Trong phiên trả lời chất vấn của Quốc hội vào chiều nay 14.6, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Các nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Trần Đại Quang là việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tình hình tội phạm, đấu tranh phòng chống tội phạm trên tất cả các lĩnh vực; việc sử dụng lực lượng, phương tiện khi thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất trong giải phóng mặt bằng.
Nội dung thứ 2 là công tác phối hợp với các ngành hữu quan trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, thu mua, nuôi trồng hải sản, quản lý rừng, tài nguyên khoáng sản, trật tự an toàn giao thông. Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Đại Quang sẽ trả lời về những biện pháp triển khai thi hành pháp luật về hình sự (về tạm giam, tạm giữ, quản lý trại giam, thi hành án…).
Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ Giao thông Vận tải, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là người hỗ trợ Bộ trưởng Công an trong lần đăng đàn này.
|
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đang trả lời chất vấn, chiều 14.6 |
Tại phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã cung cấp một số tư liệu liên quan đến tội phạm, diễn biến tội phạm hết sức phức tạp: So với các nước trong khu vực, tội phạm ở ta vào mức trung bình, có mức gia tăng trung bình.
Qua 6 tháng đầu năm, tội phạm có tổ chức, đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê gia tăng. Có 707 vụ giết người. Các vụ xâm phạm trẻ em như hiếp dâm, hành hạ trẻ em gia tăng. 457 vụ chống người thi hành công vụ. Tội phạm sử dụng công nghệ cao trộm cước viễn thông, trộm tiền trong tài khoản gồm 111 vụ. Tội phạm người nước ngoài phát hiện 165 đối tượng. Đặc biệt, tham nhũng cũng gia tăng khi công an phát hiện 243 vụ tham nhũng.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) chất vấn việc thương nhân nước ngoài hoạt động ở nước ta, họ sử dụng hộ chiếu du lịch, có dấu hiệu lừa đảo thì trách nhiệm trong việc quản lý của ngành công an như thế nào? Họ có vi phạm pháp luật không? Mục đích của họ là gì? Trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng? Ngoài ra, tội phạm ngày càng trẻ hóa, manh động, sẵn sàng giết người, kể cả người thân. Tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, kém chất lượng. Nhận định của Bộ trưởng thế nào về loại tội phạm này?
Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết có tình trạng “lách” luật khi làm việc không đến 3 tháng, có hiện tượng thương nhân lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Về tình trạng tội phạm vị thành niên gia tăng, có nhiều nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân tác động kinh tế xã hội, xuống cấp đạo đức nói chung, còn có sự buông lỏng quản lý giao dục của gia đình. Trẻ em bỏ học, bỏ nhà lang thang nhưng phụ huynh không biết, nhà trường và gia đình không phối hợp kịp thời dẫn đến việc các em ăn chơi, nghiện hút, hoạt động tội phạm, cướp giết.
Bộ trưởng khẳng định cần tăng cường sự quản lý giáo dục của nhà trường và gia đình. Ngành công an sẽ có biện pháp giáo dục phù hợp, nhưng đề nghị các ngành kinh doanh không tạo điều kiện cho các em, ví dụ cho thuê nhà trọ, cho chơi thiếu tiền… Gia đình và xã hội phải cùng vào cuộc mới ngăn chặn được tình trạng này.
Đối với chất vấn của ĐB Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) về tội phạm có liên quan đến an ninh mạng diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Công an xác nhận đúng là tình hình tội phạm an ninh mạng hiện nay hết sức phức tạp, nhiều nước cũng bị ảnh hưởng không riêng gì Việt Nam. Hiện Việt Nam là nước đứng thứ 5 về phát tán thư rác cũng như các vấn đề tiêu cực khác liên quan đến mạng.
Tội phạm lợi dụng mạng để tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá ngày càng gia tăng. Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông để công tác thanh kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực internet. Sắp tới, Bộ sẽ tăng cường quản lý nhà nước, kiến nghị sửa đổi Nghị định 97, không để các đối tượng lợi dụng internet để hoạt động tội phạm.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) chất vấn việc bị can Dương Chi Dũng bỏ trốn trước khi có lệnh bắt tạm giam, đề nghị cho biết trách nhiệm, tại sao trốn thoát? Làm sao để bắt lại và ngăn chặn những vụ việc tương tự? Về trách nhiệm của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc bổ nhiệm ông Dũng, ĐB Hùng cho biết đã nhận văn bản trả lời dài 5,5 trang nhưng chỉ có 1,5 dòng trả lời là rút kinh nghiệm.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, đã thực hiện truy nã quốc tế với ông Dũng ngay sau khi ông này bỏ trốn. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo làm rõ xem có lọt thông tin hay không mà ông Dũng bỏ trốn và sẽ xử lý. Đồng thời, theo Bộ trưởng Bộ Công an, trước khi có lệnh bắt, việc ngăn chặn khả năng bỏ trốn của ông Dũng cũng đã không được thực hiện dẫn đến việc ông này bỏ trốn.
Liên quan đến vụ ông Dương Chí Dũng bỏ trốn, Bộ trưởng Quang đề nghị sắp tới được tiến hành điều tra bí mật đối với các đối tượng tham nhũng để tránh tình trạng bỏ trốn. Bộ Công an sẽ kiến nghị cho phép sử dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết và người ra quyết định sẽ chịu trách nhiệm.
Trả lời chất vấn của ĐB Đỗ Mạnh Hùng về tiêu cực của CSGT, Bộ trưởng Quang cho biết thời gian qua ngành đã có nhiều đề án phòng ngừa tiêu cực, đã xuất hiện hàng trăm gương CSGT không nhận hối lộ với số tiền hàng trăm triệu đồng. Trong quá trình làm nhiệm vụ, đã có 11 cán bộ chiến sĩ hy sinh, hơn 200 cán bộ chiến sĩ bị thương. Bộ trưởng cũng cho rằng, môi trường làm việc của CSGT hiện nay chịu rất nhiều áp lực như áp lực mua chuộc của người vi phạm bằng tiền và quà, áp lực khi phải làm việc trong môi trường nắng nóng, mưa rét, gió, bụi, ồn…
Bên cạnh sự hy sinh của lực lượng CSGT, vẫn còn tình trạng CSGT vi phạm điều lệnh, vi phạm pháp luật, nhận tiền mãi lộ, bỏ qua vi phạm... Đối với những trường hợp này, ngành đã chỉ đạo xử lý nghiêm. Bộ trưởng Bộ Công an cảm ơn cử tri cả nước và báo chí đã cung cấp cho ngành nhiều vụ việc sai phạm có liên quan đến CSGT. Ngành công an cam kết xử lý triệt để, không để xảy ra tiêu cực. Các CSGT vi phạm nếu bị phát hiện sẽ bị đình chỉ công tác, khởi tố, truy tố nếu sai phạm nghiêm trọng.
Về chất vấn của ĐB Hòa thượng Thích Bảo Yên (Hà Nội) rằng ông giật mình trước việc thanh niên sẵn sàng chém giết vì nhưng mâu thuẫn nhỏ, gây bất an, Bộ trưởng có lo lắng trước tình trạng tội phạm trẻ xuất hiện nhiều hay không, Bộ trưởng Quang cho biết có rất nhiều thứ hung khí hoặc đồ chơi nguy hiểm nhập từ nước ngoài.
Bộ trưởng đề nghị nghiêm cấm nhập khẩu các đồ chơi mang tính bạo lực. Tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội trong các vụ án nghiêm trọng hiện rất bức xúc trong xã hội, chủ yếu do sự buông lỏng quản lý, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cả xã hội mới có thể ngăn chặn, giảm thiểu.
ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng, việc thu hồi giải phóng mặt bằng ở nhiều địa phương thời gian qua gây bức xúc trong nhân dân, những vụ việc này có liên quan đến lực lượng công an. Theo ĐB Thăng, ở cấp xã, lực lượng công an xã rất quan trọng trong bảo vệ an ninh trật tự nhưng thù lao rất thấp, có nơi phụ cấp chỉ bằng vài ngày công lao động phổ thông nên công an xã không thể toàn tâm toàn ý cho công việc, thậm chí bỏ việc.
Bộ trưởng Trần Đại Quang trả lời: Lực lượng công an là lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong các cuộc cưỡng chế, không phải là lực lượng cưỡng chế. Nhiều cử tri cho rằng công an tham gia cưỡng chế là không đúng, công an chỉ đảm bảo an ninh trật tự, xử lý những người chống người thi hành công vụ.
Đối với những dự án có liên quan đến đời sống người dân, ngành công an sẽ tăng cường nắm tình hình, tham mưu cho chính quyền địa phương minh bạch hóa dự án, đồng thời chính sách đền bù phải thỏa đáng, hài hòa lợi ích người dân, nhà nước và doanh nghiệp để không xảy ra điểm nóng. Về những vụ cưỡng chế xảy ra trong thời gian qua, Bộ trưởng nói sẽ rút kinh nghiệm để tránh những sai sót đáng tiếc.
Đối với quyền lợi của lực lượng công an xã, Bộ trưởng cho biết đã có kiến nghị về pháp lệnh công an xã, đề xuất tăng chế độ chính sách cho lực lượng này. Trong khi chờ sửa đổi pháp lệnh, Bộ đã hướng dẫn công an địa phương tăng cường lực lượng chuyên trách, đề xuất tăng thêm chỉ tiêu phó công an xã chuyên trách tại địa phương.
Tiếp tục phần chất vấn Bộ trưởng Trần Đại Quang sau giờ nghỉ giải lao, thêm hàng loạt đại biểu đặt câu hỏi.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) hỏi: Hiện tượng vi phạm diễn ra tràn lan mà không bị xử lý, nhất là trong lĩnh vực GTVT. Đây là vấn đề cốt lõi làm mất tính nghiêm minh của pháp luật; hiện tượng chống người thi hành công vụ diễn ra khá phổ biến, cũng đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông; lực lượng CSGT tỏ ra nhu nhược, yếu thế... ý kiến bộ trưởng thế nào?
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) chất vấn: Tình hình tội phạm tham nhũng diễn biến nghiêm trọng, số vụ khởi tố điều tra rất ít, chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân, tương xứng với tình hình. Có vấn đề gì khó khăn thưa Bộ trưởng? Các vụ tham nhũng lớn thì chỉ khởi tố tội danh cố ý làm trái, mà tội này xử rất thấp, việc thu hồi tài sản cũng rất thấp. Có cách gì tập trung thu hồi tài sản thất thoát, phòng ngừa quan chức phạm tội, đem tài sản tẩu tán ra nước ngoài?
Vừa qua, nhiều nơi xảy ra các vụ đổ vỡ tín dụng đen gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng? Dưới góc độ phòng ngừa tội phạm, Bộ trưởng có biện pháp gì?
Có tình trạng nhiều người bị bắt, chết trong nơi tạm giữ, gây bức xúc dư luận? Bộ trưởng có biện pháp gì để đảm bảo an toàn cho người bị tạm giữ?
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau): Cử tri ở vùng nông thôn, vùng sâu, xa còn băn khoăn vì tình hình mất an ninh trật tự còn diễn biến phức tạp. Bộ trưởng có đề xuất giải pháp gì?
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội): Có hay không hiện tượng công an bảo kê cho tệ nạn ở địa phương như mại dâm, môi trường, chạy tội...? Có giải pháp gì để làm trong sạch lực lượng công an?
ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM): Việt Nam là điểm đến thân thiện cho khách du lịch nước ngoài, có ý kiến cho rằng Việt Nam cần có lực lượng cảnh sát du lịch. Bộ trưởng nghĩ sao?
ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh): Giải pháp đột phá của ngành về việc ngăn chặn nạn buôn bán người, buôn bán trẻ em, thẩm lậu hàng hóa nhập lậu vào Việt Nam?
ĐB Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp): Tình trạng thanh thiếu niên phạm tội trong trường học tăng nhiều thời gian qua. Bộ có giải pháp gì?
ĐB Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên): Việc thực hiện pháp luật về bắt khẩn cấp tại địa phương diễn ra thời gian qua thế nào? Từ 1.10.2011 đến nay, nhiều vụ can phạm chết trong nhà tạm giữ, tạm giam, bộ trưởng cho biết nguyên nhân và xử lý?
Số đối tượng phạm tội bị truy nã ngoài xã hội rất lớn, trong đó hơn 30% là nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Bộ trưởng có biện pháp gì để giảm số lượng này?
ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình): Luật Thi hành án hình sự đã có, nhưng đến nay, hình thức tử hình bằng thuốc độc vẫn chưa được thực hiện. Vì sao?
Hiện nay, tình trạng không đủ kho thu giữ phương tiện giao thông vi phạm luật khiến cho các phương tiện hỏng hóc, lãng phí? Bộ có biện pháp gì khắc phục tình trạng trên? Thu giữ có phải là biện pháp tối ưu để giảm vi phạm giao thông?
ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng): Thời gian qua, đánh giá của Bộ trưởng về quan hệ giữa các cơ quan chức năng trong phòng chống tội phạm ra sao?
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM): Trong các loại diễn biến của cán bộ công chức, thì tham nhũng là loại diễn biến nguy hiểm nhất. Vì tiền, họ có thể mua bán tất cả, kể cả lợi ích quốc gia. Tại Hội nghị Trung ương 5, đã có nhận định tham nhũng chưa bị đẩy lùi. Trách nhiệm của Bộ Công an trước vấn đề này? Tham nhũng trong ngành công an có nhiều không? Đâu là trở lực, đâu là giải pháp, cần ĐBQH hỗ trợ những gì?
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trả lời:
Về các vấn đề đấu tranh chống tội phạm tham nhũng còn khởi tố ít. Thời gian qua, công tác này được chỉ đạo rất quyết liệt, 6 tháng đầu năm, khởi tố 215 vụ, tăng so với cùng kỳ năm trước. Có một số khó khăn khiến các vụ án tham nhũng kéo dài trong xử lý. Vấn đề này rất phức tạp, liên quan tới nhiều người có chức vụ, phương thức tinh vi nên việc xử lý điều tra rất khó khăn vì phải thận trọng.
Hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng còn bất cập. Thời gian trưng cầu giám định kéo dài nên kéo dài thời gian điều tra. Có vụ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhưng giám định kéo dài 11 tháng nên vẫn chưa có kết quả vì không có quy định giám định trong bao lâu phải xong. Thời gian tới, Nhà nước phải thành lập cơ quan giám định tư pháp để xử lý các vụ án tham nhũng.
Bộ trưởng Quang khẳng định trong nội bộ ngành công an cũng rất coi trọng việc đấu tranh chống tham nhũng. Kết quả vừa qua, xin báo cáo ĐBQH và cử tri là đạt được những kết quả tích cực, đủ sức đáp ứng nhiệm vụ trong yêu cầu mới.
Trả lời về vấn đề tín dụng đen, Bộ trưởng thừa nhận đúng là tình trạng hiện nay ở các địa phương rất phức tạp. Một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng tư tưởng hám lợi của nhân dân đưa ra lãi suất cao để thu hút tiền của dân, cuối cùng lừa đảo, chiếm đoạt. Đáng chú ý là có sự câu kết của cán bộ nhân viên ngân hàng. Bộ trưởng cảnh báo nhân dân, cử tri cả nước cần hết sức cảnh giác trước thủ đoạn của các đối tượng sử dụng tín dụng đen.
Về các chất vấn liên quan tới việc người chết tại nơi tạm giam, tạm giữ, Bộ trưởng cho biết: Tất cả các vụ việc này đều được điều tra nguyên nhân và xử lý theo đúng quy định pháp luật. Nhưng đa phần đều có nguyên nhân từ trước đó, nhưng cơ quan điều tra không làm chặt chẽ trong việc kiểm tra sức khỏe. Vì thế, chúng tôi đã yêu cầu làm chặt, không để xảy ra tình trạng này.
Về ý kiến ĐB Huỳnh Thành Lập (TP.HCM) liên quan tới tội phạm cướp tiệm vàng, Bộ trưởng công nhận các vụ việc xảy ra vừa qua đã làm dư luận lo ngại. Lực lượng công an có trách nhiệm ngăn chặn tình trạng này. Vừa qua, ngành công an đã tập trung điều tra các vụ trọng điểm xảy ra, đồng thời nâng cao trách nhiệm, hướng dẫn các chủ tiệm vàng các biện pháp tự bảo vệ mình và tiệm vàng, đồng thời, tổ chức lực lượng đặc nhiệm mai phục ở những nơi tội phạm có thể rình mò để kịp thời xử lý vụ việc.
Về công tác xây dựng lực lượng, theo Bộ trưởng Quang, trong nội bộ ngành công an có một số đồng chí đề xuất nên chăng thành lập lực lượng cảnh sát du lịch. Bộ sẽ nghiên cứu và có ý kiến trong thời gian tới.
Nhận định về tình hình tội phạm buôn bán người và trẻ em, Bộ trưởng đánh giá tình trạng hiện nay hết sức bức xúc, có các đối tượng lừa đảo, dẫn dắt người ở vùng sâu vùng xa, miền núi ra bán nước ngoài. Chính phủ đã có chương trình 130 về phòng chống tội phạm buôn bán người. Bộ Công an đã xây dựng đề án triển khai chương trình 130, giải cứu hàng ngàn người và sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn chương trình phòng chống tội phạm này.
Đối với vấn nạn tội phạm trong trường học, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với nhà trường, tham gia phát hiện xử lý tội phạm trong nhà trường, tạo ra môi trường trong sạch ở trường học.
Về vấn đề thi hành án bằng tiêm thuốc độc, Bộ Công an đã xây dựng 5 trung tâm ở 5 khu vực, do kinh phí có hạn nên vẫn chưa xong. Bộ đã tập huấn cho hơn 500 cán bộ thi hành án ở 63 tỉnh thành và quân đội. Bộ Công an hiện vẫn phải chờ, phối hợp với Bộ Y tế để nhập loại thuốc độc tiêm cho tử tù này về; nếu khó khăn thì sẽ nghiên cứu sản xuất thuốc ở trong nước. Bộ cũng có ý định xây dựng một trại giam riêng để giam giữ các đối tượng chịu án tử hình, nhằm dễ quản lý hơn so với tình trạng hiện nay.
Sau phần trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã trả lời bổ sung về trách nhiệm của Bộ trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải.
Kết thúc phiên chất vấn chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Trần Đại Quang tỏ rõ thái độ cầu thị, các vấn đề được giải đáp một cách rõ ràng, giải pháp đưa ra đầy đủ. Chủ tịch cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an sau phiên chất vấn sẽ thực hiện đúng, đủ các cam kết đã nêu trên nghị trường về những vấn đề nóng trong lĩnh vực Bộ phụ trách.
Hữu Danh - Hải Phong - P.V
Vui lòng nhập nội dung bình luận.