"Bỏ theo dõi trang Instagram của Miss Grand là cách phản đối văn minh"

Yến Linh Chủ nhật, ngày 30/10/2022 07:00 AM (GMT+7)
"Tôi nghĩ việc bỏ theo dõi trang Instagram của Miss Grand cũng có phần do cay cú. Nhưng đó là cách khá tốt để bày tỏ quan điểm phản đối văn minh" - chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long chia sẻ với PV Dân Việt.
Bình luận 0

Sau khi cuộc thi Miss Grand International 2022 (Hoa hậu Hoà bình quốc tế) kết thúc, nhiều khán giả bày tỏ sự bất bình khi thí sinh Việt Nam - Đoàn Thiên Ân chỉ dừng chân ở Top 20 chung cuộc. Ngay tại thời điểm cô bị loại, hàng loạt người Việt đã huỷ theo dõi trang Instagram của tổ chức Miss Grand, khiến trang này từ 6.8 triệu người theo dõi chỉ còn 4.4 triệu người theo dõi.

"Bỏ theo dõi trang Instagram của Miss Grand là cách phản đối văn minh" - Ảnh 1.

Sự việc thí sinh Đoàn Thiên Ân bị chủ tịch Miss Grand đánh giá ngoại hình gây xôn xao. (Ảnh: MG)

Mới đây, cư dân mạng lại bức xúc lan truyền đoạn clip ghi lại khoảnh khắc ông Nawat Itsaragrisil - Chủ tịch Miss Grand International chia sẻ về lý do người đẹp Việt Nam trượt Top 10. Cụ thể, ông cho rằng Đoàn Thiên Ân không đáp ứng tiêu chí về mặt hình thể so với các thí sinh còn lại. Ông đánh giá hoa hậu quê Long An có phần thân trên dài hơn phần thân dưới và phần hông to. Ý kiến này khiến hàng loạt người Việt lên tiếng bênh vực Thiên Ân, chỉ trích Chủ tịch Miss Grand có hành động "body shaming" (miệt thị ngoại hình), không ít khán giả kêu gọi tẩy chay cuộc thi.

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi ngắn với chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long về chủ đề này:

Mới đây, phát ngôn của ông  Nawat Itsaragrisil, Chủ tịch Miss Grand International (Hoa hậu Hoa bình Quốc tế)  về nhược điểm hình thể của Hoa hậu Đoàn Thiên Ân khiến đông đảo khán giả Việt bức xúc. Nhiều người cho rằng, đây là hành động "body shaming" (miệt thị ngoại hình) đáng lên án. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?

- Mang nội dung mô tả "phần thân trên dài hơn thân dưới" tách ra khỏi bối cảnh cuộc thi và vai trò của ông Chủ tịch, thì tôi nghĩ đó là "body shaming". Nhưng nếu mọi người hỏi tại sao cô hoa hậu này bị loại, tại sao cô kia không được vào top, hẳn nhiên ông ấy sẽ phải đưa ra giải thích chi tiết theo tiêu chí cuộc thi (bao gồm hình thể). Nếu không mô tả vậy, tôi cũng chưa rõ ông ấy sẽ phải nói thế nào?

Tuy nhiên, cách nói của ông chủ tịch tôi thấy chưa tế nhị, sẽ gây tổn thương cho người bị nhận xét và người hâm mộ của cô ấy.

Bên cạnh những ý kiến bênh vực Thiên Ân, cũng không ít khán giả cho rằng: Khi một cô gái tham gia thi nhan sắc, cô gái đó phải chấp nhận những đánh giá của người khác về ngoại hình của mình, kể cả trước rộng rãi công chúng. Anh có đồng tình với quan điểm này?

- Tôi nghĩ cuộc thi nhan sắc khác với cuộc bình phẩm về nhan sắc, càng khác với bình phẩm ngoại hình. Thi thố tức là mang nhan sắc từng người áp vào từng hạng mục tiêu chí cuộc thi và chấm điểm.

Thí dụ trên thang điểm 10 cho khuôn mặt thanh tú tôi được 6/10, bạn được 7/10. Nó khác với việc bạn nói tôi "mặt vuông như cái bánh chưng". Hiển nhiên, để lý giải cho điểm số 6/10, ban giám khảo rất khó tránh việc mô tả rõ tại sao họ chấm số điểm A mà không phải B. Nhưng đó là việc của ban giám khảo không phải tất cả mọi người, và cũng đảm bảo sắc thái tích cực.

Một cô gái tham gia cuộc thi sắc đẹp, cô ấy chỉ cần chuẩn bị tâm lý cho việc đánh giá của ban giám khảo thay vì cả triệu người xúm vô bình phẩm.

"Bỏ theo dõi trang Instagram của Miss Grand là cách phản đối văn minh" - Ảnh 2.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long. (Ảnh: NVCC)

 Theo anh, phát ngôn này có gây tổn thất về mặt thương hiệu đối với tổ chức Miss Grand?

- Nó ảnh hưởng nhiều hay ít phụ thuộc vào phản ứng của các bên liên quan. Nếu tất cả mọi người cùng xem đó là việc bình thường, không cần lên án hay lên tiếng thì họ sẽ chẳng ảnh hưởng gì nhiều.

Việc gần 3 triệu người, trong đó đa số là người Việt bỏ theo dõi trang Instagram của Miss Grand được cho là hành động bộc phát, thể hiện sự hơn thua, cay cú. Anh có cho rằng cách ủng hộ của fan Việt cho thí sinh tại các cuộc thi nhan sắc nên thay đổi?

- Tôi cũng nghĩ có phần cay cú. Nhưng đó là cách khá tốt để bày tỏ quan điểm phản đối văn minh.

Ở nhiều nước trên thế giới, cuộc thi hoa hậu không còn được đề cao. Nhưng tại Việt Nam, công chúng vẫn quan tâm và bị ảnh hưởng nhiều vì những cuộc thi này. Hơn 20 cuộc thi hoa hậu diễn ra tại Việt Nam trong năm nay cũng là minh chứng cho điều đó. Theo anh, nguyên nhân của điều này là do đâu?

- Cá nhân tôi hoàn toàn không quan tâm đến các cuộc thi sắc đẹp. Còn việc mọi người thích ngắm các cô gái xinh đẹp, theo dõi và cổ vũ thì tôi thấy dễ hiểu. Đó là một nhu cầu rất bản năng.

Thêm nữa, các cuộc thi sắc đẹp cũng được truyền thông tốt, có yếu tố thư giãn vui vẻ. Như vậy, ở góc độ nào đó cũng xem như hình thức mua vui lành mạnh, không thiệt hại gì.

Liệu trào lưu "hoa hậu" này có sớm thay đổi trong thời gian gần sắp tới?

- Khi đã thuộc về nhu cầu bản năng thì tôi e là nó sẽ không thay đổi, kể cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem