Quốc hội yêu cầu thanh tra, kiểm toán chuyên sâu việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực chống dịch Covid-19

PVCT Thứ bảy, ngày 13/11/2021 11:22 AM (GMT+7)
Quốc hội yêu cầu trong năm 2022, tổ chức thanh tra, kiểm toán chuyên sâu về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.
Bình luận 0

Sáng 13/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết Về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Nghị quyết nêu rõ: Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trí tuệ và trách nhiệm cao, với tinh thần luôn luôn đổi mới, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV.

Quốc hội yêu cầu thanh tra, kiểm toán chuyên sâu việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội

Các ĐBQH đã tập trung chất vấn đối với những vấn đề trọng tâm trong các lĩnh vực y tế, lao động, thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo, kế hoạch và đầu tư, là các vấn đề được cử tri và Nhân dân cả nước đang rất quan tâm. Các Bộ trưởng được phân công trả lời đúng trọng tâm, rõ ràng, đầy đủ các vấn đề được đại biểu Quốc hội chất vấn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, trưởng ngành đã tham gia giải trình, làm rõ thêm nội dung đại biểu quan tâm.

Quốc hội yêu cầu thanh tra, kiểm toán chuyên sâu việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Quốc hội yêu cầu thanh tra, kiểm toán chuyên sâu việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực chống dịch Covid-19. Ảnh: Bộ trưởng Y té Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội

Năm 2022, sớm xem xét cấp phép sản xuất cho vắc xin trong nước

Đối với lĩnh vực y tế, Quốc hội yêu cầu tổng kết việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trong các đợt dịch vừa qua để xây dựng chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới. Trước ngày 01/01/2022, ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19.

Đầu năm 2022, phấn đấu hoàn thành tỷ lệ tiêm chủng đủ liều vắc xin bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100%, ưu tiên sớm tiêm vắc xin cho người trên 50 tuổi (trừ đối tượng thuộc diện chống chỉ định tiêm vắc xin); nghiên cứu chuẩn bị kỹ lưỡng tiêm vắc xin cho trẻ dưới 18 tuổi; triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba. Trong năm 2022, sớm xem xét cấp phép sản xuất cho vắc xin trong nước và đưa vào sử dụng, tiến tới tự chủ nguồn vắc xin.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế được thực hiện nghiêm minh; chủ động kiểm tra, giám sát đối với việc triển khai xét nghiệm Covid-19 bảo đảm đúng quy định về giá của các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Trong năm 2022, tổ chức thanh tra, kiểm toán chuyên sâu về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.

Quốc hội yêu cầu thanh tra, kiểm toán chuyên sâu việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực chống dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội

Xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức sai phạm trong hoạt động từ thiện

Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Quốc hội yêu cầu đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, bảo đảm thuận lợi, chính xác, nhanh chóng. Rà soát, nghiên cứu để có đề xuất hỗ trợ kịp thời đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng theo quy định đã ban hành, quan tâm nhóm đối tượng yếu thế. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách.

Khẩn trương đánh giá, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp tổng thể để phục hồi, phát triển thị trường lao động trong nước. Trong năm 2021, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động và an sinh xã hội phù hợp với tổng thể Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, đặc biệt quan tâm việc phân bố lại dân cư và lao động trên phạm vi toàn quốc, việc đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng nghề, vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động, chính sách đối với lao động nữ, lao động khu vực phi chính thức và các đối tượng dễ bị tổn thương, bảo đảm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Xây dựng phương án hiệu quả khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động di chuyển tự phát khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương, nhất là các địa phương có người lao động hồi hương; có giải pháp "giữ chân" và "thu hút" lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Quốc hội cũng yêu cầu rà soát, ban hành chính sách bảo trợ đối với trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, bảo đảm trẻ em có nơi nương tựa, không bị bỏ rơi. Tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt quan tâm phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác trợ giúp xã hội và công tác thiện nguyện bảo đảm công khai, minh bạch. Khẩn trương làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm trong thời gian qua; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có sai phạm trong việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và quản lý vận động, tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, các hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi hỗ trợ từ thiện, trục lợi.

Quốc hội yêu cầu thanh tra, kiểm toán chuyên sâu việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực chống dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Quốc hội yêu cầu rà soát, đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến. Ảnh: Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội

Rà soát, đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Quốc hội yêu cầu đầu năm 2022, tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, nhất là học sinh tiểu học; có giải pháp bảo đảm chất lượng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi trở lại trường học. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, sớm triển khai chương trình tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19 cho học sinh; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trường học, hệ thống y tế trường học; xây dựng chiến lược, lộ trình, phương án cụ thể cho học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trung.

Quốc hội yêu cầu thanh tra, kiểm toán chuyên sâu việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực chống dịch Covid-19 - Ảnh 6.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội.

Tiếp tục rút kinh nghiệm tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021, hoàn thiện phương án tổ chức thi cho năm 2022 bảo đảm an toàn, chất lượng, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Quốc hội yêu cầu khẩn trương xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trình Quốc hội xem xét, quyết định. Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và có các giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu, có biện pháp quyết liệt trong việc chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn, giải ngân kế toán và quyết toán vốn đầu tư.

Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất bố trí vốn sát với khả năng thực hiện, khả năng giải ngân; kịp thời điều chuyển vốn không có khả năng giải ngân và giải ngân chậm cho những dự án có tỷ lệ đã giải ngân cao để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Năm 2021, phấn đấu phân bổ và giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt 90% dự toán Quốc hội giao; năm 2022, phân bổ và giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt 100% dự toán Quốc hội giao. Chậm nhất là 31/12/2022, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem