Bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai ở khu vực trung du, miền núi

Khương Lực Thứ hai, ngày 18/09/2023 12:58 PM (GMT+7)
Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… đã và đang trở thành nỗi bất an, là mối đe dọa thường xuyên của người dân trong mùa mưa bão, nhất là ở địa bàn vùng trung du và miền núi. Vì thế, việc bố trí, sắp xếp dân cư vùng có nguy cơ cao về thiên tai này tới nơi ở mới an toàn là rất cấp thiết.
Bình luận 0

Bản làng mới cho người dân vùng thiên tai

Hơn 4 năm trước, trận lũ quét lịch sử cướp đi sinh mạng của 10 người, hơn 50 căn nhà bị cuốn trôi, hư hỏng, khiến nhiều người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, bản Sa Ná đã được tái thiết bằng nguồn vốn ngân sách và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm.

Bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai ở khu vực trung du, miền núi - Ảnh 1.

Sau trận lũ quét lịch sử xảy ra 4 năm trước, bản Sa Ná đã được tái thiết bằng nguồn vốn ngân sách và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Đến nay Sa Ná là một trong số ít bản về đích nông thôn mới đầu tiên ở huyện biên giới Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Chương

Một phần quả đồi Pom Ngô, cách bản cũ gần 1km, rộng 2,8ha được sử dụng làm nơi tái định cư cho 51 hộ dân bị ảnh hưởng. Những nỗ lực không biết mệt mỏi của chính quyền địa phương cũng như sự vươn lên mạnh mẽ của mỗi cư dân người Thái, họ đã lập bản mới và từng bước ổn định cuộc sống. Sa Ná là một trong số ít bản về đích nông thôn mới đầu tiên ở huyện biên giới Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Khu tái định cư bản Lở, xã Nam Động, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa là nơi bố trí tái định cư cho 34 hộ dân vùng nguy cơ sạt lở đất. Trước kia, bản Lở ở gần khu vực núi Bom Dưới thường xuyên đối mặt với nguy cơ sạt lở đất. Khi chuyển về khu tái định cư, bản được quy hoạch khang trang, đẹp mắt, đời sống người dân ổn định.

Về nơi ở mới an toàn, gia đình bà Hà Thị Quỳnh – bản Lở, xã Nam Động, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa nay đã ngủ yên giấc, không thấp thỏm lo bị lũ quét hay sạt lở đất như trước nữa. Để sớm ổn định cuộc sống, bà mong muốn các cấp chính quyền hỗ trợ người dân về mặt sản xuất, vì khu ruộng trước kia của người dân đã dành để xây dựng khu bố trí tái định cư và hỗ trợ khoản kinh phí di dời nhà cho các hộ dân.

Thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã bố trí 151 hộ dân vào ở tại 4 tái định cư và gần 200 hộ tái định cư xen ghép, so với mục tiêu Đề án đặt ra thì mới đạt hơn 20%. Các khu tái định cư đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các hộ dân đã di chuyển đến nơi ở mới.

"Làm ngày, làm đêm" để người dân sớm có nơi ở mới an toàn

Trên địa bàn các huyện miền núi phía Tây của tỉnh Nghệ An, khi mưa lớn kéo dài thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở, rồi ngập úng cục bộ… ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và giao thông đi lại của người dân.

Xây căn nhà mới khang trang bên triền núi được 4 năm, nhưng năm nào gia đình bà Lò Thị Vơn ở bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cũng thấp thỏm lo âu vì đất đá trên núi sạt lở vào nhà. Trong cơn mưa lớn kéo dài những ngày cuối tháng 9/2023, ngôi nhà chị đã bị một khối lượng lớn đất đá sạt lở xuống, gây đổ tường, hư hại lớn đến ngôi nhà.

Bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai ở khu vực trung du, miền núi - Ảnh 3.

Sạt lở đất đá thường xuyên xảy ra trên địa bàn các xã miền núi của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Khương Lực

Bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai ở khu vực trung du, miền núi - Ảnh 4.

Trong cơn mưa lớn kéo dài những ngày cuối tháng 9/2023, ngôi nhà chị Lò Thị Vơn ở bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã bị một khối lượng lớn đất đá sạt lở xuống, gây đổ tường, hư hại lớn đến ngôi nhà. Ảnh: Khương Lực

Bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai ở khu vực trung du, miền núi - Ảnh 5.

Chị Lò Thị Vơn ở bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An dọn đẹp đồ đặc sau khi bị đất đá sạt lở làm sập một mảng tường nhà, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của gia đình. Ảnh: Khương Lực

Trong đêm khuya chị hốt hoảng gọi mọi người chạy ra ngoài đường, rồi tìm nhà người thân để lánh nạn. Đồ đạc trong nhà chị được chính quyền xã và người thân hỗ trợ di dời khẩn cấp đến nơi an toàn để giảm bớt thiệt hại. "Xã Xá Lượng có 9 thôn, bản thì các thôn, bản đều có nguy cơ về sạt lở đất. Hiện nay trên địa bàn xã do mưa lớn vừa rồi cũng có hơn 20 hộ có sạt lở và có 4 hộ đã phải di dời khẩn cấp" - bà Lô Thị Trà My – Chủ tịch UBND xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An thông tin.

Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An xác định Chương trình bố trí dân cư là một trong những chương trình hết sức quan trọng. Thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2013-2020, toàn tỉnh Nghệ An đã bố trí được hơn 1.000 hộ đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống cho người dân. Thực hiện Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã dành trên 100 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ một số dự án di dân tập trung.

Mới đây, ngày 14/9/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng Dự án: Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho người dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn với tổng mức đầu tư là 31,5 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương 30 tỷ đồng và ngân sách huyện Kỳ Sơn là 1,5 tỷ đồng.

Dự án này sẽ ưu tiên bố trí cho 54 hộ bị sập và trôi hoàn toàn trong trận lũ lịch sử xảy ra năm ngoài và về lâu dài sẽ bố trí cho hơn 250 hộ dân nằm trong diện nguy cơ cấp độ 1 - những hộ nằm ven sông, ven suối và gần các khu vực đồi núi cao có khả năng ảnh hưởng sạt lở. 

"Về tiến độ thi công cũng rất là cấp bách, rất gấp rút, UBND huyện Kỳ Sơn cũng giao cho Ban quản lý dự án lên phương án, giải pháp để sau khi tổ chức đấu thầu xong là làm ngày, làm đêm để làm sao đảm bảo tiến độ, hoàn thành trước 31/12 để bố trí cho  người dân lên ở" - ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An khẳng định.

Ông Lê Văn Lương – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh Nghệ An đã xây dựng quy hoạch bố trí ổn định dân cư cho giai đoạn 2021 - 2030. Nếu theo đề xuất từ các địa phương, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Nghệ An cần bố trí ổn định cho khoảng hơn 5.000 hộ và nhu cầu đến năm 2030 hơn 8.000 hộ. Như vậy, nhu cầu bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh khá lớn. 

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 590/QĐ-TTg, UBND tỉnh Nghệ An đang xây dựng Nghị quyết "Quy định chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2030" để trình HĐND tỉnh thông qua vào tháng 12/2023 nhằm hỗ trợ người dân di dời ra khỏi vùng nguy cơ thiên tai. Khi nghị quyết ban hành, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện có kết quả chương trình bố trí dân cư cho người dân vùng thiên tai trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem