Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xây dựng hình ảnh người nông dân mới, tạo sự thay đổi trên mỗi cánh đồng

Anh Thơ - Minh Ngọc (thực hiện) Thứ hai, ngày 25/12/2023 06:30 AM (GMT+7)
Gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan hy vọng, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục đẩy mạnh hợp tác để tạo dựng hình ảnh người nông dân mới.
Bình luận 0
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xây dựng hình ảnh người nông dân mới, tạo sự thay đổi trên mỗi cánh đồng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Hội Nông dân Việt Nam với lợi thế có hệ thống "chân rết" đến tận cơ sở, đội ngũ cán bộ chi hội nông dân lại là những người hiểu tâm tư, nguyện vọng của nông dân nhất sẽ giúp việc truyền tải kiến thức, kỹ thuật sản xuất hiệu quả hơn. Ảnh: P.V

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 chính thức được khai mạc sáng nay, 25/12 tại Hà Nội với nhiều mục tiêu, kỳ vọng. Là người có nhiều thời gian gắn bó với nông dân, quan tâm đến đời sống nông dân, Bộ trưởng thấy thay đổi trong tư duy sản xuất của người nông dân hiện nay như thế nào?

- Trước hết, tôi xin được chúc mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 được tổ chức trong bối cảnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Qua thực tế sản xuất, tôi thấy tư duy kinh tế và tư duy thị trường của người nông dân ngày càng được kích hoạt. Trước đây, ngành nông nghiệp sản xuất chủ yếu chạy theo sản lượng, sản lượng càng lớn thì tăng trưởng càng cao nhưng đôi khi không phải vậy, đã có nhiều bài đọc về câu chuyện "được mùa, mất giá". Do vậy, nếu bà con sản xuất tốt hơn, chất lượng hơn thì giá tốt, giúp lợi nhuận cao hơn. 

Có được kết quả này, tôi nghĩ vai trò đồng hành của Hội Nông dân Việt Nam cùng với Bộ Nông nghiệp và PTNT, các cấp ngành là rất quan trọng trong việc thúc đẩy người nông dân không chỉ nỗ lực mà còn đổi mới phương thức sản xuất gắn với nhu cầu thị trường.

Không có thị trường thì không kích hoạt được đầu vào sản xuất mà thị trường thì như bàn tay vô hình, không ai điểu khiển được mà phải nương theo. Trong khi đó, thị trường ngày càng khắc nghiệt, các ngành chức năng, các doanh nghiệp không chỉ đi mở cửa thị trường mà phải hiểu từng thị trường để từ đó vận động bà con sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp. Có những loại nông sản chúng ta bán qua Trung Quốc  nhưng không bán qua châu Âu, có loại bán ở Mỹ nhưng lại không bán ở EU. Thị trường không chỉ là nơi mua bán mà còn bị tác động bởi văn hóa tiêu dùng.

Cũng từng có nhiều người thắc mắc, bưởi da xanh bán sang Mỹ tới mấy chục nghìn một kilogam, trong khi ở chợ, ở sạp chỉ có vài nghìn nhưng chúng ta phải hiểu bản thân hai quả bưởi đó khác nhau, bưởi đi sang Mỹ khác với bưởi đi bán dạo.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xây dựng hình ảnh người nông dân mới, tạo sự thay đổi trên mỗi cánh đồng - Ảnh 2.

Cán bộ Hội Nông dân trao đổi với các thành viên hợp tác xã trồng dâu tây ở Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: N.C

Sự thành công trong xuất khẩu nông sản ngoài công sức của người nông dân, ngành nông nghiệp và các ngành chức năng trong việc mở cửa, tiếp cận những thị trường khắt khe nhất, đòi hỏi chất lượng cao nhất còn có sự đồng hành của các cấp Hội Nông dân, các cán bộ Hội Nông dân ở cơ sở luôn đồng hành cùng nông dân trong sản xuất để đến hôm nay, nhiều nông sản của Việt Nam đã chinh phục được những thị trường vẫn được gắn mác "khó tính".

Việc ngày càng có nhiều nông sản Việt Nam chinh phục được các thị trường, mở ra những cánh cửa mới còn giúp vị thế, hình ảnh đất nước được nâng lên, niềm tin của khách hàng với nông sản Việt cũng cải thiện theo. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là xem nông sản như một hình ảnh quốc gia, truyền đi thông điệp Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững. 

Và Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT đều chung mục tiêu, trách nhiệm cùng đồng hành, hỗ trợ nông dân tiếp tục đổi mới tư duy sản xuất.

Một thành tích nữa của ngành nông nghiệp trong năm qua là chúng ta đã cấu trúc được ngành hàng, gắn kết nông dân với doanh nghiệp. Trước bà con giao dịch theo kiểu thuận mua vừa bán, giờ các doanh nghiệp tìm đến nông dân, với đại diện là các hợp tác xã như người đồng hành, doanh nghiệp đầu tư cho HTX xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn để đơn hàng kéo dài.

Tôi được biết những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam cũng rất tích cực vận động, tuyên truyền, hỗ trợ nông dân thành lập các chi tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã. 10.561 mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả (trong đó 2.127 hợp tác xã, 8.434 tổ hợp tác) do Hội Nông dân hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập là những nhân tố tích cực trong việc liên kết nông dân.

Chủ trương của Bộ Nông nghiệp và PTNT là phải tổ chức lại sản xuất, cấu trúc lại ngành hàng, đẩy mạnh liên kết nông dân với doanh nghiệp để đỡ đổ vỡ, đứt gãy chuỗi cung ứng. Tôi cho rằng, các đơn vị chuyên môn của Bộ, các địa phương, Hội Nông dân Việt Nam sẽ là cầu nối giúp người nông dân đến gần hơn với doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết với nhau và cùng liên kết với doanh nghiệp để tránh rủi ro. Nông dân – doanh nghiệp là hai đầu của chuỗi, nông dân phụ trách đầu vào, doanh nghiệp lo đầu ra, nếu không gặp nhau sẽ không bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xây dựng hình ảnh người nông dân mới, tạo sự thay đổi trên mỗi cánh đồng - Ảnh 3.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đang triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, với kỳ vọng tạo ra nhiều sự thay đổi cho nông dân. Ảnh: BLA.

Bộ Nông nghiệp và PTNT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp với 5 chương trình lớn với mục tiêu tạo dựng hình ảnh người nông dân thế hệ mới. Xin Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, hai bên sẽ ưu tiên những giải pháp gì trong chương trình hợp tác?

- Tôi đã nhiều lần thảo luận với đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc phối hợp giữa hai đơn vị để nâng cao năng lực cho nông dân.

Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nêu một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là phải nâng cao năng lực của nông dân. Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn. Mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.

Mới đây nhất, ngày 20/12, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 46-NQ/TW về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, trong đó có nêu rõ, các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban Đảng, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hoá sát với thực tiễn địa phương, đơn vị và tổ chức thực hiện có hiệu quả. 

Đây chính là cơ sở để Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng chương trình, kế hoạch để hợp tác, phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam nhiều hơn trong quá trình trí thức hóa nông dân, giúp bà con nông dân tiếp cận các kỹ thuật sản xuất mới; nâng cao năng lực của các chi hội trưởng, tổ hợp tác, hợp tác xã theo tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy thị trường.

Hội Nông dân Việt Nam với lợi thế có hệ thống "chân rết" đến tận cơ sở, đội ngũ cán bộ chi hội nông dân lại là những người hiểu tâm tư, nguyện vọng của nông dân nhất sẽ giúp việc truyền tải kiến thức, kỹ thuật sản xuất hiệu quả hơn bởi muốn nông nghiệp thay đổi thì người nông dân phải thay đổi.

Tôi cho rằng, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân Việt Nam cùng phối hợp để thúc đẩy nông dân tích hợp đa giá trị ở kinh tế nông thôn, làm nông nghiệp không chỉ bán sản phẩm mà còn phục vụ du lịch, tạo ra sản phẩm OCOP. Hiện, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, mọi thứ của cây lúa, từ rơm rạ, trấu, hạt gạo đều tạo ra giá trị gia tăng.

Tôi rất ấn tượng với mô hình lúa – rươi - cáy bà con nông dân ở Tứ Kỳ (Hải Dương), Hải Phòng đang thực hiện, cũng như mô hình tôm – lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, giá trị từ bán rươi cao hơn nhiều lần trồng lúa nhưng nếu không có lúa thì không thể có rươi. Có thể thấy, một mảnh ruộng mà tạo ra đa tầng giá trị.

Nhiệm vụ của các ngành chức năng, các đoàn thể, trong đó có Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân Việt Nam là kích hoạt tư duy sản xuất xanh của nông dân, bởi người tiêu dùng có xu thế mua cách bà con tạo ra sản phẩm, mua sản phẩm nhưng còn tính đến những yếu tố tác động đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, biến đổi khí hậu.

Có một câu nói rất hay như thế này: "Mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi còn khó khăn hơn nữa" và "Chúng ta cân nhắc cái giá phải trả nhưng ít khi cân nhắc cái giá phải trả khi không chịu thay đổi", do vậy, cả Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân Việt Nam phải cùng bắt tay để tạo ra sự thay đổi từ chính những cánh đồng.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem