Bỏ thi cụm, chấm chéo: Lại lo chống tiêu cực

Thứ sáu, ngày 16/12/2011 14:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ GDĐT dự kiến bỏ hình thức thi cụm, chấm chéo, bắt đầu từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Việc giao tự chủ đi kèm với tự chịu trách nhiệm khiến lãnh đạo sở GDĐT địa phương phải loay hoay tính chuyện tránh tiêu cực.
Bình luận 0

Lại “mình xử mình”

Để siết chặt việc giao tự chủ cho các sở GDĐT địa phương trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, Bộ GDĐT đã có những quy định khá chặt chẽ. Ngoài việc phải sắp xếp thí sinh theo 3 bước, các sở GDĐT địa phương phải thành lập hội đồng chấm thi môn tự luận, mỗi môn 2 tổ đảm bảo giáo viên không chấm bài thi tự luận của học sinh trường mình.

img
Bỏ thi cụm và chấm chéo, học sinh có thể thở phào nhưng ngành giáo dục sẽ “đau đầu” tìm cách chống tiêu cực (ảnh minh họa).

Bộ cũng quy định, chỉ được tiến hành chấm thi khi địa điểm làm việc có đủ điều kiện để đảm bảo sự an toàn của Hội đồng chấm thi và việc đánh giá chính xác, công bằng kết quả kỳ thi. Khi không còn sự giám sát trực tiếp của thanh tra Bộ nữa, sở GDĐT sẽ phải tăng cường công tác đôn đốc, kiểm ta việc thực hiện quy chế trong tất cả các khâu của kỳ thi…

Theo nhận định của GS Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo: Việc Bộ thay đổi thi tốt nghiệp THPT và tăng cường khối thi ĐH là có liên quan đến nhau.

Qua đây cho thấy “ý tứ” của Bộ là khoán vấn đề thi tốt nghiệp THPT cho địa phương để tập trung cho thi ĐH và cho rằng làm như thế sẽ nâng được chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, nếu bỏ thi cụm, chấm chéo thì nên giữ lại thanh tra uỷ quyền Bộ GDĐT, nếu cứ để “tự mình xử mình” thì những hiện tượng tiêu cực phổ biến trong kỳ thi tốt nghiệp cách đây 3 năm có cơ hội tái diễn.

Ông Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết: “Việc bỏ thi cụm, chấm chéo trong kỳ thi tốt nghiệp tôi e rằng có thể sẽ làm tăng tính tiêu cực. Để giảm bớt tính chất phức tạp, gây khó khăn cho cán bộ, giáo viên thì có thể rút gọn phạm vi chấm chéo, thi cụm. Nghĩa là có thể chỉ chấm đổi giữa 4-5 trường trong cùng một huyện với nhau chứ không nhất thiết phải là giữa miền Nam với miền Bắc”.

Giám thị sẽ nặng gánh

Để giảm và tránh hiện tượng tiêu cực sẽ tái diễn, các sở GDĐT cho rằng cần đẩy mạnh công tác tự thanh tra kiểm tra, thực hiện chống bệnh thành tích và nâng cao trách nhiệm cho cán bộ coi thi – những người trực tiếp chịu trách nhiệm khi nảy sinh tiêu cực trong thi cử.

Thầy Nguyễn Xuân Kha – giáo viên một trường THPT ở TP.Vinh (Nghệ An) đã nhiều năm làm cán bộ coi thi phân tích: “Việc thi cụm, chấm chéo tuy hơi rắc rối và vất vả cho thí sinh nhưng công tác coi thi lại khá… nhàn. Việc quay cóp, lộn xộn trong phòng thi, giở tài liệu… được hạn chế rất nhiều. Học sinh chủ động hơn trong việc làm bài thi vì không thể trông chờ vào người ngồi bên cạnh nữa”.

img Cần tập huấn nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ coi thi. Nếu coi thi nghiêm túc thì kỳ thi chắc chắn sẽ nghiêm túc. img

Cũng theo thầy Kha, nếu thực hiện quy chế mới thì việc tăng cường thêm giám thị trong phòng thi và giám thị hành lang cho mỗi địa điểm thi là điều nên làm để giảm bớt áp lực cho giám thị.

Giám đốc Sở GDĐT Bình Dương, ông Đặng Thành Sang thì lo ngại: “Được thi tại trường mình, thầy cô mình coi sẽ làm giảm áp lực cho thí sinh nhưng chắc chắn kết quả thi giữa các tỉnh sẽ chênh nhau, trường nào làm quyết liệt trường đó sẽ thiệt. Vì vậy dù giao tự chủ nhưng việc kiểm tra, giám sát từ trên phải nhất quán và đặc biệt Bộ phải làm thế nào kiểm soát bệnh thành tích”.

Lãnh đạo Sở GDĐT Nghệ An thì cho biết sẽ sử dụng kết hợp cả hai mô hình thi cụm và thi độc lập tuỳ thuộc vào điều kiện của từng vùng. Các trường có điều kiện tốt về cơ sở vật chất, tạo cụm trường không quá xa thì vẫn duy trì thi cụm, còn những trường thuộc miền núi như Đô Lương, Kỳ Sơn… thì sẽ thi riêng. Cách làm linh hoạt này sẽ giúp Sở đỡ vất vả trong việc kiểm soát tiêu cực và tháo gỡ khó khăn cho vùng khó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem