Bóc ngắn cắn dài

Xuân Tuyến Thứ hai, ngày 27/10/2014 06:13 AM (GMT+7)
Chưa khi nào tại diễn đàn của cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân vấn đề thu chi tài chính rồi nợ nần lại được đặt ra gay gắt như hiện nay, từ các chính khách cho đến người dân thường không thể không cảm thấy sốt ruột và bất an.
Bình luận 0

Chuyện vay nợ là chuyện tất yếu của mỗi gia đình, mỗi quốc gia, nhưng lâu nay đất nước chúng ta đi vay về là chỉ để phục vụ cho chi tiêu thường xuyên, nói nôm na ra là để "ăn", còn tỷ lệ dành cho đầu tư không đáng là bao và cứ như vậy thành một vòng luẩn quẩn, đi vay để ăn, hết rồi lại đi vay, không trả được thì đảo nợ, phát hành trái phiếu và nợ mới chồng nợ cũ. Rồi căn bệnh thích to, thích hoành tráng, tỉnh nào, huyện nào cũng muốn trụ sở khang trang bề thế, bất chấp chỉ thị của Chính phủ là hạn chế tối đa việc xây mới trụ sở, nhưng vẫn có tới hơn 200 dự án xây mới trụ sở của tỉnh, của huyện với kinh phí hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng được trình. Chưa kể việc đầu tư theo phong trào, tỉnh nào cũng có nhà máy xi măng, rồi cảng biển nếu như có biển, đầu tư xây dựng bằng tiền đi vay, do Nhà nước bảo lãnh nhưng khi làm xong thì đắp chiếu hoặc hoạt động thua lỗ cũng không ai có trách nhiệm...

Nếu như chúng ta thực sự muốn ngăn chặn tình trạng trên thì có thể làm được chứ không có gì khó khăn phức tạp cả. Ví như chuyện xe công cho các đối tượng được hưởng chế độ đã được bàn thảo từ lâu nhưng không có cơ quan nào hưởng ứng, thực hiện đó là đưa tiền xăng xe vào lương cho các vị lãnh đạo từ cấp thứ trưởng trở xuống thôi thì đã có thể tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng rồi.

Rồi rất nhiều nguyên nhân khác nữa dẫn đến tình trạng ngân sách nhà nước vốn đã eo hẹp, thiếu trước hụt sau vì đầu tư dàn trải, sai mục đích hoặc dự báo không chính xác nhu cầu như công trình Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam với tổng kinh phí lên tới 3.200 tỷ đồng, hiện mới giải ngân được 1/3 chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành, và khi hoàn thành rồi thì có ai lên để mà thưởng lãm hay chỉ xuân thu nhị kỳ tổ chức mấy sự kiện phục vụ chính trị cũng bằng ngân sách nhà nước.

Đã đến lúc phải có kỷ luật sắt trong việc thu chi ngân sách, phải có những quy định, chế tài cụ thể đối với những hành vi lạm quyền, vượt quyền, hoặc "tiền trảm, hậu tấu" hoặc việc đã rồi, đẩy các cơ quan của Nhà nước, Chính phủ buộc phải đi theo để chữa cháy.

Hy vọng tại kỳ họp này, Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho người dân, sẽ bàn thảo và có những quyết sách quan trọng về quốc kế dân sinh, trong đó có chuyện chi tiêu ngân sách quốc gia cho nó ra tấm ra món, chấm dứt tình trạng bóc ngắn cắn dài, còn cứ để tình trạng như hiện nay thì Việt Nam cũng vẫn nổi tiếng nhưng là “nổi tiếng” vì đứng áp chót của các bảng xếp hạng thế giới về nhiều lĩnh vực, trong đó có chỉ số công khai ngân sách nằm trong tốp 30 quốc gia có chỉ số công khai ngân sách thấp nhất trong 100 quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem