Bộ trưởng Bộ GDĐT giải trình về kỳ thi THPT quốc gia

Tùng Anh Thứ năm, ngày 25/09/2014 14:41 PM (GMT+7)
“Bộ GDĐT không gộp 2 kỳ thi làm 1 vì đó là phạm luật. Luật Giáo dục đại học cho phép các trường chủ động tuyển sinh. Các trường có quyền công bố phương án tuyển sinh riêng. Dư luận nói Bộ gộp 2 kỳ thi làm 1 là chưa đúng bản chất”.
Bình luận 0

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận khẳng định như vậy trong phiên giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sáng 23.9 về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Phương án thi thay đổi từng năm

Tại buổi giải trình, đại biểu Lê Minh Thông bày tỏ lo lắng: “Trong khi chương trình và sách giáo khoa vẫn chưa thay đổi thì việc thi cử đổi mới ngay trong năm 2015 có làm học sinh “sốc”? Đại biểu Nguyễn Kim Thúy thì thắc mắc: “Đây có phải là đổi mới thi cuối cùng không? Việc gộp 2 kỳ thi làm 1 có khắc phục được việc cồng kềnh trong tổ chức thi?”.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: “Kỳ thi THPT quốc gia làm theo lộ trình, giáo viên và học sinh đón nhận không bất ngờ, thực tế đã được chuẩn bị từ năm 2014. Vì vậy, xin khẳng định là không có gì bất ngờ, mọi việc được làm đúng quy trình”.

Về việc chương trình sách giáo khoa không theo kịp đổi mới phương pháp đánh giá thi cử, cụ thể là kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Không thể chờ đổi mới chương trình – sách giáo khoa xong rồi mới đổi mới thi cử được. Chúng ta phải thay đổi ngay từ phương pháp dạy và học. Thay đổi thi trong năm 2014 – 2015 đều hướng tới mục tiêu đổi mới phương pháp dạy và học. Trong năm 2016 – 2017 sẽ còn rõ ràng hơn. Tức là năm sau sẽ tiếp tục thay đổi nhưng sẽ thay đổi đúng hướng, theo đúng mục tiêu, lộ trình, không phải là đột ngột rẽ trái, rẽ phải. Thay đổi thi này là trong thời kỳ quá độ, không thể chấp nhận cái cũ nữa, nhưng cũng không thể đột ngột quá, mà cần có thời điểm quá độ để học sinh thích ứng”.

Ông Luận cũng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục có những báo cáo đánh giá tác động của kỳ thi đến xã hội sau từng năm. Phương án năm 2015 chưa phải là hoàn chỉnh của đề án, nhưng “hồn cốt” là hướng tới đổi mới thi cử theo hướng đánh giá năng lực của học sinh.

Giải đáp những thắc mắc về vấn đề tổ chức các cụm thi đảm bảo không có tiêu cực, Bộ trưởng Luận cho biết: “Về tổ chức coi thi, chấm thi, Bộ sẽ tổ chức giám sát, thanh tra rất chặt chẽ. Kể cả sau này thí sinh đã thi đỗ rồi thì công tác giám sát vẫn tiếp tục. Các trường hợp đỗ và học ĐH rồi mà phát hiện tiêu cực thì vẫn bị xử lý”.

Lo ngại về việc tổ chức thi cụm sẽ gây khó khăn, tốn kém cho học sinh trong việc di chuyển đến các địa điểm thi, ông Luận khẳng định: “Bộ sẵn sàng làm những gì khó khăn nhất để tạo thuận lợi nhất cho học sinh. Bộ sẽ tính đến các cụm thi dành riêng cho những tỉnh đặc thù có nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn”.

Thi riêng không thể “vơ bèo vạt tép”



Ông Đào Trọng Thi  - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
 
Kỳ thi này chỉ bắt buộc với mục đích tốt nghiệp THPT chứ không bắt buộc với tuyển sinh đại học nên các trường đại học có theo thì cũng là tự nguyện và tự chủ của họ. Nếu coi đây là pháp lệnh và bắt các trường phải theo là không đúng với Luật Giáo dục Đại học và Nghị quyết 29”.
 
Nhiều đại biểu lo lắng về việc các trường ồ ạt tuyển sinh riêng sẽ có tình trạng “vơ vét” thí sinh để đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Ông Luận cho biết, trường nào tổ chức thi riêng phải có phương án trình Bộ, vì vậy sẽ không thể xảy ra xét tuyển ồ ạt.

 

“Phụ huynh, học sinh bây giờ hiểu biết hơn, không còn nhiều tư tưởng phải vào ĐH bằng được, mà họ phải tính học trường nào ra dễ xin việc. Tình hình đã thay đổi, trường cũng được tự chủ nhưng học sinh cũng biết tự chủ trong lựa chọn của mình, nên không phải cứ thích vơ bèo vạt tép mà được” – ông Luận nói.

Về việc xử lý thí sinh “ảo” khi các trường tham gia xét tuyển, ông Luận cũng cho biết Bộ đã phối hợp với Hội Toán học để thiết kế phần mềm với mục đích đảm bảo lựa chọn được học sinh xứng đáng vào ĐH. Phần mềm này đã được ứng dụng rất hiệu quả nhiều năm nay ở Trường ĐH Thăng Long. Sau khi thi xong, kết quả của thí sinh sẽ được công bố, các trường cũng công bố chỉ tiêu, điểm xét tuyển, hàng ngày cập nhật số lượng thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Như vậy là công khai một cách tối đa cho thí sinh và xã hội biết, giám sát.

Ông Luận cũng cho hay, trong mùa tuyển sinh 2015 sẽ vẫn giữ nguyên các tổ hợp kết quả các môn thi để xét tuyển ĐH (theo khối A, B, C…). Bộ cũng đã có công văn đề nghị các trường có sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia xác định và công bố các tổ hợp môn thi theo ngành đào tạo trước ngày 15.10. Việc xác định theo nguyên tắc nhất định, đối với các ngành năng khiếu thì các trường sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hóa kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển. Đối với các ngành còn lại, trường sử dụng kết quả thi của tối thiểu 3 môn thi, trong đó có môn toán hoặc (và) ngữ văn để xét tuyển.

Ông Luận giải thích, việc vẫn giữ nguyên theo khối để đảm bảo ổn định cho các thí sinh đã nhiều năm nay học theo không bị “sốc”, các năm tiếp theo sẽ thay đổi dần tiêu chí này.

   Chiều 23.9 ngay sau cuộc giải trình của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ GDĐT cũng đã có cuộc họp kín với các sở GDĐT phía Bắc để thảo luận và lấy ý kiến xung quanh vấn để tổ chức thi ở các cụm thế nào để đảm bảo công bằng, không tiêu cực. Từ nay đến hết ngày 29.9, Bộ cũng tiếp tục tổ chức các cuộc họp tương tự tại Huế, TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem