan, Philippines. Song, Chal Thi khẳng định Sokfarm đang áp dụng các công nghệ và tiêu chuẩn trên thế giới đang sử dụng.

Hiện nay, Sokfarm có các sản phẩm chính như mật hoa dừa cô đặc, đường mật hoa dừa, ca cao nhào mật hoa dừa, mật hoa dừa tươi… Các sản phẩm từ mật hoa dừa rất tốt cho sức khoẻ, đặc biệt đối với người bị tiểu đường giúp ổn định đường huyết. Những người ăn kiêng cũng thường lựa chọn mật hoa dừa để thay thế đường tinh luyện để kiểm soát sự thèm ăn.

Giá trị của mật hoa dừa gấp khoảng 3-6 lần so với thu hoạch dừa trái. Mỗi bông dừa có thể cho thu từ 1,5-2 lít mật một ngày trên một cây dừa. Ngoài ra, có những cây dừa cao quá mà không muốn thu mật nữa thì nông dân có thể thả tự nhiên để thu trái. Còn với 4 ha rừng dừa của ông Thạch Mây ngày nào ở độ tuổi khai thác 6-10 tuổi đã cho sản lượng mật hoa dừa trên 15 tấn/năm.

Ông Thạch Tươi, công nhân ở Sokfarm cho biết: Ban ngày tôi đi làm ở công ty, ban đêm về đi thu mật hoa dừa và có mức thu nhập ổn định. Trước kia tôi làm ở TP Hồ Chí Minh và sau covid-19 trở về quê xin vào Sokfarm làm, chúng tôi gọi nghề này là ăn cơm dưới đất làm việc trên trời. Tôi rất tự hào vì sản vật của quê hương tôi đã được xuất khẩu ra nước ngoài.

Khát vọng vươn xa

Chal Thi cho biết Sokfarm được thành lập vào tháng 6/2019 và xác định không chỉ gây dựng thương hiệu trong nước mà phải hướng đến thị trường thế giới, cạnh tranh với các nước có ngành mật hoa dừa phát triển. 

"Nhật Bản là thị trường tôi xác định xuất khẩu đầu tiên và bây giờ đã mở rộng trên nhiều quốc gia như Campuchia, Hà Lan, Hoa Kỳ…Sokfarm hướng đến xuất khẩu chiếm 60-70% thị phần. Đồng thời, Sokfarm sẽ đẩy mạnh đa kênh phân phối như xuất khẩu, du lịch kênh siêu thị để tiếp cận được khách hàng và có nhiều cơ hội bán hàng hơn", Chal Thi cho biết.

Đặc biệt, có nhà phân phối ở Mỹ chuyên phân phối đặc sản Việt Nam tới 300 chợ ở Mỹ đã đặt đơn hàng Sokfarm với 20.000 chai nước uống mật hoa dừa và sản xuất trong 2 tuần. 

Anh Phạm Đình Ngãi chia sẻ: Sau khi nhận được đơn hàng từ Mỹ chúng tôi rất vui nhưng cũng rất áp lực vì đơn hàng lớn trong thời gian gấp, đặc biệt sang một thị trường có yêu cầu chất lượng cao. Cả công ty làm việc không quản thời gian và đã cuối cùng lô hàng cũng được giao thành công. Sokfarm tự hào vì ra đời sau các sản phẩm mật hoa dừa ở Thái Lan, Philippines nhưng là sản phẩm mật hoa dừa đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Mỹ.

Cô gái Khmer nâng tầm giá trị cây dừa Việt - Ảnh 3.

Hai vợ chồng và các đối tác, chuyên gia ở vườn dừa tham quan khu nguyên liệu.

"Những công nhân trong Sokfarm nói nằng, hạnh phúc của họ là mỗi ngày được đi lấy mật hoa dừa, điều đó càng tiếp thêm động lực để tôi cố gắng với thương hiệu Sokfarm. Chúng tôi tự hào được làm việc hết mình cho công việc, giúp nâng cao giá trị nông sản giúp đỡ người nông dân", Chal Thi nói.

Chal Thi cho biết, cô đang nuôi khát vọng đến năm 2030 sẽ liên kết được 1.000 nông hộ ở địa phương và tạo ra 500 việc làm trở lên. Từ chỗ là nông hộ đầu tiên, đến nay Sokfarm đang liên kết được trăm nông hộ và có 35 công nhân làm việc. Đồng thời, Sokfarm đang phát triển mô hình du lịch tham quan trải nghiệm vườn dừa, du khách sẽ trực tiếp lấy mật cùng nông dân.

"Khi đưa sản phẩm ra thị trường, tôi xuất phát từ cái tâm và mong muốn rằng giúp đỡ ba mẹ, dân làng và quê hương cho nên nhất định phải làm thành công, tôi không bao giờ sợ thất bại", cô gái người dân tộc Khmer chia sẻ.

Cô gái Khmer nâng tầm giá trị cây dừa Việt - Ảnh 4.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem