Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Ngành điều trải qua 1 năm đặc biệt
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Ngành điều trải qua 1 năm đặc biệt, phải nâng cao giá trị hơn nữa
Nguyên Vỹ
Thứ bảy, ngày 26/02/2022 18:26 PM (GMT+7)
Ngành điều phải nâng cao giá trị của hạt điều Việt Nam hơn nữa. Đây là đề nghị của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan tại Đại hội Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức tại TP.HCM, ngày 26/2.
Ông Nguyễn Văn Công – Chủ tịch Vinacas cho biết, ngành điều trải qua 1 năm đặc biệt với nhiều sự kiện nổi bật trong năm 2021.
Trước hết, ngành điều gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 tác động đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Thế nhưng, ngành điều Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng dương về sản xuất, chế biến, xuất khẩu điều.
Cụ thể, xuất khẩu điều đạt 3,659 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2020. Qua đó, ngành điều hoàn thành vượt mục tiêu xuất khẩu 3,6 tỷ USD do Bộ NNPTNT đề ra từ đầu năm 2021.
Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều, chiếm 80% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu của toàn cầu.
Hạt điều là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, giữ vị trí số 1 trong nhóm nông sản chính, bao gồm: hạt điều, rau quả, lúa gạo, cà phê, hồ tiêu...
Thứ hai, tại các thị trường trọng điểm trên thế giới, hạt điều Việt Nam vẫn đang giữ thị phần vượt trội (ở Mỹ và Trung Quốc chiếm thị phần 90%, Hà Lan 80%, Đức 60%,..)
Tuy nhiên, Việt Nam tiếp tục là quốc gia nhập khẩu điều nhân sơ chế với số lượng lớn từ những quốc gia châu Phi.
Có một điểm đáng lưu ý, ngoài xuất khẩu nhân điều sơ chế qua Việt Nam, các quốc gia châu Phi cũng đã tăng cường xuất khẩu nhân điều trực tiếp đi châu Âu do lợi thế về vị trí địa lý.
Điểm nổi bật thứ 3, từ nửa cuối năm 2020 đến năm 2021, hàng hóa vận tải bằng đường biển chịu nhiều tác động do chi phí vận tải đường bộ tăng cao và những vấn đề liên quan đến logistics.
Giá cước vận chuyển tháng 12/2021 đã tăng lên gàn 10.000 USD/container (đến EU) và trên 18.000 USD (đến Mỹ).
Tình trạng thiếu container rỗng và khó đặt, hoặc bị hủy lịch tàu (booking); tắc nghẽn, trì hoãn tại các cảng trung chuyển diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, vận tải đường biển vẫn là lựa chọn số một đối với xuất khẩu hạt điều.
Phần lớn hạt điều được xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển tới trên 100 thị trường xuất khẩu khắp thế giới.
Riêng tại thị trường Trung Quốc, khoảng 60% tổng sản lượng nhân điều Việt Nam xuất khẩu đi nước này bằng đường biển.
Hàng hóa được chế biến sấy khô, hun trùng đóng gói, bảo quản đạt chuẩn, đúng quy cách. Vì thế điều nhân Việt Nam hầu như không chịu tác động bởi khó khăn tắc nghẽn hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc.
Đặc điểm thứ tư là về hạt điều thô khi Việt Nam ghi nhận 2 kỷ lục. Kỷ lục nhập khẩu lớn nhất từ trước đến nay, và kỷ lục nhập khẩu điều thô từ Campuchia về chế biến (trên 1 triệu tấn hạt điều).
Mặc dù có nhiều tranh cãi quanh việc nhập khẩu số lượng lớn, tuy nhiên ông Công cho rằng, có thể nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác, theo hướng tích cực.
Việt Nam khẳng định không chỉ là nước cung ứng nhân điều cả về số lượng và chất lượng hàng đầu thế giới; mà còn là nước có vai trò quan trọng nhất đối với thị trưòng điều thô toàn cầu.
"Điều đó tiếp tục khẳng định lại khẩu hiệu: "Nói đến hạt điều, nghĩ tới Việt Nam", ông Công chia sẻ.
Nâng cao giá trị ngành điều Việt Nam
Theo kế hoạch sản xuất năm 2022 của Bộ NNPTNT, tổng diện tích điều cả nước năm 2022 sẽ duy trì ổn định 305.000ha, tương đương năm 2021,
Năng suất bình quân đạt 1,25 tấn/ha (tăng gần 6% so năm 2021). Sản lượng điều thô (hạt khô) dự kiến đạt 370.000 tấn, hơn 1% so với năm trước.
Theo kế hoạch xuất khẩu nhân điều năm 2022 của Bộ NNPTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu điều hướng đến mục tiêu 3,8 tỷ USD; tăng 3,9% về trị giá so với năm 2021.
Ông Công cho biết, tình hình năm 2022, dù dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường. Ngành điều vẫn tiếp tục mục tiêu: Giữ ổn định về lượng, tăng chất và tăng giá.
Chia sẻ tại đại hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Vinacas chủ động thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh trước những khó khăn mới. Trong đó, tập trung vào việc nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng từ hạt điều.
Dẫn lại quan điểm về mô hình phát triển nền kinh tế xanh lam, Bộ trưởng cho rằng, những giá trị hữu hình thường mang tính hữu hạn. Thậm chí ngày càng nhỏ hẹp lại, ví dụ như diện tích trồng điều. Hoặc năng suất điều rồi cũng đến mức tới hạn.
Thế nhưng những giá trị vô hình thường vô hạn.
Việc nâng cao giá trị gia tăng bằng năng suất, sản lượng đã cũ, nâng cao bằng chế biến sâu cũng không còn mới. Một hướng đi khác là sáng tạo trong kinh doanh, ví dụ kinh doanh dựa trên khơi gợi cảm xúc.
Khẩu hiệu "Nói đến hạt điều, nghĩ tới Việt Nam" rất hay. Vinacas cũng có thể sáng tạo thêm những câu chuyện cảm xúc khác về hạt điều.
"Phải nâng cao hơn nữa giá trị ngành điều không chỉ ở hạt điều mà cả ở những thứ, những lĩnh vực liên quan khác. Từ đó, tìm giá trị cao hơn, bù vào chi phí hao hụt, những đứt gãy hay rủi ro mà thị trường tác động", Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.