Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Thu ngân sách thấp nhất 10 năm gần đây
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Thu ngân sách thấp nhất 10 năm gần đây
Quang Dân
Thứ năm, ngày 05/11/2020 17:22 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo làm rõ 4 nhóm vấn đề: Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; đánh giá tài chính ngân sách 5 năm 2016-2020; dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 và kế hoạch tài chính ngân sách 2020-2025.
Chiều 5/11 Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng.
Dịch Covi-19 tác động tiêu cực đến thu ngân sách Nhà nước
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo làm rõ 4 nhóm vấn đề: Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; đánh giá tài chính ngân sách 5 năm 2016-2020; dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 và kế hoạch tài chính ngân sách 2020-2025.
Theo Bộ trưởng, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2020 được xây dựng trên tinh thần quyết tâm cao, hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu KTXH. Dự toán được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6,8%, lạm phát dưới 4%, kim ngạch xuất khẩu tăng 7%, kim ngạch nhập khẩu tăng 9%.
Tuy nhiên, bước vào năm 2020, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư thương mại và tài chính toàn cầu. Trong điều kiện Việt Nam hội nhập sâu rộng, ảnh hưởng của đại dịch là rất lớn đến tất cả ngành, lĩnh vực, triển khai kế hoạch phát triển KTXH.
Ngoài ra, thiên tai ngay từ đầu năm như mưa đá, lũ quét, lũ ống và mưa lũ ở miền Trung đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của nhân dân.
Trước những khó khăn bối cảnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội và ban hành hàng loạt chính sách tài khóa để thực hiện được mục tiêu kép, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: Tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; giảm 30% thuế TNDN cho DN có thu nhập dưới 200 tỷ đồng; giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; nâng mức giảm trừ gia cảnh...
“Các chính sách này đã góp phần giảm, giãn khoảng 100.000 tỷ đồng nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về dòng tiền, tăng tỷ lệ vốn cho doanh nghiệp”, ông Đinh Tiến Dũng chính cho hay.
Với tinh thần như thế, số thu ngân sách 10 tháng đầu năm phản ánh khá rõ khó khăn của doanh nghiệp và tác động của các chính sách miễn, giảm thuế, phí. Thu ngân sách 10 tháng đầu năm đạt 75,2% dự toán - giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Trong đó NSTW đạt 70% và NSĐP đạt 81% dự toán.
"Một số địa phương có số thu lớn điều tiết về ngân sách Trung ương nhưng tỷ lệ 10 tháng đầu năm rất thấp như Hà Nội 70,1%, TP. HCM 64,8%, Vĩnh Phúc 60,8%, Đà Nẵng 56,4%... Bên cạnh các giải pháp miễn, giảm, hoãn thuế cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu và chống chuyển giá", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định.
Đối với đánh giá năm 2020, Bộ Tài chính đã rà soát làm việc rất sát với các địa phương trên cơ sở diện kiến tăng trưởng kinh tế là 2 - 3% so với ban đầu 6,8%. Ước thu NSNN năm nay giảm khoảng 190.000 tỷ đồng, bằng 12,5% so với dự toán.
Trong bối cảnh đó, nguồn ngân sách phải tăng chi cho các hoạt động phòng chống thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ thêm các vấn đề an sinh xã hội trên cả nước trong năm 2020.
Hụt thu NSNN năm 2020 ảnh hưởng đến kế hoạch 5 năm
Đối với đánh giá kế hoạch tài chính 5 năm 2016 -2020, kết quả thực hiện phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020 ảnh hưởng đến kế hoạch 5 năm 2016-2020. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, về kinh tế, nếu tăng trưởng GDP 2020 đạt 2-3% thì bình quân 5 năm 2016 -2020 GDP bình quân đạt 5,8-5-9%, trong khi chỉ tiêu đề ra là 6,5-7%.
Về ngân sách Nhà nước, dự kiến thu ngân sách Nhà nước năm 2020 giảm khoảng 190.000 tỷ đồng so với dự toán nên thu 5 năm 2016 -2020 ước giảm 150.000 tỷ đồng so với kế hoạch.
"Tuy nhiên nhìn về tổng thể, Bộ Tài chính cho rằng đến nay chúng ta cơ bản đạt được các mục tiêu về tài chính ngân sách theo tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội đề ra", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.
Đối với dự toán năm 2021, mặc dù có nhiều dự báo tích cực, tuy nhiên quá trình phục hồi của kinh tế thế giới và trong nước phụ thuộc vào khả năng dịch Covid-19. Trong nước, bên cạnh những lợi thế cơ bản như ổn định chính trị, môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện, điều kiện thuận lợi từ các hiệp định thương mại... nhưng vẫn giữ vững mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Trên cơ sở đánh giá khả năng thu các địa phương năm 2020, dự báo kinh tế thế giới, dự kiến, dự toán thu ngân sách trên cơ sở GDP tăng 6,8%, lạm phát dưới 4%. Mặt khác, tác động của dịch Covid-19 đến phát triển ngân sách nhà nước sẽ ảnh hưởng tới những năm tiếp theo.
Trên cơ sở đó, sau khi làm việc với các địa phương Bộ Tài chính dự kiến tăng thu nội địa từ sản xuất kinh doanh năm 2021 là 5,6% so với ước thực hiện năm 2020 là mức khá tích cực trong điều kiện rủi ro. Tuy nhiên, dự toán thu ngân sách năm 2021 là 1.340.000 tỷ đồng, giảm 170.000 tỷ đồng so với năm 2020...
Đối với kế hoạch tài chính ngân sách 2020-2025, trên cơ sở dự toán kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2021 trình Quốc hội. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 bình quân từ 6,5 đến 7%, lấy theo dự thảo báo cáo chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030.
Chính phủ dự kiến tổng thu ngân sách cả giai đoạn khoảng 7,8 triệu tỷ đồng, gấp 1,2 lần so với giai đoạn 2016-2020..
Kế hoạch phát triển kinh tế từ năm 2021-2025 được dự kiến trên tinh thần rất tích cực, tốc độ tăng thu nội địa từ sản xuất kinh doanh bình quân 8% năm, trong đó giai đoạn 2023-2025 là 10% năm.
Trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro của kinh tế thế giới, đại dịch Covid-19, cũng như trong nước ngoài các điều kiện thuận lợi vẫn tồn tại nhiều rủi ro về thiên tai và dịch bệnh.
Do vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và giảm bội chi ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống phát luật về thu NSNN gắn với cải các theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới phù hợp với tình hình phát triển.
Đảm bảo tỷ trọng thu nội địa, khai thác tốt thuế tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách an sinh xã hội trong các chính sách thuế và chính sách miễn, giảm giãn thuế..
Vui lòng nhập nội dung bình luận.