Trước đó, các báo đã thông tin: “Ông Nguyễn Văn Việt, chánh thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết theo số liệu của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an, trong năm 2015 đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140kg salbutamol về VN. Trong đó, khoảng 3 tấn đang được lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp. Trên 6 tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định”
Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Hải Dương) – một cơ sở bị phát hiện trộn Salbutamol vào thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Thanh Xuân
“Các số liệu nêu trên là không chính xác. Theo báo cáo, năm 2015 các doanh nghiệp dược nhập về Việt Nam 5.215kg Salbutamol, năm 2014 nhập 3.876kg, (chứ không phải mỗi năm Bộ Y tế cho nhập 9.140kg salbutamol) và số liệu “chỉ 10kg được sử dụng đúng quy định” như thông tin đã đăng tải là hoàn toàn không có cơ sở” – đại diện Bộ Y tế cho biết.
Theo đại diện Bộ Y tế, salbutamol là hoạt chất được sử dụng làm thuốc điều trị các bệnh đường hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang. Nguyên liệu Salbutamol, thuốc chứa Salbutamol rất cần thiết cho công tác điều trị, được sử dụng trong ngành y tế, tuy nhiên chưa được đưa vào danh mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Vì vậy việc nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol làm thuốc được ngành y tế thực hiện theo Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010.
Theo quy định của Thông tư này trừ các chất phải kiểm soát đặc biệt (là các chất gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất và chất phóng xạ) thì các nguyên liệu làm thuốc khác (trong đó có Salbutamol) được xem xét số lượng nhập khẩu trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp sản xuất thuốc, nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc, với mục tiêu đảm bảo tính linh hoạt và chủ động trong sản xuất thuốc phục vụ nhu cầu chữa bệnh cho người dân.
Khi nhận được thông tin về chất Salbutamol bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi, Bộ Y tế đã tích cực kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng Salbutamol ở các doanh nghiệp dược mà Bộ Y tế nắm được. Kết quả, qua kiểm tra 10 cơ sở (trong tháng 12.2015), Bộ Y tế đã phát hiện 4 cơ sở vi phạm bán nguyên liệu Salbutamol cho các cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định. Bộ Y tế đã xử phạt, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc... của các cơ sở này.
Ngày 20.11.2015, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol. Đồng thời đề nghị đưa các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (như nguyên liệu Salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào danh mục "thuốc phải kiểm soát đặc biệt" trong dự thảo Luật Dược sửa đổi dự định trình Quốc hội để thông qua vào thời gian tới.
Bộ Y tế “tố”, năm 2014, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT về danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam, trong đó có Salbutamol. Tuy nhiên Bộ Y tế đã bị “phớt lờ”, không được tham khảo ý kiến cũng như không nhận được thông tin từ Bộ NN&PTNN khi ban hành để phối hợp quản lý.
Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn chưa thống kê được trong số hơn 9 tấn Salbutamol được nhập năm 2014, 2015 đã có bao nhiêu kg được sử dụng làm thuốc, bao nhiêu kg còn tồn kho. Do đó, câu hỏi về việc đã có bao nhiêu kg Salbutamol bị tuồn ra ngoài để “nuôi lợn” mà dư luận đang bức xúc vẫn chưa có lời đáp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.