Tuy nhiên, lựa chọn có phần “trái ngược” này đã đem lại cho Hảo nguồn thu nhập hơn nửa tỷ đồng/năm.
Tìm lối đi riêng
Dạo quanh trang trại của Hảo, ít ai nghĩ rằng với một cô gái 23 tuổi đời đã có thể làm thành công mô hình trồng nấm rơm theo phương pháp mới giỏi đến vậy. Trên 5 sào đất, hàng nghìn mô nấm mọc lên chi chít. Những búp nấm mạnh mẽ vươn lên khỏi mặt đất trông mát mắt.
Mô hình trồng nấm rơm trong nhà của Nguyễn Thị Hảo.
Khi được hỏi tại sao lại chọn nghề trồng nấm rơm, Hảo chia sẻ: "Lúc còn nhỏ, em luôn mơ ước sau này có thể làm hướng dẫn viên du lịch, nên quyết định theo học ngành du lịch. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp lại thấy đi xin việc khó khăn, trong khi đó, lương hướng không được bao nhiêu. Nhiều lần lên mạng thấy người ta kiếm tiền tỷ từ trồng nấm linh chi, em thích lắm. Từ đó, em quyết định ra tới Thái Bình, Hà Nội và vào tận các tỉnh miền Tây để học hỏi kinh nghiệm trồng nấm".
Qua quá trình tìm hiểu, Hảo nhận thấy, mô hình trồng nấm linh chi hiện nay đã có nhiều người làm, vốn đầu tư nhiều, nhưng thị trường đầu ra chưa xác định được. Trong khi đó, nhu cầu về nấm ăn trên thị trường ngày càng cao, nhưng nguồn “cung” không đủ. Sau nhiều đêm trăn trở, Hảo quyết định chọn mô hình trồng nấm rơm trên bông vải và bột cưa để tìm lối đi cho riêng mình.
Tuy nhiên, lúc mới bắt tay vào công việc, Hảo cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều lần đã cấy meo giống xuống mà đợi mãi chỉ thấy mọc lèo tèo vài cái nấm. Những lúc như thế Hảo lại càng quyết tâm hơn, tìm tòi để khắc phục các nhược điểm.
Hảo chia sẻ: “Nhìn vậy thôi, nhưng để trồng được nấm rơm đạt năng suất cao thì chẳng dễ dàng chút nào. Để có được thành công như ngày hôm nay, em đã trải qua nhiều lần thất bại. Thế nhưng, có thất bại mới thành công; điều quan trọng là phải có quyết tâm và lòng đam mê. Vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
Cùng với mô hình trồng nấm rơm ở ngoài đồng, Hảo còn đầu tư trang trại nấm trong nhà. Tuy làm nấm trong nhà tốn nhiều chi phí hơn, nhưng tránh được mưa gió. Hơn nữa, với phương pháp làm theo giàn kệ bằng lưới nên tiết kiệm được diện tích, nguyên liệu, mà có thể thu nấm ở cả hai mặt.
Thu nửa tỷ đồng/năm
Theo chia sẻ của Hảo, trồng nấm rơm trên bông vải và bột cưa là một mô hình đầu tư ít, nhưng đem lại lợi nhuận cao. Bởi toàn bộ nguyên liệu dùng để làm nấm đều là tận dụng phế phẩm như bông vải, bột cưa, bã mía, tro, trấu... Còn meo giống thì có giá rất rẻ. Tính ra chi phí để làm nên 1kg nấm thành phẩm chỉ mất khoảng 16.000 đồng, nhưng thu về gấp 4 - 6 lần.
Bên cạnh đó, quy trình trồng nấm rơm trên bông vải và bột cưa cũng gọn nhẹ hơn. Sau khi meo nấm được cấy xuống các mô đã chuẩn bị sẵn thì dùng bao bố để phủ lên. “Thay vì dùng rơm để che đậy, thì dùng bao bố sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí. Cách làm này sẽ tạo độ ẩm và tránh ánh nắng trực tiếp vào các mô nấm, gây ảnh hưởng đến tơ nấm”, Hảo phân tích.
Theo đúng kỹ thuật, sau 9 ngày vô meo, nấm sẽ ra quả. Lúc này Hảo bắt đầu thu hoạch nấm. Thời gian thu hoạch là từ 15 - 30 ngày, tùy theo dinh dưỡng có trong nấm và nhu cầu của người trồng. Đặc biệt, sau khi thu hoạch xong nấm, toàn bộ phụ phẩm được Hảo sử dụng để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng.
Trung bình mỗi ngày, Hảo thu hoạch từ 50kg đến 1 tạ nấm rơm. Với giá bán dao động từ 60.000 – 80.000 đồng/kg. Riêng những ngày Tết, giá nấm có lúc đội lên tới 240.000 đồng/kg đã đem lại cho Hảo nguồn thu nhập khoảng 60 triệu đồng/tháng.
Hiện sản phẩm nấm rơm của Hảo rất được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh bỏ mối cho các chợ trong tỉnh, nhiều khách hàng ở tỉnh Quảng Nam đã trở thành bạn hàng thân thiết của Hảo.
Hồng Hoa (Báo Quảng Ngãi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.