Cải cách tiền lương: Lý do công chức ngành y tế, giáo dục lo lắng
Lý do khiến công chức, viên chức ngành y tế, giáo dục lo lắng khi cải cách tiền lương
Thùy Anh
Thứ tư, ngày 18/10/2023 19:00 PM (GMT+7)
Theo Tổng cục thống kê, chỉ có 6,1% đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên. Vậy cải cách tiền lương thế nào khi nhiều đơn vị thu không đủ chi?
Khác với tiền lương công chức, viên chức trong đơn vị sự nghiệp hành chính hưởng lương nhà nước, lao động làm trong các đơn vị sự nghiệp công, tự chủ toàn phần hoặc một phần được nhận lương do chính đơn vị đó trả. Tiền lương của nhóm lao động này thay đổi thế nào sau cải cách tiền lương là vấn đề được nhiều người quan tâm lúc này.
Ông Phạm Minh Huân – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng vấn đề quan trọng để cải cách tiền lương chính là việc tạo nguồn. Nguồn không có thì không thể cải cách tiền lương.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nội vụ, hiện nay cả nước đã tiết kiệm được hơn 500 nghìn tỷ đồng từ các nguồn tiết kiệm chi, nguồn tinh giản biên chế… để phục vụ cho nhiệm vụ cải cách tiền lương tới đây.
Tuy nhiên, Nghị quyết Số 27-NQ/TW quy định đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp.
Điều này đồng nghĩa với việc công chức, viên chức và người lao động làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập (doanh nghiệp nhà nước; đơn vị giáo dục, y tế, các trung tâm dịch vụ việc làm công…) sẽ được nhận lương từ chính đơn vị này trả chứ không phải từ ngân sách nhà nước.
Vì thế, nếu không có nguồn, đơn vị không "làm nên ăn ra" thì sẽ không có nguồn phục vụ cho cải cách tiền lương.
Tiền lương của nhóm lao động làm ở các đơn vị này có thể tăng, hoặc có thể giảm tùy thuộc tình hình tài chính của đơn vị đó.
Ông Phạm Minh Huân đã từng chia sẻ với PV Báo Dân Việt: "Nhà nước chỉ có thể can thiệp bằng việc thực hiện giao khoán hợp đồng. Không thể can thiệp vào việc tăng lương cho công chức, viên chức đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ".
Như vậy, nếu đơn vị không có nguồn thì rất khó có thể thực hiện cải cách tiền lương. Về cơ bản việc cải cách cũng sẽ chỉ thực hiện được về mặt chủ trương.
Cũng theo tinh thần Nghị quyết 27, các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thì áp dụng chế độ tiền lương như công chức. Tiền lương thực trả gắn với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định trên cơ sở nguồn thu (từ ngân sách nhà nước cấp và từ nguồn thu của đơn vị), năng suất lao động, chất lượng công việc và hiệu quả công tác theo quy chế trả lương của đơn vị, không thấp hơn chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm sử dụng quỹ tiền lương thực hiện cải cách tiền lương
Nghị quyết 27 cũng quy định rõ về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng quy chế để thưởng định kỳ cho các đối tượng thuộc quyền quản lý, gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của từng người.
Mở rộng áp dụng cơ chế thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tự cân đối ngân sách và đảm bảo đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Như vậy, Nghị quyết 27 và các văn bản khác của Bộ Nội vụ liên quan tới cải cách tiền lương đều nhấn mạnh tới vai trò quản lý lãnh đạo của người đứng đầu.
Nếu lãnh đạo đơn vị quản lý tốt, đơn vị làm nên ăn ra thì sẽ có nguồn thực hiện cải cách tiền lương. Tuy nhiên, người đứng đầu không chỉ có vai trò quan trọng trong việc quản lý quỹ tiền lương, mà còn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thang bảng lương theo vị trí việc làm.
Đồng quan điểm với các ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động cũng cho rằng:
"Vai trò quan trọng nhất của người đứng đầu vẫn phải là thúc đẩy phát triển đơn vị, nhất là đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu đơn vị không phát triển, không làm nên ăn ra, không có nguồn thì cũng không thể cải cách tiền lương", bà Hương nói.
Theo Tổng cục Thống kê, hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức đa dạng với các chức năng, nhiệm vụ khác nhau, có vị trí quan trọng trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chính sách phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Năm 2020, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập là 49,6 nghìn đơn vị, chiếm tỷ lệ 94,4% trong tổng số đơn vị sự nghiệp và 2,3 triệu lao động; đơn vị sự nghiệp ngoài công lập chiếm tỷ lệ 5,6% với gần 3 nghìn đơn vị và 87,4 nghìn lao động.
Trong tổng số đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp thuộc ngành giáo dục chiếm tỷ lệ cao nhất đạt 80,2% với gần 1,6 triệu lao động; thứ hai là ngành lưu trú và khác chiếm tỷ lệ 12,4% với hơn 198 nghìn lao động; ngành y tế chiếm tỷ lệ 3,6% với hơn 443 nghìn lao động; đơn vị văn hóa, thể thao chiếm 2,3% với 35,5 nghìn lao động; thông tin và truyền thông chiếm 1,5% với 37 nghìn lao động.
Cũng theo báo cáo, chỉ có 6,1% đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.