Bộ trưởng NNPTNT lên tiếng việc EC kéo dài thời gian phạt "thẻ vàng” với thủy sản

Đình Thắng Thứ năm, ngày 28/06/2018 15:40 PM (GMT+7)
Theo kết quả ban đầu, dự kiến tháng 1/2019 tới, EC sẽ quay lại Việt Nam để xem xét lại việc khắc phục "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác thủy sản.
Bình luận 0

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 6 tháng triển khai các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” của EC đối với hoạt động khai thác thuỷ sản của Việt Nam, chúng ta đã tập trung triển khai nhiều giải pháp như hoàn thiện văn bản pháp luật, 9 khuyến nghị của EC đã được đưa vào Luật Thuỷ sản.

img

Theo kết quả ban đầu, dự kiến tháng 1.2019 tới, EC sẽ quay lại Việt Nam để xem xét lại việc khắc phục "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác thủy sản. Ảnh: IT

Bên cạnh đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết định tập trung chỉ đạo đồng bộ, 28 địa phương ven biển, ngư dân... cũng đã vào cuộc quyết liệt.

Tuy nhiên, 6 tháng không phải là khoảng thời gian đủ nhiều để chúng ta xoay chuyển được tình thế từ một nghề cá nhân dân sang nghề cá khai thác có trách nhiệm và phát triển bền vững. Thực tế, cũng không có nước nào gỡ được thẻ vàng sau 1-2 năm nhưng không vì thế mà ỷ lại, chúng ta cần phải cố gắng hơn.

Bộ trưởng cho biết, sau đợt kiểm tra của phái đoàn EC vừa qua, EC đã ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam.

Tuy nhiên, EC đã chỉ ra một số vấn đề cần khắc phục như trang thiết bị trên tàu cá, không vi phạm hải phận nước ngoài. Tiếp đến là thay đổi tập quán đánh bắt khai thác tự nhiên sang khai thác có trách nhiệm từ việc khai báo, ghi sổ sách, ngư trường, bất cập về cơ sở hạ tầng từ bến cảng, khu neo đậu... cần phải quyết liệt hơn nữa. Với số lượng 133.000 tàu cá hiện có, để giải quyết được vấn đề không phải là việc đơn giản.

Bộ NNPTNT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tới đây sẽ tiếp tục ban hành những văn bản, nhất là các chương trình hành động để các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn, trách nhiệm của ngư dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải rõ hơn thì mới sớm mong muốn EC gỡ thẻ vàng.

Cũng theo Bộ trưởng, việc EC tiếp tục xem xét thẻ vàng với Việt Nam trước mắt sẽ không lo ngại đến thị phần xuất khẩu thuỷ sản, bởi chúng ta đang có rất nhiều thị trường, nhưng chúng ta phải phấn đấu để có một nghề cá bền vững, có trách nhiệm.

“Đây là mục tiêu cao cả, xa hơn của Việt Nam, chúng ta phải tự phấn đấu để đạt mục tiêu đó, chứ không phải từ việc EC rút thẻ vàng. Chúng ta không thể để ngư dân khai thác một cách không bền vững, một nghề mà hiệu quả không cao, đầy rẫy rủi ro”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần phải tái cơ cấu ngành thuỷ sản, một mặt phải tổ chức lại sản xuất, quan trọng hơn là đi sâu vào chế biến để chuỗi giá trị mang lại nhiều hơn. Cùng với đó, sẽ tập trung tổ chức nuôi xa, đây mới là giải pháp bền vững, tập trung tái cơ cấu lại việc làm trên bờ, chứ không phải cứ nhăm nhăm chỉ ra khơi khai thác tài nguyên. Xây dựng một nghề khai thác biển, rộng hơn là kinh tế biển một cách bền vững, đúng tiềm năng lợi thế của Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 23/10/2017, EC đã rút "thẻ vàng" đối với thuỷ sản khai thác của Việt Nam và đưa ra 9 khuyến nghị Việt Nam cần khắc phục trong thời gian 6 tháng (đến ngày 23/4/2018).  Sau thời hạn đó, EC sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá việc khắc phục 9 khuyến nghị và xem xét gỡ "thẻ vàng" cho thuỷ sản Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem