Bộ trưởng Y tế: Quyết tâm giảm nằm ghép, nhưng...

Thứ hai, ngày 22/11/2010 17:10 PM (GMT+7)
Dân Việt - Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu nói về vấn đề ghép giường bệnh: Bộ Y tế trả lời quyết tâm nhưng nếu không được cấp đủ tiền thì không thể biết bao giờ...
Bình luận 0

>> Xem phần đầu nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu tại đây.

Bộ Y tế quyết tâm nhưng...

img
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu tại phiên trả lời chất vấn chiều 22-11. Ảnh: Sỹ Lực

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) hỏi: Nhiều vấn đề liên quan quản lý Nhà nước về giá thuốc chưa biết bao giờ được giải quyết. Thứ hai là việc thực hiện văn bản Nhà nước hiện hành có những cái chưa đúng với thực tế về tổ chức bộ máy, rất khó khăn, đề nghị Bộ trưởng cho biết đã tham mưu Chính phủ trong giải quyết khó khăn này như thế nào?

Đại biểu Võ Thị Dễ (Long An) nêu vấn đề: Hiện còn bao nhiêu trạm y tế trang thiết bị chưa đạt chuẩn, việc xử lý như thế nào và lộ trình đến năm 2015 sẽ đạt chuẩn để góp giảm tải tuyến trên? Vừa qua, lũ lụt miền Trung làm ảnh hưởng, hư hại nặng đến nhiều trạm y tế, biện pháp khắc phục như thế nào? Theo nhiều chuyên gia, ngành y tế đang bị ba điểm nghẽn tài chính, cơ sở vật chất và nhân lực, đâu là chìa khóa giải quyết ba điểm nghẽn?

Đại biểu Trần Thị Kim Phương (Hà Nội) hỏi: Bộ trưởng đã hứa giải quyết quá tải bệnh viện công nhưng lần này, Bộ đã thừa nhận tình trạng này, sắp mãn khoá và hết nhiệm kỳ, giảm tải còn trầm trọng hơn. Trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu trả lời: Về vấn đề giá thuốc, Bộ Y tế đã tập trung nhiều công sức. Nay giá tăng trung bình của 11 hàng thiết yếu năm 2009 là 8,6%. Giá thuốc chỉ tăng 3,2%. Sao một số thuốc tăng đột biến? Tổ công tác liên ngành thấy, khoảng 95% số thuốc của “thị trường hoàn hảo” - các doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh, kéo 5% còn lại xuống 3,2%. Còn lại 5% là thị trường ko hoàn hảo, chưa đủ sức cạnh tranh để khống chế giá.

Nước nào cũng có tình trạng này. Một năm bình quân thế giới phát minh 30% loại thuốc mới cứu người có giá trị đặc biệt. Nên 5% này là điều nhức nhối của nhiều quốc gia. Nhiều chuyên gia cho rằng, phải có cơ chế cho khu vực này. Chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo, làm việc, sẽ cố giảm bớt tình trạng này.

Về quản lý y tế trong ngành, Bộ trưởng nói: Bộ quản lý theo ngành dọc cho phù hợp để tiện luân phiên, luân chuyển. Sẽ xin thí điểm hết năm nay, Bộ Nội vụ và Y tế sẽ sơ kết và tìm các mô hình phù hợp với địa phương.

Nhiều nơi 100% ở địa bàn xã đã được khám chữa bệnh, nhiều nơi được y tế giúp đỡ, tuổi thọ người Việt cao hơn Thái Lan, Philippines, Malaysia… Chúng ta cần thấy thành quả trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Về câu hỏi của đại biểu Trần Kim Phương nói về lời hứa tại kỳ họp thứ hai là trong nhiệm kỳ này hứa chấm dứt nằm ghép, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu trả lời: Thực tế trong năm 2009 Bộ Y tế có công văn gửi cho hơn 200 báo, Bộ chưa bao giờ nói chấm dứt nằm ghép trong 2, 3 hay 4 năm. Nhưng có câu hỏi tại kỳ họp thứ hai đại biểu đoàn Khánh Hòa hỏi thì Bộ Y tế trả lời quyết tâm nhưng nếu không được cấp đủ tiền thì không thể biết bao giờ.

Nghĩa là Bộ quyết tâm giảm bao nhiêu đỡ khổ bấy nhiêu, nhưng không biết 2 năm hay 10 năm. Ví dụ bệnh viện Việt Đức chỉ cần một năm nhưng có nơi 7, 10 năm. Hôm nay phiên chất vấn được tường thuật trực tiếp trước toàn dân, tôi có thể nói Bộ quyết tâm để dân đỡ khổ, song 3 năm hay 10 năm Bộ chưa từng hứa.

Công nghiệp dược: Có một số tiến bộ nhất định

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) đặt câu hỏi: Cần tìm nguyên nhân vì sao công nghiệp sản xuất dược lệ thuộc vào nước ngoài, nước ta đông dân thứ 13 thế giới mà chưa làm ra gam kháng sinh, vitamin nào. Phần lớn dược phẩm được sản xuất nhờ lên men vi sinh vật. Kính mong Bộ trưởng ủng hộ một dự án sắp ký kết với Nhật Bản và Traphaco để tự sản xuất vitamin C nhờ vi sinh vật.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng cũng nêu vấn đề: Việc đưa bệnh viện lớn đưa ra khỏi thành phố lớn theo tôi là không hợp lý. Ta nên chia cho bệnh viện ngoại thành. Nếu đưa bệnh viện lớn ra, khó khăn cho bác sĩ giỏi không chỉ chữa cho một bệnh viện mà còn hỗ trợ các bệnh viện khác nữa.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nêu ba vấn đề: Thực tế đang thiếu bác sĩ trầm trọng. Nói rõ thêm, 15 năm trước thì dư, nhưng hiện nay, ví dụ như Thái Nguyên đã thiếu 280 bác sĩ. Đào tạo tăng nhưng phải chăng ko đáp ứng nổi nhu cầu? Đề nghị Bộ trưởng cho biết biện pháp?

Quy hoạch phát triển mạng lưới y tế dường như chưa rõ ràng, đầy đủ. Trong đó có vấn đề trung tâm y tế vùng, đây cũng là một nguyên nhân gây quá tải ở tuyến trên. Đề nghị cho biết ý kiến bổ sung quy hoạch mạng lưới y tế và thực hiện quy hoạch?

Nhiều khung chế độ chính sách với cán bộ nhân viên bất hợp lý, hợp tình.

Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) hỏi: Tình trạng bác sĩ kê đơn khó quản lý phổ biến ở bệnh viện tuyến tỉnh và T.Ư, Bộ trưởng đánh giá thế nào, giải pháp khắc phục ra sao? Về giá thuốc, có thông tin mỗi khi giá ngoại tệ biến động, các hãng dựa vào đó tăng trước kê khai sau, nhưng thực tế nó đã được mua bán và thanh toán trước khi có tình trạng giá tăng. Bộ trưởng cho biết tình trạng này có đúng không?

Trả lời đại biểu Nguyễn Lân Dũng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu nói: Về công nghiệp dược, 10 năm qua, sản lượng thuốc tăng năm lần nhưng hiện nay ta vẫn phải nhập 90% nguyên liệu. Tình trạng này cũng như Hoa Kỳ, châu Âu phải nhập trên 70%, ở Nga là 50%, Thái Lan là trên 95%.

Như nhiều nước sản xuất được máy bay mà không bán được, hoặc mua ô tô thì thường phải mua của một số nước nào đó có thế mạnh. Thế giới chỉ 20 nước sản xuất được nguyên liệu, hoạt chất, hoá dược, có thế mạnh cạnh tranh được.

Việt Nam có một số tiến bộ nhất định, sản xuất được kháng sinh dòng xyphalexin, tiêm chủng mở rộng và có kế hoạch xuất khẩu. Công nghiệp dược không đơn thân mà phải chung với hoá dược, sinh học.

Trả lời đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, về giải pháp đào tạo, năm 2010 đào tạo đại học tăng 1,7 lần, sau đại học 1,6 lần, cử tuyển tăng 8 lần, vài năm nữa, số bác sĩ này ra trường, tình trạng nhân lực y tế sẽ đỡ hơn.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Tiền lương trong y tế có điều chỉnh theo cải cách tiền lương, căn cứ lộ trình đất nước sẽ có bước đi nhanh. Thấp không phải chỉ ngành y tế mới thấp. Chúng tôi sẽ cùng Bộ Y tế điều chỉnh, sửa bất hợp lý.

Phần trả lời của Bộ trưởng Y tế được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá là "suôn sẻ, vui vẻ, nhưng chắc là không tầm phào".

"Ngành y tế rất cố gắng, trình độ chữa bệnh, phương tiện của chúng ta ngày càng nâng cao, so sánh với các nước quan khu vực ta có thể lạc quan. Tuy nhiên người nghèo khó có điều kiện chăm sóc sức khỏe, trong ngành đây đó có hiện tượng người dân không hài lòng về y đức của cán bộ y tế. Quan trọng là bộ trưởng đã thấy và có hướng khắc phục", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói.

Đúng 16h55, phiên chất vấn trực tiếp tại hội trường chiều 22-11 đã kết thúc. Ngày 23-11, Quốc hội sẽ tiếp tục phiên chất vấn trực tiếp với phần trả lời của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng GT-VT Hồ Nghĩa Dũng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem