Tái cơ cấu ngành điều: Cần cuộc “cách mạng” lần 2

Nguyễn Vy Thứ tư, ngày 25/11/2020 08:33 AM (GMT+7)
30 năm nhìn lại, ngành điều trong nước với vai trò then chốt là Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã ghi những dấu ấn mạnh mẽ với nhiều thăng trầm.
Bình luận 0

Nếu những đột phá trong công nghệ chế biến đã làm nên cuộc cách mạng lần thứ nhất, trở thành quốc gia xuất khẩu điều số 1 thế giới, thì tình hình mới đang cần Vinacas làm một cuộc cách mạng lần 2 để nâng tầm vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị điều toàn cầu.

"Ngôi vương" cho người đến sau

Cuối thập niên 1990, thành phố Kollam và đất nước Ấn Độ bước vào giai đoạn vàng son khi xuất khẩu 97.000 tấn điều nhân/năm. Con số này chiếm 80% tổng sản lượng chế biến điều nhân toàn cầu. Thành phố Kollam được coi như kinh đô chế biến điều nhân của thế giới.

Tái cơ cấu ngành điều: Cần cuộc “cách mạng” lần 2 - Ảnh 1.

Nông dân thu hoạch điều ở Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Vy

Vinacas đang xúc tiến xây dựng chiến lược phát triển ngành điều Việt Nam trong tình hình mới để kiến nghị với Chính phủ, trong đó đề xuất những cơ chế chính sách từ phía Nhà nước nhằm vào 2 mục tiêu lớn: Phát triển mạnh vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng, hiệu quả. Việc này sẽ tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cho chế biến, vừa góp phần thực hiện thành công chính sách tam nông của Nhà nước.

Trong khi đó, ngành điều Việt Nam sau năm 1975 mới bắt đầu xuất khẩu điều thô (hạt chưa tách vỏ). Đầu thập niên 1980, ngành chế biến điều mới chập chững đi những bước đầu tiên. Đến năm 1990, Vinacas - một tổ chức xã hội nghề nghiệp đại diện cho người làm điều Việt Nam được thành lập.

Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Vinacas đánh giá, công nghệ chế biến hạt điều chính là "bí kíp" góp phần vào sự thành công vượt bậc của ngành chế biến điều trong nước. Cột mốc đầu tiên là năm 1984, khi nhóm kỹ sư do ông Nguyễn Văn Lãng - cha đẻ của công nghệ chế biến hạt điều Việt Nam - đứng đầu bắt tay vào nghiên cứu dây chuyền công nghệ chao hạt để cắt vỏ. Khi công nghệ này được phổ biến rộng rãi, Việt Nam từ chỗ xuất khẩu điều thô thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nhân điều, chỉ sau Ấn Độ.

Đặc biệt là kết quả của chương trình quốc gia KC07 (2008-2010) do Vinacas chủ trì dự án, các thế hệ máy cắt tách hạt, bóc vỏ lụa mới của Việt Nam đã đi vào hoạt động và hoàn thiện. Dự án này đã đặc biệt thành công vì làm tăng năng suất trong chế biến điều nhân lên hơn 10 lần. 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia nông nghiệp, đây là sự đột phá rất quan trọng của ngành điều Việt Nam. Nó tạo nên cú hích thật sự để ngành điều từ chế biến thủ công, sang chế biến bằng phương pháp cơ khí hóa và tự động hóa.

Cuối năm 2017, Báo The Wall Street Journal (Mỹ) đăng tải bài viết có nội dung: "Giờ đây, Việt Nam là "vua hạt điều" của thế giới nhờ vào công nghệ trong sản xuất phát triển. Trong khi đó, vị thế của Kollam ngày một suy yếu". Như vậy, kinh đô chế biến hạt điều thế giới đã dịch chuyển từ Ấn Độ sang Việt Nam.

Hơn 30 năm gắn bó với ngành điều, ông Nguyễn Đức Thanh - Giám đốc Công ty Tanimex (người đầu tiên tổ chức chế biến điều xuất khẩu tại tỉnh Long An) gọi hành trình này là "Ngôi vương của kẻ đến sau".

Làm giàu từ cây xóa đói giảm nghèo

Giúp nông dân yên tâm giữ vườn

"Cây điều là cây đa mục đích, như xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Hiện nay, cây điều đặt người nông dân trước nhiều thách thức phải lựa chọn vì giá cả thất thường; khí hậu biến đổi, sâu bệnh hoành hành. Song cũng không ít bà con đang bám trụ, vẫn xem cây điều là cây trồng chủ lực giúp phát triển kinh tế gia đình. Do đó, Nhà nước và Hiệp hội cần có chính sách giúp bà con yên tâm thâm canh cây điều, qua đó giữ đất, giữ rừng".

Ông Trần Văn Lộc -

nông dân trồng điều ở Bình Phước

Đề xuất chính sách phát triển dài hạn

"Sự khác biệt của ngành điều và Vinacas, với những ngành hàng nông sản và các tổ chức hiệp hội khác là nhờ làm chủ công nghệ chế biến. Nhưng không vì thế mà Vinacas xem nhẹ khâu trồng trọt, mà vẫn nỗ lực để thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu trong nước.

Ngành điều trở thành ngành hàng chủ lực trong xuất khẩu nông sản có sự đóng góp của mọi thành phần từ người trồng điều, nhà khoa học, nhà môi giới, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, doanh nghiệp chế tạo máy móc thiết bị.

Vinacas sẽ tiếp tục là "ngôi nhà chung" gắn kết các thành phần này lại cũng như có những đề xuất giúp Chính phủ ban hành chính sách phát triển dài hạn. Nếu "Nói tới hạt điều, nghĩ đến Việt Nam" thì cũng nên "Nói tới ngành điều Việt Nam, phải nghĩ đến Vinacas".

Ông Phạm Văn Công -

Chủ tịch Vinacas

Trong cuốn sách "Thương quá điều ơi!", ông Nguyễn Đức Thanh kể trước khi trở thành thủ phủ ngành điều, thì cây điều ở Bình Phước rất bấp bênh. Sau ngày giải phóng, bà con dân tộc thiểu số ở huyện Phước Long vẫn có tập quán di canh di cư và đốt rừng làm rẫy.

Năm 1990, Chính phủ phát động chương trình trồng điều góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và cải thiện đời sống cho bà con nông dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số. Chính quyền địa phương cũng vào cuộc bằng chính sách vận động định canh định cư với đồng bào bằng cách trồng sắn xen canh cây điều.

Đến năm 1989-1990, diện tích cây điều ở Phước Long đã lên tới khoảng 100.000ha. Trong thời gian này công nghệ chế biến điều của Việt Nam mới chính thức ra đời.

Già làng Điểu Kem - người dân tộc S'tiêng ở xã Long Hà (huyện Phú Riềng, Bình Phước) kể: Cây điều phát triển ở đây từ thời Nhà nước có chính sách định canh, định cư. Chính ông đã giúp bà con trồng điều bằng cách ứng vốn ứng vật tư, sau đó thu lại hạt điều theo giá thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thỏa -nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, người góp nhiều công sức vào chương trình tái định cư, khi đó đánh giá, việc trồng điều đã làm cho chủ trương định canh định cư thành công ở Bình Phước.

Giải quyết mâu thuẫn

Giai đoạn 15 năm từ 2006-2020, dù trong những thời điểm đầy khó khăn, ngành điều Việt Nam vẫn giữ vững vị trí số 1 về xuất khẩu điều nhân và làm chủ công nghệ, thiết bị chế biến. Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ và chiếm khoảng 80% lượng điều nhân xuất khẩu thế giới.

Theo ông Phạm Văn Công, dù có những bước phát triển mạnh mẽ song mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đầu thế kỷ 20, ngành điều phát triển nóng trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu, làm nảy sinh những khó khăn mới, nhất là thiếu nguyên liệu...

Ông Công nhìn nhận, bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng sẽ đem lại những cơ hội lớn song cũng không ít thách thức. Vì các doanh nghiệp trên thế giới đều nỗ lực để phát triển nên ngành điều nói chung, và mỗi doanh nghiệp điều nói riêng phải đổi mới tư duy để phát triển.

Thách thức thứ 2, hạt điều nhân Việt Nam vẫn chỉ là nguyên liệu cho 1 thị trường rất lớn gồm nhiều sản phẩm chế biến sâu. Giá trị gia tăng của ngành điều Việt Nam mới chỉ bắt đầu tiếp cận nên còn đầy chông gai.

Ngành điều Việt Nam đang đứng trước sự lựa chọn lớn, hoặc tiếp tục đầu tư cho công nghệ, thiết bị để giữ vững vị thế xuất khẩu điều nhân, hoặc vừa đầu tư cho nhân điều vừa tập trung nguồn lực cho chế biến sâu. Theo đó, ông Công lưu ý, vế thứ 2 mới thực sự là "Cuộc cách mạng lần thứ 2" để nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị điều toàn cầu.

Thách thức cuối cùng là khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu khi Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ cho chế biến, đặc biệt là đời sống nông dân trồng điều còn nhiều khó khăn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem