“Bom tấn” PV Oil chuẩn bị IPO có bị... “đè” giá khởi điểm?

Quốc Hải Thứ ba, ngày 26/12/2017 07:00 AM (GMT+7)
Là doanh nghiệp độc quyền trong việc xuất bán dầu thô và kinh doanh dầu quốc tế, cũng là nhà bán lẻ xăng dầu có thị phần số 2 tại Việt Nam sau Petrolimex, phiên IPO của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) được đánh giá là thương vụ thoái vốn Nhà nước hấp dẫn nhất ngay đầu năm 2018...
Bình luận 0

Phiên đấu giá IPO Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) dự kiến sẽ diễn ra lúc 8g30 ngày 25.1.2018 tại sàn HOSE với giá khởi điểm 13.400 đồng/cổ phần. Nếu thành công, dự kiến PV Oil sẽ thu về tối thiểu 2.771 tỷ đồng cho Nhà nước.

img

Phiên IPO của PV Oil được đánh giá là thương vụ thoái vốn Nhà nước được trộng đợi nhất đầu năm 2018 (Ảnh: IT)

PV Oil hấp dẫn thế nào?

Theo tìm hiểu của Dân Việt, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam, sở hữu 100% vốn điều lệ). Đây là doanh nghiệp (DN) độc quyền trong việc xuất bán dầu thô và kinh doanh dầu quốc tế. Bên cạnh đó, PV Oil còn kinh doanh phân phối các sản phẩm dầu; sản xuất, chế biến xăng dầu, dầu mỡ nhờn, nhiên liệu sinh học trên cả nước với thị phần đứng thứ 2 (chỉ sau Petrolimex), thậm chí PV Oil hiện đã có cơ sở kinh doanh xăng dầu tại Lào, Singapore.

Hiện tại, PV Oil có 28 công ty con, 11 công ty liên kết và 9 chi nhánh trực thuộc. Đặc biệt, PV Oil còn sở hữu mạng lưới phân phối tại 63 tỉnh thành với 540 cửa hàng xăng dầu (do PV Oil sở hữu) và trên 3.000 cửa hàng xăng dầu đại lý mang thương hiệu PV Oil.

Theo PV Oil, hiện DN này có vốn điều lệ 10.342 tỷ đồng, tương ứng 1,034 tỷ cổ phiếu đang lưu hành với 100% thuộc sở hữu của Petro Vietnam.

Trước đó, ngày 8.12.2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số 1979/QĐ-TTg về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa PV Oil. Theo kế hoạch, Petro Vietnam sẽ giảm sở hữu xuống còn 363.014.555 cổ phần (chiếm 35,1% vốn điều lệ). Trong đó 1.864.300 cổ phần (chiếm 0,18% vốn điều lệ) chào bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp. Còn lại 206.845.900 cổ phần (chiếm 20% vốn điều lệ) bán đấu giá công khai và 462.504.745 cổ phần (chiếm 44,72% vốn điều lệ) bán cho nhà đầu tư chiến lược.

Như vậy, việc chào bán đấu giá công khai hơn 206,8 triệu cổ phần vào ngày 25.1.2018 với giá khởi điểm 13.400 đồng/cổ phần nếu thành công sẽ thu về tối thiểu 2.771 tỷ đồng cho Nhà nước. Căn cứ trên kết quả IPO này, 44,7% vốn còn lại của PV Oil sẽ tiếp tục được bán cho nhà đầu tư chiến lược (NĐTCL).

Đặc biệt, để tạo hấp dẫn cho đợt IPO, PV Oil đề xuất cho nhà đầu tư nước ngoài được phép mua tối đa 49% lượng cổ phần.

Tuy nhiên, PV Oil cũng đưa ra những “ràng buộc” nhất định với các NĐTCL, đó là bắt buộc NĐTCL phải chứng minh đủ nguồn tài chính để mua cổ phần theo tỷ lệ trong phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt; có nguồn vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất tối thiểu 2.000 tỷ đồng đối với DN trong nước, hoặc tương đương 2.000 tỷ đồng theo tỷ giá quy đổi tại ngày đăng ký tham gia NĐTCL đối với DN nước ngoài.

Được biết, sau 90 ngày kể từ khi IPO, PV Oil sẽ thực hiện đăng ký lưu ký cổ phần, cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.

Ngoài ra, NĐTCL phải có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (đã được kiểm toán) 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần phải có lãi, không có lỗ lũy kế. Đồng thời, NĐTCL phải có cam kết bằng văn bản của HĐQT hoặc người đại diện theo pháp luật, hoặc người có thẩm quyền về việc tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu PV Oil trong thời gian ít nhất là 10 năm kể từ thời điểm chính thức trở thành NĐTCL; không chuyển nhượng số cổ phần mua trong thời gian tối thiểu 10 năm kể từ ngày PV Oil được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp...

PV Oil có bị “đè” giá khởi điểm?

Với mức giá khởi điểm 13.400 đồng/cổ phần, nhiều nhà đầu tư tỏ ra khá bất ngờ vì mức giá này thấp hơn nhiều so với nhận định trước đó của giới chuyên gia. Cụ thể, trước đó theo phân tích của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), nhu cầu đối với xăng và sản phẩm xăng dầu sẽ tăng với tốc độ gộp bình quân là 3,5-4%/năm. Với lợi thế trong ngành (chiếm thị phần thứ 2 tại Việt Nam) PV Oil có thể nâng được thị phần bán lẻ xăng dầu hiện nay lên khoảng 30%-35% trong khoảng 3 đến 5 năm tới nhờ mở rộng nhanh chóng số lượng trạm xăng... Vì vậy, HSC đưa ra mức định giá sơ bộ của PV Oil là 12.000 tỷ đồng (tương đương 520 triệu USD).

Trong khi đó, một chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt thì cho rằng, có thể sử dụng giá trị vốn hóa của Petrolimex (mã chứng khoán PLX) làm kênh tham chiếu để xác định giá trị hợp lý của PV Oil. Cụ thể, vốn hóa của PLX theo giá đóng cửa ngày 25.12 vào khoảng 83.318 tỷ đồng. Nếu xét tương quan giữa thị phần (thị phần của PLX là 50%, PV Oil là 19%) và quy mô vốn hóa thì giá trị vốn hóa của PV Oil sẽ vào khoảng 31.660 tỷ đồng, tương đương với giá trị cổ phần khoảng trên dưới 30.000 đồng/cổ phần.

Được biết, PV Oil ước tính doanh thu hợp nhất năm nay sẽ đạt khoảng 55.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 520 tỷ đồng. Với kết quả này, PV Oil vượt 63% về doanh thu và 36% về lợi nhuận so với kế hoạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem