“Bông tuyết đầu mùa” của tôi

Thứ bảy, ngày 05/11/2011 06:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tuyết đầu mùa của mỗi người - đó là biểu tượng của sự trong trắng, thiêng liêng và đối với tôi, việc lựa chọn nghề cầm phấn đứng trên bục giảng mãi mãi là bông tuyết đầu thanh khiết...
Bình luận 0
img
Thầy Nguyễn Kim Đính.

Quê gốc ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) nhưng tôi sinh ra ở Thanh Hóa và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nho học. Cả tuổi hoa niên của tôi gắn bó với xứ Thanh, học tiểu học, trung học rồi ra dạy học, vừa tự nuôi bản thân vừa chăm lo cho các em không phải thiệt thòi vì mẹ cha mất sớm.

"Hát gì thì hát, làm gì thì làm/ Nhưng đừng làm bẩn dơ những bông tuyết đầu mùa..." - trong buổi học đầu tiên đứng trước một lớp sinh viên mới, tôi đều mượn câu thơ ấy của nhà thơ Xô Viết Xiđôrenkô để nhắc nhở các em phải biết nâng niu, trân trọng những mục tiêu ngay từ đầu cuộc đời mà mình đã lựa chọn.

Trở thành Hiệu trưởng Trường cấp 2 tư thục Quảng Xương năm 25 tuổi, nhưng với lòng ham học, không thỏa mãn với kiến thức đã có của mình, năm 1956, tôi tham gia đợt chiêu sinh hóa học đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và đỗ điểm xuất sắc.

Ngoài thời gian đến giảng đường học, tôi vẫn tiếp tục tham gia dạy ở các trường tư thục để có chi phí trang trải cho bản thân và quyết chí đưa các em ra thủ đô học tập.

Tốt nghiệp cử nhân Văn khoa khóa 1, tôi được giữ lại trường làm giảng viên rồi được chọn cử đi đào tạo sau đại học tại Trường Đại học Lomonosov (Liên Xô). Năm 1963 về nước, tôi được phân công nhiệm vụ tại chính mái trường mình đã gắn bó, được cử làm Tổ trưởng bộ môn, Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm khoa Văn học.

Những bài giảng, bên cạnh mảng kiến thức chuyên ngành cơ bản, tôi cố gắng truyền tải đến học trò phương pháp học và nghiên cứu khoa học hiệu quả, gói gọn trong 10 chữ mà tôi rất tâm đắc: Bác học (học rộng), thẩm vấn (hỏi cho thật kỹ), thận tư (suy nghĩ sâu sắc, cẩn thận), minh biện (biện luận cho rõ ràng), đốc hành (ra sức thực hành).

Tính từ ngày bắt đầu đặt chân lên bục giảng đến nay, tôi đã có gần 60 năm làm thầy, chung thuỷ rất mực với định hướng cuộc đời mà mình đã chọn...

Lớp học trò yêu quý cùng đồng nghiệp đã không ít lần thắc mắc rằng, vì sao tôi cứ sống lặng lẽ một mình như vậy? Là thầy giáo dạy văn ở một trường đại học lớn, một nhà quản lý khoa học xã hội đã bao năm vậy nhưng cho đến tận giờ tôi vẫn chọn cho mình một cuộc đời thanh đạm, vẫn căn phòng nhỏ và chiếc giường cá nhân, vẫn lặng lẽ đi về một mình. Chỉ có sách, rất nhiều sách quý, đó là đồ vật gần gũi, là tài sản vô giá của tôi.

Cũng có ý kiến đoán già, đoán non rằng, phải chăng thời tu nghiệp ở Nga, bóng dáng một cô gái Nga Natasa nào đó đã hút hết tâm trí và tình cảm của tôi, nên khi về nước tôi không muốn lập gia đình? Những khi ấy tôi chỉ cười...

Có lẽ ít ai biết rằng, tôi là anh cả trong gia đình và suốt một thời tuổi trẻ sớm vắng bóng mẹ cha, tôi đã tự nguyện gác chuyện tình riêng để lo cho các em học hành. Để rồi khi các em đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định thì ngoảnh lại tuổi mình cũng đã lên đến đỉnh dốc của cuộc đời...

Năm nay tròn 80 xuân, nhưng chưa khi nào tôi thấy mình thiệt thòi vì thiếu cảm giác về một mái ấm trọn vẹn. Tôi không nuối tiếc những chặng đời đã qua, bởi với tôi thì con đường mình đã chọn, đã trung thành cống hiến đến cùng chính là lý tưởng sống, là "bông tuyết đầu mùa" không thể làm dơ bẩn...

Thầy Nguyễn Kim Đính - Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem