Bộ trưởng Nội vụ: "Mức chi cho bộ máy hành chính của Hà Nội vẫn còn cao"
Bộ trưởng Nội vụ: "Mức chi cho bộ máy hành chính của Hà Nội vẫn còn cao"
Hoàng Thành
Thứ hai, ngày 20/12/2021 18:30 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, mức chi cho bộ máy hành chính của Hà Nội vẫn còn cao. Do đó, Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện những chỉ thị, nghị quyết của T.Ư về tinh giản bộ máy, coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục.
Ngày 20/12, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trung ương về Quản lý biên chế do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm Trưởng đoàn đã khảo sát và làm việc với TP.Hà Nội.
Hà Nội kiến nghị không tính lĩnh vực giáo dục vào tỷ lệ phải tinh giản biên chế năm 2021
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Minh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ để làm cơ sở giảm biên chế hưởng lương ngân sách, đây được coi là giải pháp căn bản, mấu chốt, trọng tâm trong thực hiện tinh giản biên chế.
Cùng đó, tập trung rà soát, sắp xếp lại các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cả khối Đảng, đoàn thể và khối chính quyền. Đến nay, Hà Nội đã giảm 54 phòng và tương đương thuộc các sở, ban, ngành; giảm 267 đơn vị sự nghiệp công lập.
Trên cơ sở đó, Hà Nội đã giảm 17.751 biên chế công chức, viên chức, lao động hợp đồng, cán bộ công chức cấp xã so với năm 2015 (165.494 người), tương ứng giảm 10,7%. Như vậy, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu giảm 10% theo yêu cầu tại Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về "Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức".
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, Hà Nội đã triển khai nghiêm túc, bài bản các nghị quyết của T.Ư về công tác cán bộ qua từng giai đoạn.
Qua 2 đợt sắp xếp, tinh giản bộ máy cán bộ theo hướng dẫn của T.Ư từ năm 2015 đến nay, Hà Nội đã sắp xếp các phòng, ban trực thuộc theo hướng đồng bộ không chồng chéo, các dịch vụ công của TP được chuyển sang hình thức đặt hàng…
Nhấn mạnh Hà Nội là Thủ đô của cả nước với áp lực gia tăng dân số hằng năm rất lớn, bà Tuyến kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 là 10% không bao gồm lĩnh vực giáo dục để bảo đảm thực hiện tốt an sinh xã hội, do Hà Nội có mức độ đô thị hóa lớn, hằng năm đều phải tăng trường, tăng lớp, tăng học sinh…
Trong khi đó, giai đoạn 2016-2021, Hà Nội đã giảm 3.692 biên chế viên chức hàng năm, gồm cả tỷ lệ giảm lĩnh vực giáo dục.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Bộ Nội vụ giao tổng biên chế cho Hà Nội để phân bổ cho từng quận, huyện, thị xã và phù hợp với đặc điểm thực tế của từng địa phương của Thủ đô.
Mức chi cho bộ máy hành chính của Hà Nội vẫn còn cao
Kết luận buổi khảo sát, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy Hà Nội trong việc rà soát, tổ chức bộ máy biên chế đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm và toàn diện. Hơn nữa, Thủ đô Hà Nội còn gắn việc tinh giản biên chế với việc nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, viên chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị…
Dù vậy, bà Trà cũng cho rằng, mức chi cho bộ máy hành chính của Hà Nội vẫn còn cao. Do đó, Hà Nội cần quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện những chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về tinh giản bộ máy, coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ mong muốn Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu để giảm số người hưởng lương từ ngân sách song hành với thực hiện tinh giản biên chế để bảo đảm đội ngũ viên chức có năng lực, trình độ chuyên môn theo đúng tinh thần của Luật Thủ đô và phù hợp với đặc thù phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.