Quyết liệt nhưng vẫn thiệt hại lớn
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, năm 2018, sự bất thường của thiên tai, sự xuất hiện của hầu hết các loại hình thiên tai trong suốt cả năm, trên khắp các vùng miền của đất nước với 16/21 hình thái thiên tai (cụ thể 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 15 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất lớn; 09 đợt gió mạnh trên biển; 04 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng; lũ thượng nguồn sông Cửu Long kéo dài và ở mức cao nhất kể từ 2011; triều cường vượt mốc lịch sử tại một số tỉnh Nam Bộ; sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển miền Trung).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong năm 2018, cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đoàn thể, tổ chức nhất là lực lượng vũ trang, nhân dân vùng thiên tai đã vào cuộc triển khai quyết liệt, mạnh mẽ.
20.000 tỷ đồng trôi theo sông biển vì thiên tai. Ảnh: I.T
Nhiều cách làm sáng tạo, quyết đoán đã được thực thi trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, đặc biệt là vận hành liên hồ, ứng phó kịp thời, hiệu quả với lũ lớn kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long (không để xảy ra người chết và trẻ em không phải nghỉ học), tuyên truyền, cảnh báo tới cộng đồng bằng tin nhắn và nhiều hình thức sống động, sáng tạo, hiệu quả…
Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời; có các bức điện gửi đồng bào, chiến sỹ cả nước, lực lượng phòng chống thiên tai ghi nhận những đóng góp, hy sinh đồng thời nhắc nhở, yêu cầu các ngành, các cấp và người dân phải chủ động hơn nữa trong phòng chống thiên tai.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thiệt hại về người và tài sản có giảm, song vẫn còn rất nặng nề với 224 người chết và mất tích (giảm 30% so với năm 2017 là 386 người), thiệt hại kinh tế khoảng 20.000 tỷ đồng (giảm 67% so với năm 2017 là 60.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nguyên nhân là do khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, năng lực ứng phó của lực lượng phòng chống thiên tai với một số tình huống thiên tai lớn còn bất cập, lúng túng; huy động lực lượng đông đảo nhưng hiệu quả thấp; nhận thức và kỹ năng tự ứng phó với thiên tai của nhiều cấp chính quyền và người dân chưa đáp ứng yêu cầu;
Nguồn lực cho phòng chống thiên tai còn hạn chế và phân tán, chưa có đầu mối để theo dõi, điều phối tổng thể; chưa có chính sách tài chính bền vững trước thiên tai, chưa huy động được nhiều doanh nghiệp, cộng đồng xã hội tham gia đầu tư hoặc cung cấp dịch vụ phòng chống thiên tai;
Trình tự thủ tục trong một số hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả, tiếp nhận viện trợ còn theo các thủ tục thông thường nên không đáp ứng được yêu cầu khẩn cấp, làm kéo dài thời gian phục hồi, tái thiết hoặc gây gia tăng thiệt hại, giảm hiệu quả đầu tư, không phù hợp với thực tiễn.
Ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế trong dự báo, theo dõi, giám sát, phân tích tính toán, cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành với những tình huống thiên tai lớn, phạm vi rộng hoặc cục bộ như đối phó với bão mạnh, siêu bão, lũ lớn tại các lưu vực sông liên tỉnh, lũ quét sạt lở đất...
Đẩy mạnh xã hội hóa phòng chống thiên tai
Các lực lượng vũ trang vào cuộc tích cực trong phòng chống thiên tai. Ảnh: I.T
Căn cứ nhận định tình hình thiên tai năm 2019 của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và trước những diễn biến bất thường của thời tiết ngay từ đầu năm: Nóng, lạnh cực đoan xảy ra ngay trong 1 tháng, 1 tuần, thậm chí ngay trong 1 ngày; chưa bao giờ thấy hoa Sữa nở trong tháng 5 tại Hà Nội, chưa bao giờ có tiết mưa ngâu trước tết Đoan Ngọ như vừa qua và ngay trong tháng 6 này, hiện tượng hoa lộc vừng, hoa vối đồng loạt nở rộ một cách trái quy luật, cho thấy sự thay đổi thời tiết vô cùng phức tạp, không bình thường.
Trước thực trạng công tác phòng chống thiên tai hiện nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp trong hoạt động phòng chống thiên tai giữa các Bộ, ngành và địa phương; huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng để chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản, đồng thời đẩy nhanh tiến độ phục hồi, tái thiết sau thiên tai nhằm sớm ổn định đời sống, sức khỏe, môi trường, sản xuất của nhân dân.
Kiện toàn tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; xây dựng quy chế làm việc, triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công; có kiểm điểm đánh giá việc thực thi nhiệm vụ;
Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp quốc gia và các cấp tỉnh, huyện, xã. Xây dựng giải pháp, quy định nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị liên quan đồng thời lập kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện.
Xây dựng chính sách thúc đẩy xã hội hoá công tác phòng, chống thiên tai, trong đó tập trung vào khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp tham gia công tác PCTT, cung cấp dịch vụ công, bảo hiểm rủi ro thiên tai, nghiên cứu khoa học, xây dựng công trình phòng, chống thiên tai.
Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn công trình an toàn trước thiên tai; tiêu chuẩn quy chuẩn về mật độ trạm khí tượng thủy văn; nghị định kiểm soát an toàn thiên tai và tiến hành đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm quy định về an toàn thiên tai
Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, tập trung triển khai các chương trình, dự án như: Chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa nước, trong đó tập trung triển khai Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (WB9); Dự án Quản lý nước Bến tre; Dự án chống ngập các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ,...; Các dự án đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hồ chứa thuỷ lợi nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; dự án biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; đầu tư các khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão,…
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Điều hành phòng chống thiên tai Quốc gia, khởi công trong năm 2019; tiến hành các thủ tục chuẩn bị cho việc xây dựng Trung tâm điều hành cấp vùng tại thành phố Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, đảm bảo đáp ứng yêu cầu theo dõi, giám sát hoạt động xã hội, cơ sở hạ tầng PCTT, tình hình diễn biến thiên tai,… để tham mưu nhanh chóng, kịp thời, chính xác và hiệu quả.
Hoàn thành xử lý cấp bách sự cố công trình đê điều, hồ đập, sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, trình duyệt dự sơ tán dân khẩn cấp khu vực miền núi phía Bắc bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất;
Đẩy mạnh thành lập và hoạt động quỹ phòng, chống thiên tai, trong đó hình thành Quỹ phòng chống thiên tai cấp Quốc gia; bảo hiểm rủi ro thiên tai, nghị định về xã hội hóa và các chính sách phát triển bền vững trong PCTT.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.