"Tôi sinh ngày 22/3/1970, là nữ giáo viên tiểu học tại Hà Nội. Tôi có tham gia đóng BHXH từ tháng 9/1989. Đến tháng 3/2022 tôi muốn xin nghỉ hưu theo diện tinh giản biên chế theo NĐ108 của CP & NĐ 113 sửa đổi NĐ 108.
Trong trường hợp của tôi có thể xin nghỉ hưu trước tuổi theo diện tinh giản biên chế không? Nếu được, khi nghỉ hưu tôi sẽ được hưởng các chế độ gì, và phần trăm lương hưu được nhận từ BHXH là bao nhiêu?"
Trao đổi với Dân Việt về câu hỏi nghỉ hưu trước tuổi theo diện tinh giản biên chế năm 2022 của bạn đọc tranyen...@ gmail.com, luật sư Nguyễn Thị Huế - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết:
Trước hết, cần phải hiểu tinh giản biên chế là việc đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế (theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 108/2014/NĐ-CP).
Như vậy, việc tinh giản biên chế phải dựa trên nhu cầu thực tiễn của cơ quan nơi bạn công tác, không phải cứ muốn là có thể tự xin vào diện tinh giản biên chế được.
Các trường hợp tinh giản biên chế được quy định tại Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP.
"Như vậy, nếu bạn không thuộc các trường hợp tinh giản biên chế thì sẽ không thể tự mình xin vào được mà phải do cơ quan, tổ chức sắp xếp" - Luật sư cho hay.
Trường hợp được nghỉ hưu trước tuổi năm 2022?
Bộ luật Lao động quy định, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động quy định về trường hợp được nghỉ hưu trước tuổi như sau:
"Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".
Nghỉ hưu trước tuổi trong điều kiện lao động bình thường của người lao động theo khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động được hướng dẫn cụ thể tại Điều 5 Nghị định 135/2020/NĐ-CP.
Theo đó, người lao động thuộc các trường hợp sau sẽ được nghỉ hưu trước tuổi vào năm 2022.
Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc quy định tại điểm a và thời gian làm việc ở vùng quy định tại điểm b khoản này từ đủ 15 năm trở lên.
Lưu ý, người lao động thuộc các trường hợp trên có thể nghỉ hưu trước tuổi vào năm 2022 nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.