Câu chuyện hai sân bay quốc tế lớn nhất nước là Tân Sơn Nhất và Nội Bài lọt top sân bay tệ nhất châu Á, từ bàn trà vỉa hè đã trở thành một chủ đề bên hành lang Quốc hội.
Với các tiêu chí vệ sinh kém, bố trí không thuận tiện cho hành khách, thiếu tiện nghi trang thiết bị; thủ tục giải quyết chậm trễ dẫn đến tình trạng hành khách phải xếp hàng dài; việc bố trí quá ít điều hòa không khí với những nước vùng nhiệt đới… một trang mạng nước ngoài đã “bêu” 2 sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam là Tân Sơn Nhất và Nội Bài vào top sân bay tệ nhất châu Á.
Không khí ở sảnh chờ, trước ga đi nội địa luôn nóng nực. Cảnh hành lý để khắp nơi trên sàn nhà càng khiến quang cảnh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thêm nhếch nhác. Ảnh: Khải Huyền
Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Bởi nói đến các sân bay Việt Nam, phải nói đến những bát mì tôm, những chai nước “9 tháng mài dao 3 tháng chém”, phải nói đến nạn “cầm nhầm” giờ đã không còn là cá biệt. Và không thể không kể đến căn bệnh delay (chậm, trễ) co giãn thời gian để đến nỗi chính khách hàng Việt không hề đùa khi đọc trại Vietnam Airlines thành ra Sorry Airlines (Hãng hàng không Xin lỗi).
Nhưng vấn đề không ở chỗ nó tệ nhất châu Á hay tệ nhất thế giới. Vấn đề ở cái cách các nhà quản lý hàng không nhìn thấy nó tệ hay không.
Tin, bài nổi bật về Bộ trưởng Thăng
Trước câu trả lời của Bộ trưởng
Đinh La Thăng, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh ngay lập tức phản bác. Phản bác từ tư cách của “một trang mạng” rằng nó không chính thống. Phản bác cả các đánh giá rằng là “chủ quan của cư dân mạng”. Và song song với phản bác là tự vuốt ve nào là được cải thiện nhiều từ hạ tầng đến trang thiết bị, dịch vụ, ý thức, thái độ…
Tóm lại là một hình thức “xù lông nhím” truyền thống cho dù cũng ở những cái sân bay ấy, từng xảy ra câu chuyện HLV tuyển Taekwondo quốc gia bị còng tay như tội phạm. Hay năm ngoái, là lời ta thán của ngay cả những khách VIP thuộc diện “khách ưu tiên và cán bộ cấp cao nhà nước”, đến nỗi Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu phải đánh xuống một công văn yêu cầu “chấn chỉnh thái độ và chất lượng phục vụ hành khách trên các chuyến bay và tại các cảng hàng không”.
“Tôi không quan tâm đó là trang web của tổ chức, cá nhân nào. Cái mà tôi quan tâm đó là phản ánh của hành khách. Họ đi máy bay, đến sân bay và sử dụng dịch vụ tại sân bay nên đánh giá của họ là khách quan. Rõ ràng, hạ tầng và dịch vụ sân bay của Việt Nam hiện nay kém” - Bộ trưởng Thăng đã nói như vậy xung quanh đánh giá “tệ nhất châu Á”.
Nếu không tự nhìn lại mình, chẳng hạn với thái độ “may là chưa tệ nhất thế giới”, thì liệu ngành hàng không bao giờ mới thay đổi được sự tồi tệ của bản thân trong con mắt hành khách cả tây lẫn ta.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.