Bộ trưởng Bộ Y tế: Đảm bảo mức phụ cấp cao nhất cho đội ngũ y tế cơ sở khi cải cách tiền lương

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 20/11/2023 12:01 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các cơ quan ban ngành quan tâm chế độ, chính sách với đội ngũ cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở, trong đó có đội ngũ làm công tác dân số khi triển khai chính sách cải cách tiền lương.
Bình luận 0

Ngành y tế được ưu tiên tháo gỡ vướng mắc về cơ chế

Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Bà Đào Hồng Lan - Bộ trưởng Bộ Y tế tham gia giải trình các nội dung liên quan đến lĩnh vực ngành được cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm.

Về vấn đề chính sách với cán bộ dân số, bà Lan cho rằng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05 năm 2023 về việc triển khai thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi với các cán bộ làm công tác y tế dự phòng. Tuy nhiên, cán bộ dân số không nằm trong đối tượng triển khai của nghị định.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Đảm bảo mức phụ cấp cao nhất cho đội ngũ y tế cơ sở khi cải cách tiền lương - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Quốc hội

"Thời gian qua, một số tỉnh, thành bố trí cán bộ dân số làm các nhiệm vụ y tế khác, nhưng không được hưởng các chế độ, phụ cấp theo quy định. Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát lại, đảm bảo đúng vị trí, việc làm, đúng chức danh. Nếu cán bộ dân số phải thực hiện các nhiệm vụ y tế khác thì phải đảm bảo phụ cấp cho đội ngũ này", bà Lan nói.

Người đứng đầu ngành Y tế cho biết, sắp tới, khi triển khai chính sách cải cách tiền lương, đề nghị các cơ quan ban ngành quan tâm chế độ, chính sách với đội ngũ cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở, trong đó có đội ngũ làm công tác dân số; đảm bảo mức phụ cấp cao nhất theo quy định, đảm bảo cho đội ngũ y tế có điều kiện làm việc.

Về vấn đề thiếu thuốc, bà Đào Hồng Lan cho hay, đến thời điểm này, có thể khẳng định, ngành y tế là một trong những ngành được ưu tiên nhất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách.

"Ví dụ các đơn vị khác khi triển khai việc mua sắm vẫn phải đảm bảo 3 báo giá, riêng ngành y tế được tạo điều kiện chỉ cần 1 báo giá - đảm bảo việc mua sắm trong trường hợp cần thiết", bà Đào Hồng Lan cho hay.

Về vấn đề giá thấp thất, bà Lan cho rằng cũng có văn bản tháo gỡ các vướng mắc. Bà dẫn chứng, trong nhiều trường hợp cần thiết, mặc dù vật tư y tế đó không phải giá thấp nhất nhưng vẫn được tạo điều kiện để ngành y mua sắm nếu được hội đồng khoa học làm rõ được các nội dung.

Hiện nay, vấn đề mua thuốc có 3 nơi đảm nhận; trong đó phía Bộ Y tế mua cho đấu thầu tập trung cấp quốc gia chỉ chiếm 16-18% trên tổng số; còn lại đấu thầu tập trung cấp tỉnh và các cơ sở trực tiếp chủ động mua sắm cho mình.

"Trong quá trình làm, chúng tôi thấy rằng, do việc triển khai thực tế ở địa phương, nhiều cơ sở giao cho đơn vị làm nhiệm vụ đấu thầu, nhưng anh em đều là bác sĩ, không hiểu rõ cơ chế mua sắm như thế nào, thành ra trong quá trình làm còn lúng túng.

Việc phân cấp, phân quyền, mặc dù đã được Bộ Y tế phân cấp toàn diện đến các cơ sở y tế trực thuộc, đảm bảo việc mua sắm, nhưng thực tế các cơ sở y tế chỉ được phép mua dưới 100 triệu đồng, trên 100 triệu là phải trình qua sở y tế, sở tài chính rồi trình lên UBND tỉnh phê duyệt.

Quy trình này cũng làm cho mọi thứ rất lâu, do vậy cần rà soát lại các quy định này, đảm bảo vừa quản lý được vừa trao quyền cho các đơn vị thực hiện", bà Lan nói.

Giấy chuyển tuyến vấn rất cần thiết

Về giấy chuyển viện, bà Lan cho rằng, từ năm 2014, việc chuyển tuyến thực hiện tuần tự chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên; đến năm 2016 đã được thông tuyến từ tuyến huyện và đến năm 2021 đã thông tuyến toàn tỉnh. Bước chuyển tuyến để tạo điều kiện cho người dân cơ bản được giải quyết.

Bây giờ chỉ có vấn đề là từ tuyến huyện có đi thẳng lên tuyến trung ương hoặc từ tuyến tỉnh có được chuyển lên tuyến trung ương hay không?

Theo bà Lan, việc chuyển tuyến vừa đáp ứng yêu cầu chữa bệnh cho người dân vừa đảm bảo phù hợp với khả năng chữa bệnh ở từng tuyến, tránh quá tải dồn hết lên tuyến trên.

Chính vì vậy, việc chuyển tuyến được thực hiện thành 2 luồng: Từ tuyến dưới lên tuyến trên nếu cơ sở không đáp ứng được các điều kiện chữa bệnh cho người dân và từ tuyến trên xuống tuyến dưới. Điều này hoàn toàn phù hợp.

"Tuy nhiên, làm sao để giảm được thủ tục hành chính, chúng tôi xin tiếp thu và đang tập trung thực hiện chuyển tuyến điện tử và hồ sơ quản lý sức khoẻ điện tử. Còn bỏ giấy chuyển tuyến hay không, tôi cho rằng, giấy chuyển tuyến ghi rõ tình trạng lịch sử điều trị, tóm tắt bệnh án… thì giấy chuyển tuyến giấy hay điện tử vẫn rất cần thiết", bà Lan cho hay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem