Sáng 24.11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận là thành viên thứ ba của Chính phủ trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Những vấn đề chính dành cho người đứng đầu ngành giáo dục bao gồm: chất lượng giáo dục, đào tạo ở các bậc học, vấn đề quy hoạch, thành lập, nâng cấp các trường đại học, cao đẳng, liên kết đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, tình trạng cơ sở vật chất của các trường còn nhiều khó khăn thiếu thốn, vấn đề chạy trường, dạy thêm học thêm, lạm thu, thiếu trường mầm non công lập…
|
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Chinhphu.vn |
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có báo cáo liên quan đến các nhóm vấn đề trên. Bộ trưởng Luận cũng đã trả lời một số câu hỏi bằng văn bản của các đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình), đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) và đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) về lạm thu tiền trường đầu năm học.
Theo công văn trả lời, tại một số cơ sở giáo dục (nhất là ở các thành phố lớn) vẫn có tình trạng tự ý thu thêm một số khoản tiền của người học, sử dụng tiền thu không đúng mục đích, không tuân thủ những yêu cầu về công khai, minh bạch trong thu chi, sử dụng các hình thức vận động tự nguyện nhưng tổ chức thu tiền bình quân trên đầu học sinh, gây bức xúc cho cha mẹ học sinh và xã hội.
Để giải quyết việc này, ngày từ đầu năm học, lãnh đạo Bộ làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành của một số địa phương và mở các cuộc thanh tra tại một số địa bàn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang thực hiện các giải pháp như: tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các sai phạm; đề nghị Uỷ ban nhân dân các cấp quan tâm bố trí đủ kinh phí chi thường xuyên cho các nhà trường. Bộ cũng đang xây dựng Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó sẽ quy định rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn và các khoản thu mà Ban đại diện cha mẹ học sinh không được vận động quyên góp của cha mẹ học sinh.
Phát biểu khai mạc phiên họp sáng nay 24.11, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI vừa qua đề ra, ngành giáo dục phải đổi mới chất lượng toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, đáp ứng yêu cầu quốc tế hóa. Chủ đề chất vấn của bộ trưởng Luận nhiều vấn đề nhưng cũng chủ yếu xoay quanh chủ đề này. Thời gian trả lời của Bộ trưởng Luận từ 8 đến 10 giờ 30.
Là người đầu tiên đặt câu hỏi, đại biểu Phan Văn Trường (Thái Nguyên) cho rằng thời gian gần đây học sinh, sinh viên đi du học nước ngoài nhiều nhưng các trường đại học trong nước lại không tuyển đủ chỉ tiêu, phải chăng chất lượng của giáo dục đại học hiện nay khiến học sinh và phụ huynh không tin tưởng?
Đại biểu Ya Đuck (Lâm Đồng) hỏi về tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục miền núi nhưng chính sách thu hút còn nhiều bất cập. Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đặt câu hỏi về tỷ lệ tốt nghiệp Phổ thông trung học quá cao hiện nay, có hàng trăm trường tốt nghiệp 100%. Đại biểu này đặt vấn đề, phải chăng việc coi thi và chấm thi có vấn đề?
Cũng không ra khỏi vấn đề chất lượng giáo dục, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho biết chất lượng giáo dục đại học hiện nay có hiện tượng nhiều trường đại học cung cấp “hàng nhái, hàng giả” cho xã hội và mong bộ trưởng đưa ra giải pháp.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, 6 năm qua trên cả nước thành lập 84 trường đại học, nâng tổng số trường đại học trong cả nước lên con số 202 và hơn 100 trường cao đẳng. Bộ trưởng Luận thừa nhận có thực trạng nhiều trường đại học thuộc các ngành nông lâm, khoa học xã hội, sư phạm không tuyển đủ sinh viên. Nhiều trường tư thục mới thành lập, không đảm bảo chất lượng, không tuyển đủ chỉ tiêu.
Nguyên nhân được Bộ trưởng Luận đưa ra là do mở quá nhiều trường, mở ra nhiều ngành học mới, vượt quá nhu cầu; các trường chưa công khai về điều kiện đảm bảo chất lượng. Về quản lý nhà nước, Bộ trưởng khẳng định, quản lý nhà nước còn bất cập yếu kém. Tuy nhiên, những năm gây đây đã có bước thay đổi tích cực.
Bộ trưởng Luận nêu vụ việc cách đây vài năm, báo chí phản ánh sự việc Intel Việt Nam không tuyển được ai nhưng thực tế đến nay, Intel đã phủ định điều đó. Giáo dục Việt Nam được diễn đàn kinh tế thế giới trước đây xếp hạng thứ 120, hiện nay đứng thứ 69 trên 140 nước được khảo sát. Trước đây, giáo dục được xem là điểm nghẽn thứ 3 của sự phát triển nền kinh tế nhưng hiện nay, nguyên nhân giáo dục đã xuống hàng thứ 6.
Về kỳ thi tốt nghiệp Phổ thông trung học, Bộ trưởng Luận cho biết, Bộ đã tổ chức hậu kiểm tại nhiều địa phương và cho thấy kết quả phản ánh đúng chất lượng bài thi và kỷ luật phòng thi cũng tốt hơn những năm trước. Về việc điểm môn lịch sử quá thấp trong kỳ thi đại học vừa qua, Bộ trưởng cũng đã quan tâm đến vấn đề này và tìm cách tháo gỡ trong việc giảng dạy môn lịch sử. Bộ trưởng khẳng định: “Chất lượng giáo dục đại trà đã tốt lên còn giáo dục “đỉnh cao” chưa có chuyển biến tích cực”.
Ở khu vực dân tộc miền núi, bộ trưởng Luận cho biết ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực tuy nhiên, chính sách đối với giáo viên, học sinh khu vực này còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, việc giáo viên được thu hút lên khu vực này chỉ được hưởng chế độ hỗ trợ trong 5 năm mà đúng ra phải lâu hơn nữa. Bộ trưởng cho biết, sau kỳ họp sẽ làm việc với Ủy ban Dân tộc để rà soát, thay đổi chính sách.
Về giáo dục mầm non, vấn đề được các đại biểu quan tâm là chế độ đãi ngộ cho các giáo viên ở bậc học này. Bộ trưởng thừa nhận có tính trạng đó. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế đất nước hiện nay, ngành giáo dục chỉ đảm bảo được các điều kiện cho việc phổ cập mầm non 5 tuổi.
Trả lời chất vấn của đại biểu Hà Công Long (Gia Lai) về việc chậm ban hành các văn bản quy định chế độ cho các giáo viên, nhà sư dạy chữ Khơme, học sinh khu vực khó khăn… Bộ trưởng Luận thừa nhận khuyết điểm và hứa trong năm 2012 sẽ thực hiện ngay việc này.
Phần trả lời của Bộ trưởng Luận khá lúng túng, bị chủ tọa nhiều lần nhắc nhở, đề nghị Bộ trưởng đi thẳng vào vấn đề. Phía dưới hội trường, nhiều đại biểu sốt ruột, liên tục xem đồng hồ. Bốn đại biểu Phan Văn Trường, Trần Minh Diệu, Ya Đuck, Hà Công Long phải đứng lên hỏi lần thứ hai sau phần trả lời của bộ trưởng Luận.
Đại biểu Hà Công Long tiếp tục chất vấn Bộ trưởng về việc chậm ban hành chế độ hỗ trợ về tài chính cho các đối tượng đã hỏi ở trên và yêu cầu làm rõ về trách nhiệm và rút kinh nghiệm trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) hỏi về việc giáo dục đạo đức cho học sinh.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) chất vấn về vấn đề học thêm dạy thêm tràn lan. Đại biểu Trương Thị Ánh (TP.HCM) chất vấn về việc các trường mầm non công lập chỉ tiếp nhận trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên nhưng ở các khu công nghiệp hiện nay, công nhân phải đi làm từ 4 tháng sau khi sinh gây nhiều khó khăn trong công việc.
Tiếp tục trả lời về quản lý Nhà nước đối với giáo dục đại học, Bộ trưởng Luận cho biết, qua nhiều lần kiểm tra chưa thấy có hiện tượng tiêu cực trong quản lý. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng rút kinh nghiệm có thời điểm đoàn thanh tra liên ngành xuống kiểm tra cơ sở vật chất của một số trường thì bị đưa sang một cơ sở khác, không phải của trường đó. Bộ trưởng hứa sẽ tăng cường hơn nữa trong việc thanh kiểm tra.
Về việc sụt giảm số lượng sinh viên ngành khoa học xã hội những năm gần đây, tình trạng khó xin việc sau khi học ngành này, Bộ trưởng Luận cho biết điều này là do tình trạng thực tế và Bộ sẽ điều tra và báo cáo về nhu cầu lao động của xã hội để làm tài liệu cho phụ huynh học xem xét để lựa chọn ngành học phù hợp.
Trả lời câu hỏi về dạy thêm học thêm của đại biểu Trần Quốc Tuấn, Bộ trưởng cho rằng nguyên nhân là do chương trình học còn nặng và tâm lý của phụ huynh học sinh. Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ trưởng cho biết phải tăng cường hơn nữa tự trọng nghề nghiệp của giáo viên, các hiệu trưởng. Ngành giáo dục sẽ tăng cường giám sát và đề nghị phụ huynh, hội khuyến học hỗ trợ giám sát.
Về việc chưa thể tiếp nhận trẻ mầm non ít tháng tuổi, đặc biệt ở các thành phố lớn, Bộ trưởng Luận cho biết có rất nhiều nguyên nhân như thiếu cơ sở vật chất. Theo tư lệnh ngành giáo dục, việc này đang nằm ngoài khả năng của ngành giáo dục và chỉ ghi nhận chứ chưa thể có giải pháp cụ thể. Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu và làm việc với các địa phương có khu công nghiệp vì kinh phí để giải quyết việc này chỉ có địa phương mới lo được.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM), người đã hỏi về khó khăn của ngành khoa học xã hội tiếp tục chất vấn bộ trưởng về những giải pháp cụ thể hơn nữa để tháo gỡ. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm đứng dậy bày tỏ sự bất ngờ về sự việc một đoàn thanh tra bị trường này đưa đến trường kia để kiểm trả cơ sở vật chất. “Vì sao một đoàn thanh tra lại ngây thơ dễ bị các trường lừa như vậy. Bộ trưởng có kiểm điểm đoàn thanh tra và sửa đổi gì về quy trình trình thanh kiểm tra không?” - đại biểu Tâm đặt câu hỏi.
Sau giờ nghỉ giải lao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các đại biểu đặt câu hỏi, sau đó Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trả lời theo nhóm vấn đề.
Tổng số đại biểu đặt câu hỏi là 39 lượt. Trong đó nhiều đại biểu đề cập đến vấn đề tái cấu trúc ngành giáo dục trong yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay. Ngoài ra các đại biểu hỏi về một số chính sách cụ thể trong ngành giáo dục.
Về chất lượng giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá chung là mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Hội nghị Trung ương 3 vừa qua đã đề cập đến vấn đề tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng nên ngành giáo dục đã đặt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện, dần hội nhập quốc tế. Hiện Bộ đã tiến hành xây dựng đề án bằng cách lấy các ý kiến của giới chuyên gia trong và ngoài ngành. Đề án này sẽ sớm được hoàn thành. Song song đó, ngành giáo dục cũng đang xây dựng các đề án cải cách sách giáo khoa, phương pháp dạy và học.
Về liên kết đào tạo, bản thân việc đào tạo tại chức không có lỗi. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nổi tiếng trưởng thành từ hệ học này. Tiêu cực lệch lạc là do việc học theo hình thức, thành tích. Việc này sẽ có giải pháp quản lý. Giáo dục từ xa cũng là hình thức đào tạo mới mà ngành giáo dục phải tiếp nhận nhưng sẽ xây dựng các giải pháp để kiểm soát chặt hơn.
Về trình độ dân trí Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Bộ trưởng Luận cho biết thời gian qua đã có một số giải pháp. Cụ thể đối với Đồng Bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng cho biết sắp tới Bộ sẽ làm việc với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ về việc này, trước hết là đổi mới hệ giáo dục mầm non.
Về giảng dạy các môn học làm người như lịch sử, văn học… Bộ trưởng cho biết thời gian tới sẽ thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng thực tế, cho các em tham gia vào các hoạt động ngoại khóa.
Về mở trường đại học, Bộ trưởng Luận cho biết các trường đã mở hiện nay chưa có trường nào ra ngoài quy hoạch của Chính phủ, vẫn thiếu so với các quy hoạch. Bộ trưởng cũng nhận thấy vẫn thiếu các trường có chất lượng cao. Bộ trưởng cũng đề cập đến các “giải pháp mạnh” để chấn chỉnh các trường đại học kém chất lượng.
Bộ trưởng cho biết không có sự phân biệt giữa đào tạo công lập và ngoài công lập, điều này đã được ghi trong Luật Giáo dục. Việc một số địa phương từ chối sinh viên học trường dân lập, tại chức, Bộ trưởng Luận cho rằng, đây là một hồi chuông cảnh báo cho ngành giáo dục. Trong cả hai ngành này, đều có những sinh viên giỏi và những sinh viên không giỏi. Bộ trưởng cho biết đang phối hợp với Bộ Nội vụ hướng đến việc tuyển dụng theo năng lực thực chất chứ không theo hình thức của bằng tốt nghiệp.
Về tình trạng sinh viên ngành sư phạm không thiết tha với nghề, hiện Nhà nước đã có các chính sách miễn học phí, giải quyết khó khăn cho nhà giáo, việc cho vay vốn… nhưng vẫn chưa thu hút được học sinh ngành sư phạm. Bộ trưởng cho biết thời gian tới đây sẽ có những chính sách mạnh, có hiệu quả hơn.
Trả lời tiếp về ngành học mầm non, với những lứa tuổi từ 3 đến dưới 5 tuổi, bộ trưởng Luận cho biết Bộ vẫn đang trong quá trình điều tra nghiên cứu để triển khai các biện pháp xã hội hóa bậc học này. Các chế độ chính sách với cô giáo, cô bảo mẫu cũng được Bộ trưởng đề cập và sẽ xây dựng trong thời gian tới.
Là người tiền nhiệm của Bộ trưởng Luận, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cũng đã tham gia trả lời chất vấn. Phó thủ tướng cho rằng việc cải cách giáo dục là một nhu cầu bức thiết mà nhiều nước trên thế giới và khu vực đang triển khai. Các vấn đề mà Phó thủ tướng nhấn mạnh là tăng cường học thực hành, ngoại ngữ ở bậc học phổ thông.
Về giáo dục đại học, Phó thủ tướng cho biết đang kiểm soát chất lượng bằng chuẩn đầu ra của sinh viên và yêu cầu các trường công khai. Hiện đã có 60 % các trường công bố được chuẩn này.
Chuẩn đầu vào cũng đã được ngành giáo dục đưa ra cho cả bậc học phổ thông và đại học. Các chuẩn này quy định về cơ sở vật chất, giáo viên. Tuy nhiên việc hợp chuẩn được bậc phổ thông tuân thủ nghiêm chỉnh hơn, còn nhiều cơ sở giáo dục đại học lại chưa đáp ứng được chuẩn này.
Về quản lý nhà nước về giáo dục, Phó thủ tướng cho rằng các bộ ngành khó có thể kiểm soát được hết tình hình thực tế nên chính quyền địa phương phải cùng góp sức vào việc này. Về phía ngành giáo dục, thời gian qua, ngành giáo dục đã có những lớp bồi dưỡng cho các hiệu trưởng, đầu tàu của cơ sở giáo dục và đang chờ giải pháp này phát huy kết quả.
Về giáo dục mầm non, Phó thủ tướng cho biết các em dưới 5 tuổi về cơ bản vẫn được học tập nhưng cũng mong đại biểu thông cảm với điều kiện kinh tế của đất nước hiện nay.
Về giáo dục chuyên nghiệp, Phó thủ tướng cho biết, trong năm 2011, trong 100 em học thi tốt nghiệp thì gần 55 em được tiếp nhận vào cao đẳng, đại học. Đó là một thành tựu của ngành giáo dục. Việc đào tạo chuyên nghiệp cũng đã được huy động xã hội hóa, là hình thức kinh doanh không lợi nhuận.
Một điểm mà Phó thủ tướng nhấn mạnh là các địa phương, doanh nghiệp phải tăng cường hơn nữa việc “đặt hàng” ngành giáo dục để góp phần đào tạo ra sinh viên sát với yêu cầu thực tế. Phó thủ tướng khẳng định, qua nhiều năm, hiện nay, tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" không còn nữa. Hiện nay, công nhân là nhiều nhất, sau đó mới đến những người có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao phần trả lời của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, giáo dục là một sự nghiệp quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước, là sự nghiệp trăm năm, là việc của cả đời người. Tuy nhiên, hiện nay, giáo dục vẫn đang là một "điểm nghẽn" trong tốc độ phát triển đất nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý một số định hướng để thực hiện việc cải cách giáo dục như giáo dục phải đáp ứng sát hơn với nhu cầu xã hội, phát triển giáo dục theo hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phải đảm bảo công bằng giữa các vùng miền… Do phiên chất vấn có nhiều vấn đề được đặt ra nên đã kéo dài đến 11 giờ, quá 30 phút so với dự kiến.
Ông Phạm Vũ Luận sinh năm 1955, quê gốc Thanh Oai, Hà Nội, là giáo sư, tiến sĩ kinh tế. Năm 1999-2004, ông là hiệu trưởng ĐH Thương mại. Tháng 6.2004, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo. Tháng 12.2009, ông được phân công làm Thứ trưởng thường trực. Từ tháng 4.2010, ông Luận được phân công điều hành Bộ Giáo dục và Đào tạo thay cho Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lúc đó còn kiêm nhiệm vị trí Bộ trưởng. Chiều 18.6.2010, với hơn 80% số phiếu tán thành, Quốc hội thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm ông giữ chức Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.
Sỹ Lực - Khánh Linh - P.V
Vui lòng nhập nội dung bình luận.