Vì sao với vị thế là “ông trùm” khu công nghiệp cả nước, doanh nghiệp (DN) “con cưng” của tỉnh Bình Dương lại “ế” đến vậy?
Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương do Becamex đầu tư xây dựng (Ảnh: IT)
Kỳ vọng càng nhiều, thất vọng càng lớn
Theo đánh giá của giới đầu tư tài chính, phiên IPO chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - TNHH MTV (Becamex) có quy mô lớn nhất trong năm 2017 về giá trị (theo ước tính, nếu chào bán thành công thì dự kiến sẽ thu về gần 10.000 tỷ đồng) và lớn thứ 2 từ trước đến nay về quy mô chỉ sau phiên IPO của Ngân hàng Vietcombank vào tháng 12.2007. Đồng thời, trước thời điểm IPO, lãnh đạo Becamex đặt kỳ vọng rất nhiều về việc sẽ đưa “đứa con cưng” trở thành DN trị giá hàng tỷ USD (với mức giá 31.000 đồng/cổ phần, giá thị trường của Becamex được xác định 40.827 tỷ đồng, xấp xỉ 1,8 tỷ USD).
Những kỳ vọng của lãnh đạo Becamex càng có cơ sở hơn trong bối cảnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang chú ý đến nhóm cổ phiếu khu công nghiệp. Đặc biệt, trước đó chỉ hơn 1 tháng (ngày 5.10), Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam (IDICO) - một “đối thủ” có quy mô nhỏ hơn Becamex - đã IPO khá thành công với giá bán cổ phần tăng hơn 30% giá trị chào bán và tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua cao gần gấp 5 lần lượng chào bán.
Tuy nhiên, thực tế không như kỳ vọng, đợt IPO của Becamex đã thất bại khá thảm hại và được đánh giá là “Phiên IPO gây thất vọng nhất trong năm 2017” khi chí có 158 nhà đầu tư đăng ký mua 18,9 triệu cổ phiếu (khoảng 6,1% khối lượng chào bán). Thua xa so với IDICO khi DN này có 656 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần.
Thất bại này là một dấu chấm hỏi lớn cho Becamex khi nếu xét về quy mô thì Becamex đang chiếm 13,8% thị phần khu công nghiệp trong cả nước, tương đương 13.300 ha; trong khi đó IDICO chỉ có quỹ đất khoảng 7.370 ha. Chưa kể, nếu xét về cách chính sách ưu đãi về thuế, đất đai... thì càng không phải bàn khi Becamex vốn được đánh giá là “con cưng” của tỉnh Bình Dương với các chính sách được đánh giá là “trải thảm” tận... răng.
Đặc biệt, thế mạnh của Becamex khi IPO còn có “mỏ vàng” VSIP (KCN Việt Nam - Singapore). Đây là liên doanh giữa Becamex (nắm 49% cổ phần) với Tập đoàn Semb Corp - Singgapore (nắm 51% cổ phần). Qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay hệ thống VSIP đã phát triển không chỉ tại Bình Dương mà còn mở rộng ra các tỉnh thành như: Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hải Dương và đã thu hút trên 660 dự án với tổng mức đầu tư trên 9 tỷ USD. Hàng năm Becamex ghi nhận khoản lợi nhuận từ “mỏ vàng” này với mức lợi nhuận từ 400-600 tỷ đồng.
Chưa kể, kế hoạch phát triển của Becamex sau khi cổ phần hóa cũng khá quy mô như: phát triển thêm 3 KCN mới ở Bình Dương với tổng diện tích 1.800ha trong thời gian sau cổ phần hóa; diện tích đất KCN còn sẵn sàng để cho thuê lên tới 2.085ha, đủ để phát triển trong 5 năm tới...
TP mới Bình Dương nhìn từ trên cao (Ảnh: IT)
Nhận “quả đắng” vì thiếu thông tin đến nhà đầu tư?
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, dù Becamex sở hữu quy mô tài sản lớn nhưng lượng thông tin công bố ra bên ngoài hữu hạn làm hạn chế khả năng đánh giá cơ hội đầu tư của nhà đầu tư. Trong khi đó, Becamex lại đặt mức giá khởi điểm khá cao, gần như phản ánh toàn bộ giá trị DN khi định giá lại tài sản theo mức giá thị trường hiện tại lên tới 31.000 đồng/cổ phần khiến nhà đầu tư không mấy mặn mà.
Trên thực tế, dù chuẩn bị kế hoạch IPO khá rầm rộ nhưng những thông số tài chính của Becamex chỉ được nhà đầu tư biết đến qua những con số từ năm 2016. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016, Becamex có vốn chủ sở hữu đạt 13.049 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 57.246 tỷ đồng nhưng nợ tới 22.595 tỷ đồng gồm 7.474 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 15.122 tỷ đồng nợ dài hạn, chi phí tài chính lên đến 824 tỷ đồng (chủ yếu là lãi vay).
Khoản nợ vay 22.595 tỷ đồng này được Becamex thế chấp bằng quỹ đất 5.493.972 m2 ở tỉnh Bình Dương, trong đó có những khu đất vàng tại Thành phố mới Bình Dương, các KCN và một loạt khu đất sạch... cho hơn 10 ngân hàng.
“Chính vì “đòn bẩy” tài chính khá lớn này (nợ vay chiếm đến 40% tổng tài sản), cao hơn rất nhiều so với các DN cùng ngành (chỉ khoảng 30%) trở thành điểm trừ của Becamex trong mắt nhà đầu tư. Chưa kể, dù doanh thu thuần năm 2016 của Becamex lên đến 7.300 tỷ đồng nhưng do nguồn vốn quá lớn nên chỉ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) chỉ đạt 699 đồng, nên không hấp dẫn với giới đầu tư”, một chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, nhận định.
“Cú đấm thép” thành... gánh nặng?
Được đánh giá là DN “con cưng” của tỉnh Bình Dương, Becamex hiện đang đầu tư dàn trải ở rất nhiều lĩnh vực như: cấp thoát nước, khai thác và chế biến cao su, kinh doanh bất động sản, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dược phẩm, y tế, giáo dục... Năm 2013, đại dự án “Thành phố mới Bình Dương” được xác định là “cú đấm thép” của Becamex trong lĩnh vực đầu tư khi có quy mô lên tới 1.000ha, với tổng vốn đầu tư hơn 200.000 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD). Tuy nhiên, sau 3 năm đi vào hoạt động, mới chỉ có khoảng 20.000 cư dân đến sinh sống tại khu trung tâm so với quy hoạch 125.000 cư dân của toàn khu đô thị vào năm 2020.
Theo giới đầu tư bất động sản, nguyên nhân khiến cho dự án Thành phố mới Bình Dương lâm vào tình trạng ế ẩm là do giá khá cao so với mặt bằng chung của khu vực (từ 5-14 tỷ đồng/căn). Để khắc phục tình trạng hiu hắt tại Thành phố mới Bình Dương, Becamex đã xây dựng 2 bệnh viện tại tỉnh Bình Dương với quy mô 800 giường là Bệnh viện Mỹ Phước và Bệnh viện Quốc tế Becamex. Ngoài ra, Becamex cũng góp vốn và đầu tư các trường học từ cấp mẫu giáo đến đại học để phục vụ cư dân tại TP mới Bình Dương.
Tuy nhiên, các khoản đầu tư này chưa mang lại hiệu quả trong ngắn hạn nhưng lại càng làm gia tăng tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính cho Becamex.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.