Ngư dân ở Bích Đầm, tỉnh Khánh Hòa kiến nghị gì với Bộ trưởng Lê Minh Hoan khi được đối thoại?

Bình Minh - Công Tâm Thứ sáu, ngày 08/12/2023 20:29 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, bà con vẫn chỉ suy nghĩ và tập trung khai thác con cá, con tôm dưới biển, nhưng thực tế ngư trường đang dần cạn kiệt, môi trường không thể tái tạo… Việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản không chỉ bảo vệ ngành nghề mà còn là bảo vệ chính mình và thế hệ tương lai.
Bình luận 0

Sáng 8/12, đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đã đến đảo Bích Đầm, nằm trên vịnh Nha Trang (Khánh Hòa). Tham gia đoàn công tác còn có đại diện Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Tài trợ Nhỏ (UNDP/GEF-SGP), Sáng kiến Tài chính Đa dạng sinh học (BIOFIN) và lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa.

Tại đảo Bích Đầm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã đi thăm tàu cá của ngư dân, nơi neo đậu và tránh trú bão, tìm hiểu công việc và cuộc sống của bà con ngư dân… Tiếp đó, tư lệnh ngành Nông nghiệp đã đối thoại ‘đầu bờ’ với ngư dân trên đảo.

Ngư dân ở Bích Đầm (Khánh Hòa) kiến nghị gì với Bộ trưởng Lê Minh Hoan khi được đối thoại?  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan trò chuyện, thăm hỏi đời sống người dân đảo Bích Đầm. Ảnh: C.Đan

Tại buổi đối thoại, người dân kiến nghị một số vấn đề về hiện trạng trên đảo Bích Đầm, như tình trạng thiếu điện, nước sinh hoạt và tàu cứu thương…

Ông Nguyễn Hoà, Tổ trưởng Tổ dân phố phố Bích Đầm, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà kiến nghị: “Bích Đầm là làng chài ven biển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn do thiếu điện lưới quốc gia. Tôi kiến nghị Nhà nước sớm cấp điện cho người dân. Mặc khác, để nghề cá phát triển sinh kế bền vững thì chưa đủ, dựa trên giá trị văn hoá địa phương liên quan đến nghề cá, tôi mong đình làng Bích Đầm - nơi diễn các lễ cúng đi biển cần sớm được trùng tu, vì hiện đã xuống cấp.”

Đối thoại với cộng đồng ngư dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển bền vững ngành nghề thuỷ sản. Đây là nghề không chỉ đơn thuần vì lợi ích kinh tế mà còn là sự tiếp nối giữ gìn văn hóa, truyền thống của cộng đồng ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bộ trưởng cũng đề cập đến sự thay đổi trong ngành thủy sản của nước ta, từ việc chỉ tập trung vào đánh bắt và nuôi trồng nay đã chuyển sang một hướng tiếp cận toàn diện hơn; trong đó, vừa đánh bắt vừa bảo tồn theo các hình thức đa dạng, phong phú, trọng tâm có hiệu quả với việc thu hút du lịch vào việc bảo tồn nghề cá.

Trước việc bà con suy nghĩ bây giờ đánh bắt thủy sản khó khăn, nên muốn đi xa bờ để đánh bắt được nhiều hơn. Bộ trưởng cho rằng, bà con vẫn chỉ suy nghĩ và tập trung khai thác con cá, con tôm dưới biển đôi khi còn tranh nhau, xích mích nhau ngoài biển vì ai cũng có thể đánh bắt được. Nhưng thực tế ngư trường đang dần cạn kiệt, môi trường không thể tái tạo…

"Việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản không chỉ là bảo vệ ngành nghề mà còn là bảo vệ chính mình và thế hệ tương lai", Bộ trưởng cũng chỉ ra những thách thức hiện tại, như việc ngư dân đối mặt với sự khó khăn về sự cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, ông kêu gọi sự thay đổi trong tư duy và hành động, từ việc chỉ chú trọng đánh bắt sang việc bảo tồn và phát triển bền vững.

“Tôi tin rằng, tất cả chúng ta cùng “chung tay”, đảm bảo chính quyền, ngư dân, người dân và các tổ chức quốc tế cùng thực hiện các chương trình đánh bắt, bảo tồn ngành nghề thuỷ sản bền vững thì nghề này sẽ đem đến cuộc sống ổn định cho chính người dân và môi trường thuỷ sản”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Ngư dân ở Bích Đầm (Khánh Hòa) kiến nghị gì với Bộ trưởng Lê Minh Hoan khi được đối thoại?  - Ảnh 2.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đồng quản lý thúc đẩy tự chủ và đóng góp tích cực của cộng đồng người làm nghề cá trong công tác bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Báo Khánh Hòa

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cùng Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đã đối thoại với cộng đồng ngư dân với chủ đề: "Thúc đẩy đồng quản lý vì ngành thủy sản bền vững và có trách nhiệm". Cùng dự có ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam. 

Ngoài ra, có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản ở Trung ương và địa phương; các viện, trường nghiên cứu về lĩnh vực thủy sản; các hội, hiệp hội nghiên cứu về nuôi trồng thủy sản; cộng đồng doanh nghiệp, ngư dân các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên,...

Tại buổi đối thoại, ông Đinh Văn Thiệu  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm 2023, với sự hỗ trợ của Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng Khánh Hòa cũng đã thực hiện việc công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu bảo vệ hệ sinh thái Rạn Trào, xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh). Đây là mô hình đồng quản lý đầu tiên của Khánh Hòa được công nhận và giao quyền quản lý theo đúng Luật Thủy sản năm 2017.

Tiến sỹ Trần Minh Hải (Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn) đã trình bày mô hình quản lý cảng tại Nhật Bản và bài học cho Việt Nam. Một số ngư dân và chuyên gia đã chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn khi tham gia mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như chủ trương, cơ chế của Bộ NNPTNT trong việc quan tâm bảo vệ nguồn lợi thủy sản gần bờ.

Ông Đồng Văn Triển, Chủ tịch Hội cộng đồng ngư dân quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) hỏi: "Chúng tôi là ngư dân tham gia cộng đồng. Tuy nhiên, năng lực về quản lý, tổ chức cộng đồng còn yếu. Đề nghị Bộ trưởng có cách nào hỗ trợ cho chúng tôi được học tập nâng cao nâng lực về quản lý, điều hành hội?".

Trả lời câu hỏi của các ngư dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đồng quản lý nhằm thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng ngư dân địa phương trong công tác quản lý, giám sát và bảo vệ các khu vực biển được giao quyền khai thác, sử dụng để nâng cao chất lượng nguồn lợi thủy sản và đời sống người dân. 

Đồng quản lý thúc đẩy tự chủ và đóng góp tích cực của cộng đồng người làm nghề cá trong công tác bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản. Đồng quản lý góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân địa phương trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa; tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản là giải pháp hữu hiệu, giảm xung đột lợi ích trong cộng đồng và giúp đưa ngành thủy sản phát triển một cách bền vững.






Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem