Như Dân Việt đã thông tin, Sở TT&TT Thừa Thiên Huế đã hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bác sỹ Hoàng Công Truyện - Trung tâm Y tế huyện Phong Điền.
Buổi họp công bố việc hủy quyết định xử phạt đối với bác sỹ Hoàng Công Truyện chiều 23.10. Ảnh: An Sơn.
Lý do để hủy bỏ toàn bộ quyết định xử phạt là do hành vi đưa nội dung, kèm hình ảnh đăng tải lên mạng xã hội Facebook của ông Hoàng Công Truyện chưa đủ căn cứ để áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Có tác dụng “thúc đẩy”
Trước đó bác sỹ Hoàng Công Truyện đã bị xử phạt 5 triệu đồng sau khi đăng trên trang Facebook cá nhân nội dung “khuyên” bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nên nghỉ. Đồng thời “chê” Bộ trưởng không về cơ sở nên không biết nỗi khổ của y, bác sĩ tuyến dưới và yếu kém trong công tác tham mưu vấn đề an ninh ở bệnh viện.
Ngay sau đó, Bộ Y tế có công văn yêu cầu Sở Y tế Thừa Thiên Huế xác minh vụ việc. Kết quả, tháng 7.2017, bác sỹ Hoàng Công Truyện bị xử phạt vi phạm hành chính và bị Trung tâm Y tế huyện Phong Điền kỷ luật cảnh cáo.
Nếu không có công văn của Bộ Y tế yêu cầu xác minh, kiểm tra, làm rõ việc bác sỹ Hoàng Công Truyện đăng trên Facebook “nói xấu” Bộ trưởng Bộ Y tế, liệu các cơ quan chức năng có vào cuộc xử lý?
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty luật Minh Bạch cho rằng công văn của Bộ Y tế không phải là căn cứ để tiến hành xử lý vi phạm hành chính của bác sỹ Hoàng Công Truyện.
“Xử lý vi phạm hành chính phải căn cứ vào hành vi vi phạm hành chính. Hành vi vi phạm hành chính là xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước. Khi cơ quan nhà nước phát hiện ra thì có thể xử phạt chứ không cần công văn thúc giục của đơn vị nào cả” – luật sư Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch nhấn mạnh, cơ quan chức năng muốn xử phạt được người vi phạm thì phải có căn cứ.
Bác sỹ Hoàng Công Truyện (trái) cảm thấy được an ủi sau khi được xóa quyết định xử phạt. Ảnh: An Sơn.
Như trong trường hợp của bác sỹ Hoàng Công Truyện không đủ căn cứ để xử phạt, Sở TT&TT Thừa Thiên Huế đã phải hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành.
“Trong trường hợp cụ thể này, công văn của Bộ Y tế không phải là căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể tạo tác động thúc đẩy các cơ quan khác vào cuộc. Xã hội hiện nay không nên làm những việc như vậy. Đây là bài học của việc làm nóng vội gây bức xúc trong xã hội” – luật sư Tuấn Anh nhận định.
Không quy định thế nào là nói xấu
Theo quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới được Sở TT&TT Thừa Thiên Huế ban hành, bác sỹ Hoàng Công Truyện trước đó bị xử phạt căn cứ vào Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Cụ thể là: cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Luật sư Tuấn Anh phân tích: “Rõ ràng pháp luật quy định hành vi xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, không có quy định rõ ràng thế nào là nói xấu, thế nào là nói xúc phạm. Việc đưa ra căn cứ xử phạt đôi khi vẫn phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người ra quyết định”.
Theo luật sư, để xác định căn cứ vi phạm cần phải đặt trong ngữ cảnh không phải định kiến cá nhân, khi người ta đọc được hay nghe thấy có thể liên hệ đến ngay sự việc có tính chất vu khống, sai sự thật.
Còn trong câu chuyện của bác sỹ Hoàng Công Truyện, theo luật sư Tuấn Anh vị bác sỹ này nói về hiện trạng ngành y, đó là suy nghĩ cá nhân.
“Suy nghĩ trái chiều không phải là nói xấu, đáng ra là chúng ta phải tiếp thu để hoàn thiện hơn. Đáng ra cần phải kiểm tra xem xét hiện trạng có đúng như vậy không, nếu đúng còn phải biểu dương” – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.