Bộ trưởng Thăng: “Sáng ăn phở Hà Nội, tối cà phê TP.HCM”

Hải Phong Thứ tư, ngày 19/11/2014 15:23 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Đinh La Thăng tỏ ra khá lạc quan khi nói về chiến lược phát triển giao thông vận tải tầm nhìn đến 2020. Theo đó, một đường sắt khổ đôi 1,435m sẽ được xây dựng với tốc độ tàu từ 100- 120km/h, để có thể sáng ăn phở ở Hà Nội, tối uống cà phê ở TP.HCM. 
Bình luận 0

Khẳng định với đại biểu (ĐB) Quốc hội và cử tri ngay tại phiên chất vấn chiều 18.11 rằng “những gì tôi hứa tôi sẽ thực hiện”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã có một buổi trả lời khá gãy gọn, tạo được niềm tin cho nhiều người. 

Cần hơn 2.000 tỷ đồng để làm hết cầu treo

Quan tâm tới thực trạng hạ tầng giao thông nông thôn và hệ thống cầu treo ở vùng sâu, vùng miền núi và dân tộc, ĐB Ngô Văn Hùng (Lào Cai) đã đề nghị Bộ trưởng Thăng đánh giá về tình hình nâng cấp hạ tầng giao thông nông thôn và nêu câu hỏi: Tới hết năm 2015, sẽ có bao nhiêu cầu treo được đưa vào sử dụng?

img

 

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ: Thời gian qua, bộ mặt giao thông nông thôn đã có những thay đổi rất tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, là yếu tố quan trọng giúp các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. “Đầu tiên là do sự đóng góp ủng hộ của người dân, có nhiều người nhường đất làm đường, nhiều người dân ở Thái Bình ủng hộ tới vài trăm triệu đồng để làm đường dù hoàn cảnh không dư dả gì” - Bộ trưởng đánh giá và khẳng định thêm: Để hoàn thành toàn bộ hệ thống giao thông nông thôn rất cần sự chỉ đạo quyết liệt ở các địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Quan điểm
img
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam)
 Có phải suất đầu tư một 1km đường cao tốc ở Việt Nam là rất cao, thậm chí cao nhất thế giới không?”. 
Về thực trạng cầu treo thiếu và yếu ở vùng sâu, vùng xa, Bộ trưởng chia sẻ nỗi khó khăn của người dân ở những nơi họ phải đu dây hoặc chui túi nylon để qua sông. Ông Thăng cho biết: Bộ đã chủ động xây dựng đề án xây dựng cầu treo dân sinh cho 50 tỉnh trong cả nước, hiện đang hoàn thiện và báo cáo Chính phủ. Theo đó, hiện có hơn 7.800 cây cầu treo cần làm ở tất cả các địa phương, Bộ đã cho rà soát cụ thể để có lộ trình đầu tư. Ước tính tổng kinh phí để làm là hơn 2.000 tỷ đồng. “Chính phủ đã cho phép đầu tư trước 186 cây cầu treo từ ngân sách nhà nước, đến 6.2015 sẽ hoàn thành xong số này. Số cầu còn lại, ngoài tiền từ ngân sách địa phương, Bộ cũng đang kêu gọi các nhà tài trợ như WB, JICA cho vay, huy động các tổ chức, các nhà hảo tâm, sử dụng vốn dư từ các dự án đầu tư hạ tầng giao thông như từ Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để làm cầu treo. Bộ coi đây là một chương trình quốc gia, trong 3 năm tới sẽ thực hiện dứt điểm toàn bộ chỗ còn lại” - ông Thăng khẳng định.

 

“Sáng ăn phở Hà Nội, tối cà phê TP.HCM”

Quan điểm
img
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng
 Dù mọi so sánh đều chỉ là tương đối, nhưng xin khẳng định: Suất đầu tư 1km đường cao tốc ở Việt Nam bằng Trung Quốc, thấp hơn Hàn Quốc và thấp hơn nhiều so với Nhật Bản. 
Trước câu hỏi của ĐB Trương Thị Ánh (TP.HCM) về các giải pháp phòng chống tham nhũng trong ngành, Bộ trưởng Thăng cho biết Bộ luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. “Là ngành sử dụng vốn đầu tư nhiều nhất nên chúng tôi coi việc chống tham nhũng rất quan trọng. Bộ đã triển khai những giải pháp cụ thể như xác định trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện công khai minh bạch tất cả mọi hoạt động của ngành: Từ công tác cán bộ, chủ trương đầu tư phân bổ vốn, đấu thầu, chọn nhà thầu, tư vấn, giám sát thiết kế...; cụ thể hóa văn bản pháp luật bằng những quy định chi ttết, xếp hạng các chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng, xếp loại A, B, C để đưa vào tham gia dự án. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cả trong ngành. Và đặc biệt là coi trọng công tác cán bộ: Tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo: Tổng cục trưởng, cục trưởng, vụ trưởng... với những người tham dự đảm bảo năng lực, phẩm chất đạo đức, có tinh thần chống tham nhũng quyết liệt” - Bộ trưởng Thăng chia sẻ.

Các ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) và Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cùng quan tâm tới chất lượng đường sắt Bắc Nam. ĐB Lịch thì nhắc lại với Bộ trưởng Thăng: Cuối năm 2011, tôi có đề xuất với Bộ trưởng chúng ta cần một đôi đường sắt khổ 1,435m, chạy Hà Nội – TP.HCM khoảng 10 tiếng, hoàn thành năm 2015 để kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Bộ trưởng đã hứa sẽ xem xét không biết tới nay Bộ trưởng còn nhớ không?... ĐB Phùng Văn Hùng còn tỏ ra lo lắng: Tôi chỉ sợ tới một ngày nào đó khách đi đường sắt sẽ không còn nữa vì tàu đi chậm và dịch vụ kém quá...

Bộ trưởng Thăng tỏ ra khá lạc quan khi cho biết: Bộ đang triển khai chiến lược phát triển giao thông vận tải tầm nhìn đến 2020. Với đường sắt, hiện Bộ đã trình Chính phủ và Bộ TNMT đang đánh giá tác động môi trường của dự án này. Đường sắt Bắc Nam cũ sẽ được hiện đại hóa, nắn thẳng những khúc quanh để tăng tốc độ lên 80- 90km/h. “Ngoài ra, sẽ xây dựng một đường sắt khổ đôi 1,435m ở vị trí mới với tốc độ tàu từ 100- 120km/h, để có thể sáng ăn phở ở Hà Nội, tối uống cà phê ở TP.HCM. Sẽ chọn đầu tư theo tuyến, ưu tiên các tuyến Hà Nội – Vinh, TP.HCM – Nha Trang trước”- ông Thăng cho hay.

   Về suất đầu tư dự án, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Việc so sánh chỉ là tương đối vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng thực tế ta có những dự án có suất đầu tư thấp hơn các nước trong khu vực, như đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên chỉ khoảng 4,19 triệu USD/km, Hà Nội - Lào Cai 6,9 triệu USD/km. Nhưng dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành suất đầu tư lên tới 25,8 triệu USD/km vì có nhiều cầu. Hay như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ dài 106km mà phải làm tới 107 hầm giao thông dân sinh, 22 cầu vượt, 10 nút giao mà mỗi nút mất từ 800 - 1.000 tỷ đồng, khiến suất đầu tư đội lên rất cao.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội): Chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời rõ ràng, gãy gọn, nắm rõ các số liệu. Bộ trưởng có nói “hứa thì sẽ làm”, điều này khiến cử tri có niềm tin và ĐB cũng tin bộ trưởng nói là làm. Với Bộ trưởng Bộ Công Thương, có lẽ do quản lý nhiều mảng nên một số vấn đề nắm chưa chắc như việc chống hàng giả, hàng lậu, an toàn thực phẩm; tổ chức thị trường… nên vẫn chưa giải quyết được các bất cập. 

Tôi chia sẻ với những khó khăn của Bộ trưởng Nội vụ, nhưng Bộ trưởng có quyền báo cáo lên trên những vấn đề vượt thẩm quyền của mình như việc lạm phát cấp phó. Về việc này, tôi cũng sẽ chất vấn Thủ tướng vì chuyện này tồn tại rất lâu, dân kêu rất nhiều. Cũng mong Bộ trưởng tới đây rà soát lại để có số liệu chính thức về cấp phó. Tôi cũng đề nghị phải minh bạch hóa, đăng công khai số lượng cấp phó trên phương tiện truyền thông để dân có thể giám sát.

ĐB Hồ Trọng Ngũ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh quốc phòng: Bộ trưởng Thăng có nhiều thuận lợi hơn


Các bộ trưởng trả lời cầu thị, đúng, trúng vấn đề cử tri nêu ra. So sánh giữa trả lời của các bộ trưởng là rất khó vì mỗi lĩnh vực tiếp cận là khác nhau. Lĩnh vực giao thông chẳng hạn, tính quyết đoán bộ trưởng khá lớn. Nhưng Bộ trưởng Thăng có thuận lợi hơn so với lĩnh vực quản lý cán bộ của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, vì quản lý cán bộ chồng chéo nhiều tầng, nhiều ngành, cấp. Nhìn từ số phiếu tín nhiệm, rõ ràng Bộ trưởng Thăng đã có rất nhiều cố gắng thời gian qua. Và thực tế, không chỉ tình hình tai nạn giao thông mà nhiều lĩnh vực khác của ngành đã cải thiện đáng kể.

Hải Phong (ghi)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem