Quốc hội "nóng" vấn đề đất đai

Thứ tư, ngày 13/06/2012 08:53 AM (GMT+7)
Dân Việt - Kết thúc phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội với phần đăng đàn của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường vào sáng nay, vấn đề giải phóng, đền bù và thu hồi đất đai được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Bình luận 0

Sáng nay, 13.6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Mỗi thành viên Chính phủ sẽ có một buổi trả lời trước Quốc hội, toàn phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày.

8h sáng, bắt đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu đề dẫn, chỉ đạo vấn đề các đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ cần tập trung hỏi và trả lời.

img
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang là thành viên đầu tiên của Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội. Ảnh internet

Theo trình tự, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang là thành viên Chính phủ trả lời đầu tiên về vấn đề quản lý đất đai và ô nhiễm môi trường. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quang Vinh là người đăng đàn thứ 2 trả lời về vấn đề đầu tư công.

Tiếp đó, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Huy Hoàng trả lời về các vấn đề suy giảm trong kinh doanh và quản lý điện.

Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang tập trung về các vấn đề trật tự an toàn xã hội trong các lĩnh vực và tình hình tội phạm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp thu và làm rõ hơn các vấn đề mà các thành viên Chính phủ đã giải trình và trả lời trực tiếp các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Trước khi các Bộ trưởng trả lời chất vấn, ông Nguyễn Đức Hiền - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đọc báo cáo xử lý trả lời kiến nghị của cử tri. Theo đó, từ kỳ họp thứ 2 đến nay có gần 1.700 kiến nghị về các lĩnh vực trong đó tập trung về các vấn đề sửa đổi Hiến pháp, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, điều hành kinh tế, xã hội của Chính phủ và các ngành, địa phương.

Việc trả lời, xử lý các kiến nghị của cử tri nhìn chung là kịp thời, đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vấn chưa được giải quyết hiệu quả, nhiều vấn đề khiếu kiện kéo dài. Báo cáo cho thấy, vấn đề bức xúc nhất hiện nay vẫn là vấn đề đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng.

Dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng công tác này còn nhiều bất cập, đặc biệt là công tác tái định cư. Ví dụ như di dân tái định cư thủy điện Hòa Bình đã 40 năm nhưng tỷ lệ nghèo đói đang ở mức 40%, cận nghèo 30%; khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ ở Thanh Chương - Nghệ An, người dân không ổn định sản xuất do không có đất canh tác đã trở về khu vực lòng hồ.

Các vấn đề còn tồn tại như việc thực hiện tín dụng ưu đãi cho các đối tượng khó khăn các địa phương, hộ gia đình, cá nhân có điều kiện kinh tế khó khăn. Nhiều hộ gia đình không được vay dù đủ điều kiện, nhưng có gia đình cá nhân lại được vay nhiều chương trình.

Cuối báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường hơn nữa công tác trả lời, giải quyết các vấn đề mà cử tri kiến nghị. Trong đó tập trung vào các vấn đề sửa đổi Hiến pháp, Luật đất đai đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng...

Trong công tác giải phóng mặt bằng, cần tập trung giải quyết các vấn đề về giá đất, về tái định cư, chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tổng kết chương trình tín dụng ưu đãi, và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Quốc hội bắt đầu chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang.

Trước khi trả lời, Bộ trưởng Quang đã có báo cáo vắn tắt trước Quốc hội về các vấn đề cử tri, Quốc hội quan tâm. Các vấn đề mà ngành đã làm được trong thời gian qua mà theo người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường là việc tăng cường việc cấp và quản lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khai thác khoáng sản, vận hành hồ chứa.

Bộ trưởng Quang cho biết sẵn sàng trả lời các câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) hỏi ngay về vấn đề đã, đang và sẽ “nóng” trong thời gian qua là giải phóng, thu hồi đất đồng thời đề nghị Bộ trưởng Quang đưa ra giải pháp cụ thể về việc giải phóng mặt bằng hiện nay. Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) cũng đặt vấn đề về quản lý đất đai, vấn đề khắc phục tình trạng nước ngầm đang cạn kiệt ở Tây nguyên, ô nhiễm môi trường ở các lưu vực sông.

Không ngoài vấn đề giải phóng đền bù về đất đai, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị bộ trưởng Quang đưa ra các giải pháp tháo gỡ trong thời gian Luật Đất đai chưa sửa đổi kịp.

Trả lời về bất cập của vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Quang cho biết, nguyên nhân là thiếu sự dân chủ và kiên quyết trong việc thực hiện.

Bên cạnh đó còn có nguyên nhân là giá đề bù còn thấp, chưa có quy định xây dựng tái định cư trước khi giải phóng đất, vấn đề chuyển đổi nghề năng lực cán bộ. Để tháo gỡ, Bộ đang thực hiện sửa đổi Nghị định 69/2009 về đền bù, thu hồi đất của Chính phủ.

Bộ trưởng Quang cho rằng Nghị định đã có nhiều ưu điểm nhưng còn một số tồn tại, chưa hợp lý như quy định về giá đất đền bù có thể thỏa thuận cao từ 1-5 lần so với giá đất do Hội đồng nhân dân các tỉnh thông qua thì các địa phương có điều kiện kinh tế phát triển đồng thuận còn các tỉnh ở xa, khó khăn không đồng thuận.

Về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, Bộ trưởng Quang nói sẽ kéo dài thời gian có thể là 50 năm hoặc hơn. Tăng hạn điền cũng được thống nhất ở mức 5-10 lần hiện nay. Tuy nhiên, việc tăng hạn điền sẽ được điều chính bằng công cụ thuế để chống đầu cơ, phụ vụ chủ yếu cho người sản xuất nông nghiệp.

Về tình trạng nước ngầm ở Tây Nguyên, Bộ trưởng Quang cho rằng đây là vấn đề phức tạp, ngành và địa phương đã, đang và thực hiện các giải pháp để giải quyết để phát triển trồng cà phê ở đây.

Theo Bộ trưởng Quang, việc giải quyết vấn đề cạn kiệt các lưu vực sông đang được tiến hành quyết liệt nhưng gặp nhiều khó khăn trong kinh phí (mỗi lưu vực sông cần ít nhất 3.000 tỷ đồng). Tới đây, Bộ sẽ đề nghị thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý các lưu vực sông này.

Trả lời thêm về việc giải quyết các đơn thư khiếu kiện kéo dài, đông người về đất đai (còn khoảng 500 đơn), Bộ trưởng Quang hứa sẽ tiếp tục cùng các địa phương để giải quyết từng vụ việc cụ thể.

Tiếp theo, đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa -Vũng Tàu) hỏi về vấn đề thu hồi đất đối với các dự án chậm triển khai. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự (đại biểu Hà Tĩnh) hỏi về cách để thực hiện nghiêm túc tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chất vấn về vấn đề tái định cư ở các công trình thủy điện.

Đại biểu Học cho biết đây là vấn đề rất bức xúc và cử tri yêu cầu các dự án thủy điện phải tái đầu tư tương xứng cho người dân, thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng để tránh các “dòng sông chết”, ảnh hưởng lâu dài đến môi trường

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt vấn đề về việc giải quyết vấn đề ô nhiễm làng nghề. “Hiện có 90 % lãng nghề gây ô nhiễm, giái pháp của Bộ như thế nào?” - đại biểu Tám đặt câu hỏi.

Về việc chậm triển khai dự án, Bộ trưởng Quang trả lời, đây là thực trạng tại nhiều địa phương. Tình trạng các nhà đầu tư lấy đất ven quốc lộ, rào dậu đổ đất rồi để đấy xảy ra không ít. Bộ trưởng Quang cũng cho hay, các địa phương đã rất lúng túng về việc xử lý, tuy nhiên cũng có tỉnh như Long An, Tây Ninh đã thu hồi hàng nghìn m2.

Hiện Bộ đang tiến hành thống kê trên toàn quốc. Về cách xử lý của bộ, Bộ trưởng Quang khẳng định thời gian tới sẽ kiến nghị Chính phủ quy định theo hướng sẽ không đền bù cho các nhà đầu tư chậm triển khai dự án, khác với quy định các tỉnh đền bù phải đền bù cho nhà đầu tư khi thu hồi đất như hiện nay.

Về việc cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cơ bản xong đến 2010 theo nghị quyết của Quốc hội. Bộ trưởng Quang cho biết về đất nông nghiệp đã đạt đến 80% là cơ bản, còn đất thành thị và đất chuyên dụng đang đạt thấp (dưới 60%).

Bộ trưởng Quang nhận định, các trường hợp chưa cấp giấy chứng nhận sử dụng là do thủ tục giấy tờ khó khăn, tranh chấp. Một nguyên nhân nữa là năng lực của cán bộ và văn phòng đăng ký sử dụng đất ở địa phương còn thiếu và yếu. Bộ trưởng Quang cho biết để giải quyết cơ bản vấn đề này sẽ phải đến năm 2015.

Về vấn đề tái định cư thủy điện, công tác đền bù là thỏa đáng nhưng cuộc sống của nhân dân bị di dời còn nhiều khó khăn. Bộ trưởng Quang cho rằng sau này cần quy định các nhà đầu tư phải tăng đầu tư. Việc chủ đầu tư trồng lại rừng sẽ được quy định cụ thể trong thời gian tới như các chủ đầu tư sẽ trồng đầu tư ở khu vực nào.

Việc ô nhiễm môi trường làng nghề, Bộ trưởng Quang cho hay, thực trạng các làng nghề sản xuất một cách tự phát, căn cứ pháp lý để xử phạt đã có.

Hiện nay, nếu yêu cầu các gia đình tự nguyện chấp hành ngay sẽ rất khó khăn. Bộ trưởng Quang khẳng định kiếm tra và xử phạt các doanh nghiệp lợi dùng về làng nghề sản xuất để tránh việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Sau giờ giải lao, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã hỗ trợ Bộ trưởng Quang trả lời chất vấn về vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại, tố cáo kéo dài về đất đai.

Tổng thanh tra Chính phủ thống kê, bình quân có 400.000 lượt người đi khiếu nại đất đai. Từ 2008-2011, trong quá trình giải quyết, khiếu nại giải quyết được 88%, tố cáo giải quyết 84% số đơn.

Từ kỳ họp thứ 2 của Quốc hội đến kỳ họp thứ 3 này đã tiếp nhận 52.000 lượt đơn. So với cùng kỳ năm trước giảm cả số đơn, số người và số vụ việc.

Tuy nhiên, tình hình khiếu nại ngày càng phức tạp hơn. Từ cuối năm 2011 đến nay, nội dung khiếu nại đất đai  chiếm tới 79%, dẫn đến mất tình hình an ninh xã hội.

Tổng thanh tra cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực giải quyết các khiếu nại tố cáo, đặc biệt là vừa qua, Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc về vấn đề này. Hiện còn 528 vụ việc chưa giải quyết được. Chính phủ có 18 đoàn công tác đi rà soát 63 tỉnh thành để giải quyết các vụ việc tồn đọng này.

Sau khi rà soát sẽ tiến hành giải quyết thành 2 đợt, từ nay đến tháng 8 là đợt 1, đợt 2 từ tháng 9 đến cuối năm. Việc giải quyết sẽ có sự phối hợp đồng bộ giữa địa phương và các tổ công tác. Hiện nay, sự chuyển biến của các địa phương tương đối tốt.

Với các vụ phát sinh mới cũng được quan tâm xử lý vì tính chất thường xuyên và phức tạp.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ tham gia trả lời về vấn đề tài chính đất đai. Bộ trưởng Tài chính cho biết nguyên nhân tình trạng khiếu kiện đất đai căng thẳng như hiện nay là do việc thực hiện chưa công khai minh bạch.

Việc thu hồi đất của các chủ dự án chậm tiến độ hiện nay vẫn được tiến hành thu hồi như cách đã thực hiện với trường hợp như đất của các tổ chức, cá nhân.

Về việc hỗ trợ di dân tái định cư, Bộ trưởng Huệ cho hay, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ cho người dân phải di dời tại Tuyên Quang và Sơn La như tăng thời gian hỗ trợ gạo từ 6 lên 36 tháng, tăng cường hỗ trợ giống cây trồng.

Bộ trưởng Huệ cũng trả lời một số vấn đề về cơ chế tài chính liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải rút ngắn và thực hiện cơ bản việc cấp giấy sử dụng đất vào năm 2013.

Tiếp tục, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) đặt câu hỏi về vấn đề thu hồi đất bỏ hoang và ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp.

Hai đại biểu của Hà Nội là Bùi Thị An và Trần Thị Quốc Khánh đi thẳng vào vấn đề xử lý khiếu nại tố cáo đất đai, với các vụ việc cụ thể là vụ việc gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, vụ việc ở Cần Thơ, Văn Giang (Hưng Yên)... Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đặt câu hỏi Bộ trưởng Quang rằng việc cho nước ngoài thuê rừng phòng hộ, đất an ninh quốc phòng đã được khắc phục như thế nào.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Đình Khanh, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận có thực trạng bỏ hoang và ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp. Ông cũng cho biết, việc lấp đầy các khu công nghiệp là việc yêu cầu phải có thời gian để kêu gọi các doanh nghiệp.

Về các vụ việc của đại biểu Bùi Thị An và Trần Thị Quốc Khánh nêu ra, Bộ trưởng Quang cho rằng đây là những vụ việc “rất đáng tiếc”. Tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường nói không có cách nào khác và phải giải quyết trên cơ sở pháp luật. Vụ việc Tiên Lãng, Bộ trưởng Quang cho biết đến nay Bộ và UBND TP Hải Phòng đang giải quyết.

Hiện gia đình ông Vươn tiếp tục được thuê đất theo quy định, còn vi phạm chống người thi hành công vụ sẽ bị xử lý. Đồng thời, Bộ cũng hướng dẫn cho các địa phương khác giải quyết các vụ việc liên quan đến bãi bồi ven sông, ven biển vì loại đất này chưa được quy định chặt chẽ trong các văn bản pháp luật.

Vụ khu đô thị Ecopark ở Văn Giang, Hưng Yên, Bộ trưởng Quang khẳng định đây là dự án thương mại và việc cưỡng chế của UBND tỉnh Hưng Yên vừa qua là đúng. Theo Bộ trưởng, người dân đề nghị Chính phủ nghiên cứu giảm diện tích dự án, không để quy hoạch từ 300-500 ha như hiện nay.

Trả lời câu hỏi đề cập đến hệ sống sông Đáy - Nhuệ, Bộ trưởng Quang nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền UBND TP Hà Nội.

Bộ trưởng Quang cũng tiếp thu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội sẽ quyết tâm đưa sông Đáy, Nhuệ trở lại thành “dòng sông xanh” nhưng chưa đưa ra thời gian cụ thể.

Vấn đề đất rừng cho người nước ngoài thuê, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, hiện nay, Chính phủ không cấp phép cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực trồng rừng và nuôi trồng thủy sản.

Bộ trưởng Vinh nhận định, việc cấp phép các hoạt động kinh tế này và Bộ đang tiến hành sửa đổi. Địa phương muốn cấp phép phải xin ý kiến các bộ ngành liên quan.

Đại biểu tỉnh Hải Dương Lê Đình Khanh chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường và tiếp tục chất vấn lại, nhấn mạnh về việc phát triển quá "nóng" về khu công nghiệp khi các khu cũ chưa được lấp đầy. Bộ trưởng Quang trả lời, các dự án mới thực hiện là các dự án đã được quy hoạch trước đây nên việc tiếp tục triển khai là không sai. Tuy nhiên, Bộ sẽ kiểm soát việc mở rộng ra diện tích ra ngoài khu công nghiệp.

Cho rằng Bộ trưởng Quang chưa hiểu đúng ý của mình, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, nhắc lại câu hỏi liệu có cơ chế nào để người dân có thể góp đất của mình vào dự án như góp cổ phần chứ không bị thu hồi đất hay không.

Hai đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) và đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng tiếp tục nhắc lại câu hỏi và đề nghị Bộ trưởng Quang cần trả lời cụ thể.

Vấn đề đất đai tiếp tục được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng), đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa), đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) nhấn mạnh đến việc "trải thảm đỏ cho doanh nghiệp nhưng trải thảm gai cho nông dân", để xảy ra tình trạng hoang hóa tại các khu công nghiệp, khu đô thị. Đại biểu Lê Nam đề nghị Bộ Tài nguyên và  Môi trường cùng Bộ Xây dựng trả lời về vấn đề này.

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời, chủ trương trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư là cần thiết, tuy nhiên không có nghĩa là mời gọi bằng mọi giá. Bộ trưởng Quang cho biết sẽ tham mưu cho Chính phủ các cơ chế để kiểm soát đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời hứa sẽ báo cáo, giải trình sau khi có rà soát việc chậm triển khai, bỏ hoang đất tại các dự án.

Cùng tham gia trả lời tại Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng đồng tình cho rằng tình trạng lãng phí, bỏ hoang đất là có. Bộ trưởng Xây dựng khẳng định việc trải thảm đỏ cho doanh nghiệp là đúng để chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, vấn đề chính là cơ chế chính sách cho bà con nông dân và việc thực hiện.

Trong việc thực hiện, Bộ trưởng Dũng nói nguyên nhân chính là do khâu quy hoạch chưa tốt, các địa phương còn làm theo phong trào.

Việc quy hoạch, giao đất đúng ra được triển khai từng bước nhưng ở nhiều dự án, đất đã được giao quá sớm, có dự án đã giao đất cho 20 năm sau. Bộ trưởng cho biết, thời gian tới sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định để khắc phục tình trạng này.

"Tiếp sức" cho hai Bộ trưởng vừa trả lời, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho hay, hiện nay tòa án chỉ có trách nhiệm giải quyết các vụ việc tranh chấp của đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất do chế độ cũ cấp chứng nhận, đất bị tịch thu sau khi thi hành án.

Theo ông Bình, trong thời gian tới, khi sửa đổi Luật đất đai và các văn bản pháp luật liên quan sẽ sửa đổi, mở rộng quyền hạn của tòa án.

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá phần chất vấn buổi sáng hiệu quả, Bộ trưởng Tài nguyên môi trường và các thành viên Chính phủ trả lời thẳng thắn, đúng vấn đề, dù còn một số câu hỏi chưa thể triệt để.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các Bộ trưởng thực hiện nghiêm các lời hứa trước Quốc hội.

Chiều nay, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh sẽ đăng đàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem