Bực mình với... nhà báo trên phim

Thứ ba, ngày 21/06/2011 06:47 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một cô bạn đồng nghiệp của tôi đưa ra kết luận: “Phim ảnh Việt Nam hễ làm về nghề nào thì người làm nghề ấy không dám xem phim".
Bình luận 0

"Chẳng phải vì các nhà làm phim giỏi quá, bắt đúng “bệnh” của họ mà vì hình ảnh của họ bị làm khá nông cạn, thậm chí sai lệch, không xem là tốt nhất, để khỏi bực mình”. Nghe ra ý kiến này cũng không phải là không có lý, cứ nhìn hình ảnh các nhà báo được lên phim thì rõ.

Không dám xem

img

Các nhà báo hình như không mấy “được lòng” nhà làm phim, bằng chứng là hình ảnh của họ trên phim, nếu không xấu xa, tinh quái thì cũng ngờ nghệch đến... phát bật cười.

Trong những phim truyền hình làm về đề tài báo chí như “Đèn vàng”, “Nghề báo”, “Con nhện xanh”, “Phóng viên thử việc”... thì hình ảnh nhà báo xuất hiện rất mờ nhạt, thiếu logic. Bị ấn tượng với hình ảnh nhà báo đi đâu cũng phải có máy ảnh, máy ghi âm đeo lủng lẳng nên nhiều phim như là “Gái nhảy”, “Cuồng phong”, các nữ nhà báo vào vũ trường điều tra đều ngang nhiên giơ máy ảnh ra chụp tách tách nên kết quả là bị bọn giang hồ đập cho một trận tơi bời.

Khán giả dễ tính nhất cũng phải kêu trời, không hiểu nhà báo kiểu gì mà ngớ ngẩn thế, đã đi điều tra bí mật mà còn ngang nhiên như chốn không người. Cũng chuyện máy ảnh, trong phim “Cuồng phong”, hai nhà báo Đoàn Linh và Thanh Mai làm khá nhiều khán giả bật cười với “sáng kiến” cho máy ảnh vào balô rồi hé nắp để thòi ống kính ra chụp trộm bọn tội phạm.

Cứ mỗi một kiểu ảnh, cả hai nhà báo cùng nhau bê chiếc balô lên, nhà báo Mai lại vuốt vuốt rồi xuýt xoa khen: “Chiếc ba lô của anh đẹp quá”, suốt cả buổi “tác nghiệp”, hành động này diễn ra tới 5 - 6 lần mà vẫn qua được mắt bọn tội phạm thì kể cũng lạ.

Nhưng ngớ ngẩn đến thế vẫn còn thua những tình tiết vô lý khác trong phim “Cuồng phong” khi kịch bản để cho hai nhà báo này can thiệp quá sâu vào một chuyên án ma túy. Nhà báo Thanh Mai cùng tham gia vào nhóm cảnh sát phá án, cô nhõng nhẽo, làm mình làm mẩy như thể đang đi picnic, chẳng có vẻ gì là một người đang thực hiện nhiệm vụ bí mật, vậy mà việc gì cũng trót lọt.

Còn trong phim “Nghề báo”, nhân vật nhà báo Đỗ Hòa trong khi xâm nhập vào một ổ mại dâm để viết bài, xảy ra xô xát với bọn bảo kê, anh nói liền: “Tôi là nhà báo, tôi vô đây để viết bài”, vậy là... thoát. Trên thực tế, ở tình cảnh như vậy, chẳng nhà báo nào lại ngờ nghệch tiết lộ thân phận nếu không muốn chuốc lấy những hậu quả đau thương.

Sau khi trình chiếu, phim “Nghề báo” được giới báo chí đánh giá là “thành công” nhất trong việc xây dựng hình ảnh các nhà báo ngờ nghệch theo kiểu viết bài không cần xác minh thông tin, nghe một chiều rồi viết, đang tập trung để quay phim bí mật thì cãi cọ nhau nên bị phát hiện, đi phỏng vấn thì toàn hỏi những câu ngớ ngẩn, chụp ảnh chía lia nhưng không thèm mở nắp ống kính...

Nhân vật èo uột

img

Bên cạnh lực lượng đông đảo “các nhà báo ngờ nghệch”, hình ảnh các nhà báo xấu xa trong phim ảnh Việt Nam cũng không khiến người xem phải “tâm phục, khẩu phục”. Cũng lại phim “Nghề báo”, nhân vật nhà báo Quang Sinh chẳng thấy viết lách gì, mà suốt ngày ngồi nhà hàng ăn nhậu rồi bàn chuyện hãm hại người khác.

Còn trong phim truyền hình thu hút rất đông người xem là "Chạy án" phần 1, ông tổng biên tập một tờ báo trong phim cũng được xây dựng hơi thái quá khi luôn ôm ảo tưởng về “quyền lực thứ 4”. Ông dọa nạt, tống tiền người khác y như thể trên đời không hề có sự tồn tại của pháp luật, loại người “thiếu hiểu biết” như vậy chắc khó mà ngồi vào được vị trí này. Kiểu cách xây dựng nhân vật thiếu thực tế đó khiến người xem chán ngán.

Hình ảnh nhà báo trên phim cần được xây dựng gần gũi với thực tế cuộc sống, mang đầy đủ cảm xúc của một con người chứ không thể là sự áp đặt tính cách, rằng đã là nhà báo thì phải thế này, đã là công an thì phải thế kia.

Nói đi nói lại cũng vẫn là những lỗi của kịch bản khi chẳng có nhân vật nào được xây dựng ra hồn, nhà báo trên phim Việt chẳng có hình tượng nào thể hiện được sự đam mê, hết lòng với công việc. Ngay cả nhà báo Vĩnh trong phim “Đèn vàng”- một phim được đánh giá là có khá nhiều chất liệu văn học cũng không làm người xem thấy “đã” với hình ảnh nhà báo. Anh ưa triết lý, toàn nói những câu rườm rà dài đến hàng chục dòng, rồi trầm ngâm, rồi suy nghĩ... nhưng đi đến tận cùng, người xem vẫn không thấy anh là một người thực sự nhiệt tâm với nghề.

Xem phim về đề tài nhà báo, cánh nhà báo không khỏi ước ao phim Việt xây dựng được những nhân vật như nhà báo Lowell Bergman trong phim "The Insider" (Người trong cuộc). Ông đã chống lại cả ngành công nghiệp thuốc lá và cả cấp trên của mình khi quyết tâm đưa ra công luận cuộc phỏng vấn có thông điệp chất nicotin trong khói thuốc có hại cho sức khỏe con người.

Hay chẳng cần nhìn đâu xa, bộ phim “Tạp chí thời trang” của Hàn Quốc mới phát sóng trên nhiều kênh tại Việt Nam cũng khiến người xem cảm thấy hứng thú với nữ Tổng Biên tập Park Ki Ja- khắc nghiệt tới độc ác với cấp dưới nhưng yêu nghề hết mực. Bởi cho dù là nhà báo hay bất cứ một ngành nghề nào khác, trước hết họ cũng là một con người với những khát khao và đam mê.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem