Ngành điều nhắm đến mục tiêu xuất khẩu 3,6 tỷ USD trong năm 2021

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 19/01/2021 14:57 PM (GMT+7)
Khép lại một năm 2020 không mấy thuận lợi khi tổng giá trị xuất khẩu (XK) cũng như giá XK đều giảm, ngành điều Việt Nam bước sang năm 2021 với nhiều triển vọng. Toàn ngành hướng tới mục tiêu XK 3,6 tỷ USD.
Bình luận 0

Xuất khẩu điều tận dụng cơ hội từ FTA

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), năm 2020, XK hạt điều đạt 511.000 tấn, trị giá 3,2 tỷ USD, tăng 12,1% về khối lượng nhưng giảm 3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020. 

Đáng chú ý, giá hạt điều XK bình quân 11 tháng năm 2020 đạt 6.274 USD/tấn, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Cùng với Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào thực thi ngày 1/8/2020, FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đi vào thực thi từ ngày 1/1/2021 đã mở ra cơ hội XK cho nhiều sản phẩm chủ lực của Việt Nam, trong đó có mặt hàng hạt điều. 

"Ưu đãi về thuế quan với hơn 99% dòng thuế XK sang Anh được xóa bỏ trong vòng 6 năm kể từ khi UKVFTA đi vào thực thi và thuận lợi thương mại sẽ tạo điều kiện cho mặt hàng hạt điều của Việt Nam" - ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định.

Ngành điều nhắm đến mục tiêu 3,6 tỷ USD  - Ảnh 1.

Chế biến hạt điều tại một doanh nghiệp của Bình Phước. Ảnh: T.L

Tổng khối lượng và trị giá nhập khẩu hạt điều năm 2020 đạt 1,47 triệu tấn và 1,8 tỷ USD, giảm 10% về khối lượng và giảm 17% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Xây dựng nhận dạng thương hiệu

Theo kế hoạch sản xuất trồng trọt năm 2021 của Bộ NNPTNT, mục tiêu hướng tới của toàn ngành điều là 3,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2020. 

Về giá cả trong năm 2021, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, giá điều nhân dự kiến có xu hướng tăng, vì lượng cung điều nhân ở Việt Nam không nhiều trong khi giá mua điều thô vẫn đang cao không cân đối được với giá điều nhân.

Theo ông Nguyễn Xuân Khôi - Phó Trưởng ban Khoa học - Công nghệ của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), thời gian tới, để duy trì lợi thế, tăng tính cạnh tranh, tránh dịch chuyển sản xuất qua các nước có nguồn nguyên liệu dồi dào, các nhà máy chế biến điều tại Việt Nam cần phải có định hướng và thực hiện các giải pháp cần thiết về khoa học công nghệ.

Một số chuyên gia nhìn nhận, trong dài lâu, doanh nghiệp điều Việt Nam cũng xây dựng nhận dạng thương hiệu điều Việt Nam, làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, tạo lợi thế cạnh tranh trong sản xuất chế biến điều. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem