Biết hại vẫn làm
Riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, 2 năm qua đã xảy ra 3 vụ nổ bình gas trên tàu cá làm 8 ngư dân thương vong. Vào giữa năm 2004, bình gas trên tàu cá QNg – 92046 đã phát nổ khiến 7 ngư dân ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa bị thương. Nguyên nhân được xác định là do bình gas mang theo để nấu ăn bị rơi xuống buồng máy gây nổ. Vụ tai nạn đã khiến anh Phạm Đức (SN 1964 - thuyền trưởng - chủ tàu cá, chết tại chỗ, 6 người khác bị thương, gây thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng.
Trưa 27.10.2015, trong lúc đang hành nghề khai thác hải sản, bất ngờ bình gas trên tàu cá QNg-96192 Ts phát nổ khiến ngư dân Võ Văn Thành (37 tuổi, ngụ xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) bị bỏng nặng. Đáng báo động hơn, tại Quảng Nam, trong vòng 3 năm trở lại đây đã xảy ra gần 10 vụ cháy tàu cá, trong đó có nguyên do từ nổ bình gas, ước tính thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng.
Một vụ nổ bình gas trên tàu cá của ngư dân ở Lý Sơn (Ảnh minh họa, nguồn: VTC News)
Trò chuyện với PV NTNN, hầu hết ngư dân Quảng Ngãi đều chia sẻ họ biết rõ những nguy hiểm của việc sử dụng bình gas trên tàu cá để nấu ăn. Nguyên nhân được đưa ra là do sàn tàu chật hẹp, bình gas dự trữ thường được để trên nóc cabin tàu; bình gas đang dùng nấu ăn thì để gần buồng máy. Mặt khác, do thường xuyên tiếp xúc với hơi nước mặn tạt vào nên các đầu nối bình gas bị oxy hóa, bị hở, rất dễ bén lửa, gây ra cháy nổ. “Dùng bếp dầu không nguy hiểm nhưng rất bất tiện. Vì vậy bình gas vẫn là lựa chọn của hầu hết tàu cá khi ra khơi” - chủ tàu Nguyễn Văn Minh (39 tuổi, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) bày tỏ.
Học cách dùng gas an toàn
Theo Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 5-6 vụ nổ bình gas trên tàu cá trong tổng số 200 vụ tai nạn trên biển. Trong đó, tang thương nhất là vụ nổ tàu cá BV 97799TS trên vùng biển Vũng Tàu ngày 16.9, khiến 15 người thương vong.
Ông Trương Đức Thuận - Phó phòng Cảnh sát PCCC (Công an tỉnh Quảng Nam) cũng cho biết, nổ bình gas được ghi nhận là một trong những nguyên nhân gây cháy nổ trên tàu cá thời gian gần đây. Các tàu khai thác xa bờ nên trong các khoang luôn có hàng nghìn lít dầu cùng nhiều bình gas, bình ắc quy. Trong khi diện tích của khoang tàu nhỏ, khoảng chục mét vuông nhưng có nhiều mạch điện được đấu nối chằng chịt. “Để đảm bảo an toàn cho tàu và ngư dân, ngoài việc tăng cường công tác PCCC, cần thiết phải có quy trình sử dụng gas an toàn hơn” - ông Thuận nói.
Ông Ngô Tấn -Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho biết, đến thời điểm này, Quảng Nam chưa hề có cơ chế nào hỗ trợ cho các chủ tàu không may bị cháy phương tiện. “Sở có ý tưởng thành lập một Quỹ Tương trợ ngư dân để hỗ trợ vật chất và tinh thần cho các chủ tàu bị rủi ro” - ông Tấn chia sẻ.
|
Ông Nguyễn Văn Trung – Vụ trưởng Vụ Khai thác Thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản): Sẽ đưa an toàn bình gas vào Quy chuẩn, tiêu chuẩn 2016
Mới đây, chúng tôi đã có văn bản đề nghị Bộ NNPTNT trong năm 2016 sẽ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới đối với các điều kiện đảm bảo an toàn trên tàu khi ra khơi, trong đó có liên quan tới các bình gas.
Trước mắt, khi chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn, giải pháp của ngành thuỷ sản là sẽ tham mưu cho Bộ NNPTNT có văn bản gửi các địa phương để hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn khi ra khơi, trong đó có cả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy liên quan tới điện, gas… đồng thời khuyến cáo ngư dân nên mua bảo hiểm cháy nổ. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng sẽ đề nghị công an các địa phương hỗ trợ tập huấn phòng chống cháy nổ cho ngư dân.
Ông Vũ Việt Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Cục Hàng Hải Việt Nam)
Quản lý các cơ sở bán gas ở cảng cá
Thông thường bà con ngư dân hay mua bình gas, nạp gas ở ngay cảng cá, mỗi lần mua vài bình để dùng dần. Vì vậy, đề nghị các cơ quan quản lý cảng cá có biện pháp quản lý chặt các cơ sở cung cấp gas ở cảng cá, tranh việc đưa loại gas và bình kém chất lượng vào để cung cấp cho ngư dân. Ngoài ra, tôi nghĩ, cần đưa hạng mục gas và an toàn gas vào đăng ký, đăng kiểm tàu cá.
Thanh Xuân – Huệ Tâm (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.