Bộ VHTTDL đưa ra 4 giải pháp biến du lịch thành kinh tế mũi nhọn

Huy Hoàng Thứ sáu, ngày 01/11/2019 10:34 AM (GMT+7)
Để du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL, cần có 4 giải pháp, trong đó tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, đổi mới nhận thức, phát triển Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp; Đơn giản hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch...
Bình luận 0

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, phiên thảo luận ngày 31/10/2019 về kinh tế xã hội, ngân sách năm 2019 và kế hoạch năm 2020, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc. Tại phiên họp, 4 thành viên Chính phủ, gồm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình thêm các vấn đề đại biểu đặt câu hỏi, quan tâm.

img

Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời các đại biểu tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, phiên thảo luận ngày 31/10/2019. Ảnh: Quốc hội

Theo đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần quan tâm đến các yếu tố để đảm bảo sự phát triển về sức khỏe, văn hóa, xã hội. Trả lời về phát triển kinh tế xã hội, trong đó ngành văn hoá, du lịch được coi là vấn đề phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ Nguyễn Ngọc Thiện đưa ra giải pháp để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

“Hiện nay du lịch VN đang nằm ở đâu? Có thể nói rằng thời gian vừa qua ngành du lịch đã đạt được những kết quả quan trọng. Từ 2015-2018, khách quốc tế tăng gần 2 lần, từ 8 triệu lên 15,5 triệu và tốc độ tăng trưởng là 25,5%/năm, là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, và khách nội địa tăng 1,4 lần từ 57 triệu lên 80 triệu năm 2018, đóng góp 8,4% GDP. 

Trong 10 tháng đầu năm 2019 thì du lịch Việt Nam đón 14,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13% so với tăng trưởng 4% của du lịch toàn cầu và 5% của khu vực Đông Nam Á. 

Có thể nói rằng du lịch Việt Nam đạt được rất nhiều giải thưởng: giải thưởng du lịch hàng đầu Châu Á; điểm đến ẩm thực hàng đầu Châu Á; điểm đến văn hóa hàng đầu Châu Á; thành phố Hội An được bình chọn là thành phố hàng đầu Châu Á. Nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam như Vin Group, Sun Group, FLC, Viettravel, Saigon Tourist, Hanoi Tourist đã giành được rất nhiều giải thưởng danh giá của thế giới và Châu Á. 

Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện và trong 2 lần xếp hạng thì đã tăng lên được 12 bậc, hiện nay đứng thứ 63/140 nước. Các chỉ tiêu của du lịch Việt Nam như chiến lược phát triển du lịch VN thì có thể nói rằng đến năm 2020 đạt 10 triệu thì hiện nay dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi và năm 2019 sẽ cơ bản thực hiện được Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra”.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL, phát triển du lịch Việt Nam vẫn gặp rất nhiều, tồn tại hạn chế như chất lượng du lịch chưa cao, sản phẩm chưa phong phú và còn rất là nhiều hạn chế. 

“Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chúng tôi xin đề xuất các giải pháp: Trước hết là tiếp tục đổi mới nhận thức, phát triển du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đa ngành đa lĩnh vực, mang tính xã hội hóa cao. 

Hai là phải tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, phối hợp công tư, trung ương địa phương, ứng dụng công nghệ và đặc biệt là tăng nguồn kinh phí cho 2 chương trình du lịch hiện nay của chúng ta rất thấp, chỉ đạt được 54 tỷ (2,5 triệu USD) so với Thái Lan là khoảng 80 triệu USD. 

Tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tập trung đào tạo kỹ năng nghề cho lao động du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Đa dạng hóa thị trường du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết du lịch và đẩy mạnh xã hội hóa du lịch trong đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Trả lời tiếp về vấn đề văn hoá, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, lĩnh vực văn hoá luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo, đầu tư phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. 

Văn hoá từng bước trở thành nền tảng vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển văn hoá hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức, bất cập, nảy sinh nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết. 

“Giờ đây chúng ta nói nhiều đến việc xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng, lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ, tệ nạn, tội phạm xã hội… Rõ ràng rằng tất cả những cái đó đều là vấn đề của văn hoá, liên quan đến văn hoá và có nguyên nhân từ văn hoá.

Xây dựng văn hoá hay là sự phát triển con người chính là mục đích cuối cùng của mọi sự phát triển. 

Vì vậy, để văn hoá thực sự hướng tới sự phát triển bền vững cho đất nước, theo chúng tôi cần tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hoá; Xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng; Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo điều kiện để phát triển văn hoá, con người Việt Nam. Môi trường văn hoá lành mạnh thì gia đình, nhà trường và xã hội sẽ là nơi hình thành, nuôi dưỡng, vun đắp nhân cách, văn hóa và giáo dục lối sống cho con người để cái tốt, cái thiện được bảo vệ, nhân lên; cái xấu, cái ác bị lên án, loại trừ; Tăng cường xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế; Để văn hoá gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội phải quan tâm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đồng thời đầu tư cho văn hóa tinh hoa, tạo điều kiện cho cá nhân và cộng đồng được tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; Phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng đạo đức, văn hóa ứng xử; Phải tăng cường đầu tư xứng đáng cho văn hoá, tương xứng với vai trò của văn hoá, đặc biệt là nguồn nhân lực; Tăng cường hội nhập quốc tế về văn hoá, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời giới thiệu quảng bá văn hóa Việt Nam ra bạn bè thế giới. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem