“Bỏ rơi” lao động tự do nhập cư nghèo

Thứ hai, ngày 16/05/2011 16:59 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong tháng 5 này, các tỉnh, thành phải hoàn tất việc điều tra hộ nghèo theo chuẩn mới. Đợt điều tra này, Bộ LĐTBXH quy định là đưa toàn bộ hộ nhập cư từ 6 tháng trở lên vào diện rà soát. Nhưng thực tế rất nhiều hộ lao động tự do nhập cư nghèo bị "bỏ quên".
Bình luận 0

Quy định chỉ trên giấy

Theo bà Võ Thị Hoài Thanh - Phó Chánh văn phòng quốc gia xoá đói, giảm nghèo, Văn bản số 3385 của Bộ LĐTBXH (quy định hướng dẫn điều tra hộ nghèo giai đoạn 2011-2015) nêu rõ: Đối tượng để điều tra là toàn bộ các hộ gia đình đã sinh sống trên địa bàn cấp thôn từ 6 tháng trở lên, không phụ thuộc vào tình trạng hộ khẩu và tình trạng cư trú. Điều này có nghĩa lao động nhập cư vào các thành phố lớn, nếu qua điều tra thuộc diện nghèo, họ cũng được hưởng các hỗ trợ hộ nghèo như "người thành phố".

img
Một gia đình nghèo ở phường Phúc Xá.

Tuy nhiên, quy định này hầu như "không ai hay, không ai biết". Bà Phạm Thị Biên quê xã Yên Thọ (Ý Yên, Nam Định) cho biết: "Tôi lên Hà Nội đã gần 10 năm và ở ổn định tại tổ 7, cụm 2, phường Phúc Xá, quận Ba Đình khoảng 4 năm nhưng chẳng thấy được hưởng chính sách gì nên cũng không làm tạm trú dài hạn".

Bà Biên làm nghề nhặt rác, thu nhập bấp bênh mà phải nuôi chồng đau ốm và gửi tiền về quê lo cho con ăn học. "Ở quê chúng tôi chưa cắt khẩu vì còn có hơn 1 sào ruộng để cấy nhưng cũng không được xét hộ nghèo vì đã đi khỏi địa phương quá lâu".

Tương tự, tại xóm lao động ở tổ 6, phường Phúc Xá, hàng trăm lao động nơi đây khẳng định "chưa từng thấy ai tới điều tra hộ nghèo trong số chúng tôi". Chị Phạm Thị Huế - người đã lang bạt từ Đồng Nai tới TP.HCM, ngược lên Lào Cai rồi về Hà Nội kiếm sống, cho biết: Ở xóm lao động nghèo này chưa có hộ nào được hưởng một chính sách hỗ trợ gì cho người nghèo.

Không “với” tới lao động nhập cư tự do

Theo thống kê của Sở LĐTBXH Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 60.000 lao động ngoại tỉnh từ khắp nơi lên Hà Nội làm các công việc tự do như xe ôm, cửu vạn, bán hàng rong, nhặt rác... ngoài ra còn có một số lượng lớn công nhân nhập cư.

Các thành phố lớn có chuẩn nghèo riêng, thường điều tra theo hai cấp độ: Nếu đối tượng đạt chuẩn nghèo hiện hành của toàn quốc sẽ hưởng hỗ trợ từ Bộ LĐTBXH và đạt chuẩn nghèo địa phương sẽ hưởng hỗ trợ từ ngân sách của các địa phương theo mức của từng địa phương quy định. Hiện có 9 địa phương áp dụng chuẩn nghèo riêng, cao hơn chuẩn nghèo của toàn quốc.

Lý giải về việc khó có thể rà soát lao động nhập cư nghèo, ông Nguyễn Đình Đức - Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, Hà Nội áp dụng chuẩn nghèo riêng để rà soát hộ nghèo giai đoạn 2011- 2015.

Hơn nữa, do địa bàn thủ đô có rất nhiều người dân ở nơi khác đến nên khi áp dụng chính sách rà soát hộ nghèo không thực hiện rà soát người ngoại tỉnh. Ngân sách hỗ trợ cho các hộ nghèo có hạn, nếu rà soát cả đối tượng người ngoại tỉnh sẽ không đủ để hỗ trợ các chính sách phúc lợi xã hội đi kèm.

Tại TP.HCM, khảo sát năm 2010 ở phường 6, quận Gò Vấp của hai tổ chức Oxfarm và Action Aid cũng cho thấy, trong tổng số 270 hộ nghèo có 17 hộ tạm trú dài hạn trên 1 năm. Nếu thành phố đưa những hộ tạm trú có thời gian ngắn hơn vào diện bình xét theo quy định mới của Bộ LĐTBXH chắc chắn số lượng hộ nghèo còn tăng cao.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Xê - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết: TP.HCM áp dụng chuẩn nghèo gấp đôi toàn quốc và hiện đã xét đến đối tượng tạm trú dài hạn. Tuy nhiên, đối với những hộ chỉ ở một vài tháng sau đó chuyển đi sẽ rất khó để chính quyền địa phương xét duyệt hộ nghèo.

Còn nữa

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem