Theo các hộ dân, tuyến ống dẫn xăng dầu chạy qua hàng nghìn mét vuông (bao gồm cả diện tích đảm bảo hành lang an toàn công trình) ruộng lúa của họ, nhưng chủ đầu tư và chính quyền địa phương không tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng mà chỉ làm thủ tục mượn đất, hỗ trợ với số tiền rẻ mạt là 11.000 đồng/m2 (gồm tiền mượn đất thi công dưới 1 năm là 8.000 đồng/m2, chi phí cải tạo đất sau thi công là 3.000 đồng/m2).
|
Nông dân phường Việt Hòa dựng lán trại phản đối việc đền bù “mượn đất”. |
Theo văn bản trả lời của ông Phạm Quang Vinh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương, đường ống dẫn xăng dầu là công trình hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng nên nhà nước đứng ra giải phóng mặt bằng. Vị đại diện UBND thành phố này cũng cho rằng, đất của các hộ dân khiếu kiện là đất lúa, nên người dân không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng.
Khi công trình đi ngầm dưới đất “không hạn chế khả năng sử dụng đất, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất”. Vì thế, UBND thành phố không tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng hay có các hỗ trợ nào khác. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Thanh Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tâm Đức Phúc (bảo vệ quyền lợi cho các hộ dân) cho rằng, việc các ống xăng dầu đi qua đất ruộng (với chiều sâu khoảng 1- 1,2m) sẽ không đảm bảo đầy đủ quyền sử dụng đất nông nghiệp của bà con. Ít nhất, bà con sẽ mất hoàn toàn quyền được đề nghị các cấp chính quyền địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất (chẳng hạn đào ao thả cá, làm trang trại…) theo luật định. Hơn nữa, vì đây là khu đất gần đường, nhiều khả năng được chuyển đổi sang đất dịch vụ, nếu vướng đường ống xăng dầu, đất ruộng của họ sẽ bị “chết dí” cùng với dự án đường ống này.
Ông Tăng Văn Trồi – Giám đốc Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K132 cho biết: Việc đền bù, hỗ trợ cho bà con đã thực hiện đúng chính sách của địa phương; chúng tôi không tự mình vẽ ra được… Việc một số hộ dân chưa nhận hỗ trợ đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ công trình.
Hiện nay, các hộ dân đang phản ứng rất quyết liệt, lập lán trại ngăn cản đơn vị thi công, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Họ cũng ý thức được là công trình này rất cần thiết cho công cộng nhưng quyền lợi của họ phải được đảm bảo chứ không thể chỉ áp dụng cái gọi là cơ chế “mượn đất” như hiện nay.
Trần Thụ - Sỹ Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.