Từ khóa "xanh" trong nông nghiệp được nhiều địa phương áp dụng, xây dựng các mô hình hiệu quả

Minh Ngọc Thứ tư, ngày 03/01/2024 16:20 PM (GMT+7)
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều địa phương đã xoay chuyển bằng cách xây dựng các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Bình luận 0

Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, chiều 3/1, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, ĐBSCL nằm trong khu vực chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Để ứng phó, Cà Mau đã chủ động xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, có hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Sử, Cà Mau đã xây dựng được 30 điểm du lịch nông thôn, gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó chủ yếu nằm ở 2 khu vực là lúa tôm và rừng ngập mặn. Gần đây nhất, tỉnh phát triển thêm mô hình phát triển thủy sản tại vùng bán đảo Cà Mau.

Trong năm vừa qua, Cà Mau tổ chức thành công Festival tôm gắn với diễn đàn OCOP vùng ĐBSCL. Cũng trong tháng 7/2023, nhân hội nghị tôm toàn cầu, tỉnh đã đón 80 nhà mua tôm quốc tế đến khảo sát, tham quan các vùng nuôi.

“Bạn bè quốc tế đến với Cà Mau không phải vì chúng tôi có sản lượng nuôi tôm lớn mà bởi những mô hình thích ứng, tạo ra sản phẩm xanh, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và đã đạt nhiều tiêu chuẩn quốc tế”, ông Sử cho biết.

Từ khóa "xanh" trong nông nghiệp được nhiều địa phương áp dụng, xây dựng các mô hình hiệu quả- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo tại Hội nghị tổng kêt ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chiều 3/1. Ảnh: Quang Hùng

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng nêu 3 khó khăn, gồm quy mô của mô hình còn tương đối nhỏ, giá trị thấp; sản phẩm du lịch chưa đa dạng và liên kết chuỗi chưa thật bền chặt.

Trong năm 2024 và giai đoạn tới, Cà Mau phấn đấu chứng nhận 100% diện tích nuôi tôm đạt các chứng nhận quốc tế, đồng thời mở rộng, hoàn thiện chuỗi du lịch gắn với tái tạo nguồn lợi biển.

Tỉnh đề nghị Bộ NNPTNT sớm triển khai dự án Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 2; triển khai sớm đề án phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với đào tạo nghề cho người dân; đồng thời tạo ra các cơ sở pháp lý để địa phương đạt các tín chỉ carbon.

Từ khóa "xanh" trong nông nghiệp được nhiều địa phương áp dụng, xây dựng các mô hình hiệu quả- Ảnh 2.

Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh

Khánh Hòa có nhiều lợi thế về phát triển nuôi biển với chiều dài bờ biển trên 380km và hơn 200 hòn đảo lớn, nhỏ cùng nhiều đầm, vịnh như Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang, Nha Phu. Vùng biển Khánh Hòa đủ điều kiện thích hợp cho các đối tượng nuôi biển vì nằm sâu trong vịnh, kín gió, nhiệt độ nước hợp để nuôi quanh năm. 

Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản xây dựng Đề án phát triển nuôi biển công nghệ cao. Đề án tập trung vào hai nhiệm vụ chính: tái cơ cấu khai thác và phát triển nuôi trồng thủy sản.

“Chúng tôi đã cơ cấu lại tàu cá theo địa bàn, công việc, địa điểm lưu trú của ngư dân. Năm 2018, tỉnh có gần 10.000 tàu cá; hơn 1.200 tàu dài hơn 15m. Sau khi cơ cấu lại, tỉnh còn khoảng 3.000 tàu đánh cá với gần 400 tàu cá đánh bắt xa bờ”, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vui mừng thông báo.

Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai sử dụng lồng nuôi bằng vật liệu HDPE, chịu được sóng lớn, bão, phù hợp cảnh quan, góp phần du lịch nông nghiệp. Năm 2023, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 18.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2018. Tuy nhiên, toàn tỉnh có 80.000 lồng nuôi thủy sản, mật độ dày gây ô nhiễm, dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai.

Từ khóa "xanh" trong nông nghiệp được nhiều địa phương áp dụng, xây dựng các mô hình hiệu quả- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đề nghị Bộ NNPTNT sớm thành lập cơ quan kiểm dịch thực vật tại Tây Nguyên. Ảnh: Tùng Đinh

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương có hai mặt hàng nông nghiệp thế mạnh là cà phê (lớn thứ nhì) và sầu riêng (lớn nhất) cả nước.

Trong những năm qua, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp theo 3 trụ cột, là: phát triển bảo tồn, sản xuất bền vững và đảm bảo mục tiêu an sinh. Trong số này, để sản xuất bền vững, Đắk Lắk tập trung 4 tăng: tăng kiểm soát hóa chất, giảm phân bón vô cơ, thuốc BVTV; tăng cây trồng xen, độ phủ thảm thực vật; tăng hiệu quả tưới tiết kiệm; tăng chuỗi liên kết nông dân – doanh nghiệp.

Với mục tiêu an sinh, tỉnh chủ trương tăng thu nhập từ cây trồng xen, đồng thời tăng số lượng HTX. Theo thống kê, hằng năm tỉnh thành lập mới khoảng 60-70 HTX, trong đó 90% là nông nghiệp. Nhờ đó, thu nhập của người dân tăng từ 15-20%/năm.

Để tiếp tục duy trì đà gia tăng (tăng trưởng năm 2023 là 10% so với 2022), Đắk Lắk đề ra 4 giải pháp: Nâng cao tư duy, nhận thức cho người dân; Có giải pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng; Áp dụng, triển khai sâu rộng công nghệ mới; Tổ chức lại chuỗi sản xuất theo hướng lấy doanh nghiệp làm hạt nhân.

Tại hội nghị, tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ NNPTNT sớm thành lập cơ quan kiểm dịch thực vật tại Tây Nguyên đặt tại tỉnh. Nguyên do, được ông Văn nêu, là Đắk Lắk nằm ở trung tâm khu vực, có sân bay và hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông ưu tiên nguồn lực, xây dựng trung tâm thông tin khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem