Bộ trưởng Dũng lý giải vì sao cần "giải cứu" bất động sản

Thứ hai, ngày 15/04/2013 15:43 PM (GMT+7)
Thị trường bất động sản khó khăn sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất khác mà nó còn làm giảm thu nhập của người lao động, ảnh hưởng việc giải quyết lao động, việc làm - ông Dũng nhấn mạnh.
Bình luận 0

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cần hệ thống các giải pháp, từ cơ chế chính sách, cấp vốn, cho người nước ngoài mua nhà…, và phải xem đó như là một "nhiệm vụ cần thiết", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định như vậy trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" ngày 14.4.

img
Ông Trịnh Đình Dũng: "Thị trường bất động sản khó khăn sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất khác mà nó còn làm giảm thu nhập của người lao động, ảnh hưởng việc giải quyết lao động, việc làm".

Theo Bộ trưởng Dũng, để nền kinh tế thị trường của Việt Nam phát triển thì cần phải phát triển đồng bộ các loại thị trường trong đó có thị trường bất động sản. Các thị trường phát triển đồng bộ thông suốt và lành mạnh sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế tăng trưởng, phát triển và do đó, người dân sẽ được lợi từ quá trình phát triển của nền kinh tế.

Đối với bất động sản, đây là ngành có liên quan đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề đặc biệt là liên quan thị trường tài chính, tiền tệ, các lĩnh vực sản xuất như vật liệu xây dựng, thép, nội thất.

Ngoài ra còn cung ứng hạ tầng cho các khu công nghiệp để tạo nền tảng cho một nền kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, thị trường bất động sản khó khăn sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất khác mà nó còn làm giảm thu nhập của người lao động, ảnh hưởng việc giải quyết lao động, việc làm, ông Dũng nhấn mạnh.

"Do đó, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của nền kinh tế và tất cả mọi người dân sẽ chịu thiệt thòi khi nền kinh tế thiếu tăng trưởng. Vì vậy, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là một nhiệm vụ cần thiết", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, hiện nay, nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu làm ấm dần thị trường bất động sản. Do đó, Chính phủ đang nỗ lực đề ra nhiều giải pháp - một hệ thống giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn chung cho sản xuất kinh doanh, trong đó có tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Nói về vai trò của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ thông qua để hỗ trợ thị trường, ông Dũng cho rằng, để gỡ khó cho bất động sản cần hệ thống giải pháp rất đồng bộ, trong đó có giải pháp tái cấu trúc sản phẩm bất động sản, có những giải pháp về các nguồn lực cho bất động sản, đặc biệt về vốn.

"Tuy nhiên, đất nước ta còn nghèo, giải pháp này nếu chúng ta chỉ dựa vào vốn thì rất khó khăn. Chính phủ đã đưa ra một gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để những người nghèo, những cán bộ công chức, viên chức, quân nhân chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang, công nhân của khu công nghiệp, những người khó khăn, người lao động đô thị đang ở trong những ngôi nhà chật chội được vay để mua nhà hoặc vay để thuê nhà hoặc vay để thuê mua nhà ở".

"Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tuy nhỏ nhưng rất quan trọng. Cùng với việc không thu tiền sử dụng đất đối với những dự án xây nhà ở xã hội thì đây sẽ là một gói kích cầu để tăng tiêu dùng, từ đó tăng sản xuất nói chung và tạo sự tăng trưởng kinh tế", Bộ trưởng Dũng nói.

Bên cạnh đó, hiện Chính phủ đang tập trung để thực hiện chương trình 167 giai đoạn 2 với khoảng trên 500.000 hộ nghèo ở nông thôn được hỗ trợ cải thiện nhà ở. Chính phủ cũng có một gói hỗ trợ cho 70.000 người có công để cải thiện nhà ở. Cùng với đó Chính phủ cũng có gói hỗ trợ cho khoảng 60.000 hộ nghèo ở Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung để cải thiện nhà ở ở vùng thường xuyên xảy ra bão lụt.

Theo VnEconomy
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem