Bộ trưởng Lê Minh Hoan mở đầu bài phát biểu bằng câu hỏi: "Tôi yêu thủy sản, tôi yêu kiểm ngư, còn bạn thì sao?"

P.V Thứ sáu, ngày 29/03/2024 15:22 PM (GMT+7)
Tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản, 10 năm ngày ra mắt lực lượng kiểm ngư Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã mở đầu bài phát biểu bởi một câu hỏi nhiều gợi mở: "Tôi yêu thủy sản, tôi yêu kiểm ngư, còn bạn thì sao?".
Bình luận 0

Mở đầu bằng câu hỏi: “Tôi yêu thủy sản, tôi yêu kiểm ngư, còn bạn thì sao?” cũng là lời khẳng định của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tình yêu với biển trời quê hương, niềm tin với ngành thủy sản, với lực lượng kiểm ngư, Bộ trưởng nhấn mạnh: Trọng trách gìn giữ, bảo vệ, phát triển bền vững vùng nước vùng biển rộng lớn của quê hương luôn có sự đóng góp, chung sức, chung lòng của ngành thủy sản, lực lượng kiểm ngư, cùng bà con ngư dân, cộng đồng doanh nghiệp, người dân gắn bó với ngành nghề thủy sản…

Ghi nhớ lời gửi gắm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”, 65 năm qua, ngành thủy sản vững bước phát triển nhanh, toàn diện và ổn định, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng của đất nước, đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mở đầu bài phát biểu bằng câu hỏi: "Tôi yêu thủy sản, tôi yêu kiểm ngư, còn bạn thì sao?"- Ảnh 1.

Tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản, 10 năm ngày ra mắt lực lượng kiểm ngư Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã mở đầu bài phát biểu bởi một câu hỏi nhiều gợi mở: "Tôi yêu thủy sản, tôi yêu kiểm ngư, còn bạn thì sao?". Ảnh: P.V

Để phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, hội nhập trên cơ sở bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đảm bảo thực thi pháp luật về thủy sản trên các vùng biển, chủ trương thành lập lực lượng Kiểm ngư được thông qua. 2024 đánh dấu hành trình 10 năm lực lượng Kiểm ngư Việt Nam bắt đầu hoạt động, tích cực hỗ trợ ngư dân trên biển, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, với bao công việc quan trọng, ý nghĩa…

Qua những thành tựu đạt được, ngành thủy sản, cùng với lực lượng Kiểm ngư, tự tin hướng tới những mục tiêu lớn hơn, dài hạn hơn, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia “mạnh về biển, giàu từ biển”, nhất quán với quan điểm lãnh đạo của Đảng, và cũng là nguyện vọng của bà con ngư dân, của của toàn thể người dân.

Bộ trưởng chia sẻ: Phía trước chúng ta là “hải trình” hướng đến mục tiêu: Vì một nền thủy sản “minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập”, vì thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Phía trước chúng ta là 3 trụ cột trong chiến lược kinh tế thủy sản: Giảm khai thác - Tăng nuôi trồng - Bảo tồn biển.

Phía trước chúng ta là “Chiến lược Tam ngư”, cấu trúc lại ngành thủy sản dựa trên: Ngư nghiệp - Ngư dân - Ngư trường. Phía trước chúng ta là phát huy sức mạnh của thiết chế “Cộng đồng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản”, một thiết chế phát huy sức mạnh của cộng đồng. Phía trước chúng ta là cùng nhau hành động để tháo gỡ thẻ vàng chống khai thác IUU trong thời gian sớm nhất.

Theo đó, Bộ trưởng chúc ngành thủy sản Việt Nam bền vững trong phát triển, hiện đại trong sản xuất, tăng tốc trong xuất khẩu, nâng tầm trong hội nhập. Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam luôn đồng hành với ngư dân; hướng tới chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; bảo vệ nguồn lợi thủy sản vì ngành thủy sản xanh, bền vững.

“Chúng ta giống như những hòn đảo giữa biển khơi, tách biệt trên bề mặt nhưng kết nối dưới tầng sâu. Chúng ta cùng nhau kết nối thành hệ sinh thái vì ngành thủy sản Việt Nam bền vững”, Bộ trưởng gửi gắm thông điệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mở đầu bài phát biểu bằng câu hỏi: "Tôi yêu thủy sản, tôi yêu kiểm ngư, còn bạn thì sao?"- Ảnh 2.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng quà cho Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản, 10 năm ra mắt lực lượng kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: P.V

Ôn lại truyền thống 65 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà. Tại đây, Bác đã căn dặn "Biển bạc của ta do dân ta làm chủ". 

Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn về tiềm năng vô tận của kinh tế biển và khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thể theo nguyện vọng của ngành Thủy sản và đông đảo bà con ngư dân, ngày 1 tháng 4 hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chính thức là Ngày Truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam.

Với truyền thống lâu đời và bằng sự bền bỉ phấn đấu không ngừng, toàn thể cán bộ, ngư dân, lao động trong ngành thủy sản đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển ngành Thủy sản từ một lĩnh vực sản xuất nhỏ, vươn lên trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khối nông, lâm, ngư nghiệp và đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước, cải thiện rõ rệt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của bà con ngư dân, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. 

"Ngành Thủy sản đã chủ động đi trước trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu", ông Luân khẳng định.

Sau hơn 30 năm phát triển toàn diện, ngành Thủy sản đã có những bứt phá vượt bậc. Sản lượng thủy sản năm 2023 đạt hơn 9,3 triệu tấn, gấp 7,1 lần so với năm 1995, nuôi trồng thủy sản đạt 5,5 triệu tấn, gấp hơn 5 lần so với năm 1995. Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 31% năm 1995 lên gần 57% năm 2023. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mở đầu bài phát biểu bằng câu hỏi: "Tôi yêu thủy sản, tôi yêu kiểm ngư, còn bạn thì sao?"- Ảnh 3.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) phát biểu tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản, 10 năm ra mắt lực lượng kiểm ngư Việt Nam.

Với sự năng động sáng tạo, vượt qua bao khó khăn thử thách, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường, kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 1 tỷ USD (năm 1999) và gần 11 tỷ USD (năm 2022), đưa Việt Nam vào vị trí số 3 trong các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Na Uy, Việt Nam)..

Kỷ niệm 10 năm ngày ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam (15-4-2014/15-4-2024), ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho hay: 10 năm qua, lực lượng Kiểm ngư đã điều động hàng nghìn lượt tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển, trong đó tiêu biểu là Chi đội Kiểm ngư số 2 điều động 867 lượt tàu, Chi đội Kiểm ngư số 3 điều động 197 lượt tàu, Chi cục Kiểm ngư Vùng 1, Vùng 5: 242 lượt tàu; phát hiện, xử lý hàng chục nghìn lượt tàu cá vi phạm, lập biên bản, ra quyết định xử phạt hàng trăm tỷ đồng.

Ngành Thủy sản cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Tại Chiến lược Thủ tướng Chính phủ xác định quan điểm: "Xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững. Hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả; thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản hiệu quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt; đến năm 2045 "thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững; là trung tâm chế biển thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm; bảo đảm an sinh xã hội, làng cá xanh, sạch, đẹp, văn minh; lao động thủy sản có mức thu nhập ngang bằng mức bình quân chung cả nước; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem