Bức tường xanh ở một khúc quanh biên giới...

Chủ nhật, ngày 15/07/2012 06:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có thể nói lịch sử cây cao su Đức Cơ bắt đầu từ miền đất Công ty 72 - Binh đoàn 15 đứng chân. Một lịch sử lắm khúc quanh thấm máu để bây giờ mới nên dòng nhựa ấm lành...
Bình luận 0

Hành trình tới dòng nhựa…

Nghỉ hưu đã gần hai năm nay nhưng đại tá Hoàng Văn Sinh – nguyên Chính trị viên Công ty 72 dường như vẫn chưa quen được sự nhàn nhã. Và tôi có cảm giác đâu đó trên gương mặt ông vẫn còn hằn dấu vết những ngày gian khổ… Có mặt tại vùng đất Đức Cơ từ những ngày mới giải phóng, rồi gắn bó cho đến lúc nghỉ hưu, ông đã chứng kiến có thể nói là toàn vẹn những nỗi thăng trầm của cây cao su trên một khúc quanh biên giới này…

img
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang - Tư lệnh Binh đoàn gặp gỡ các thanh niên dân tộc tiêu biểu của Công ty.

Năm 1976, khi “Bài ca thống nhất” vẫn vang vọng dư âm thì một miền đất bazan rộng lớn – gồm cả huyện Đức Cơ ngày nay - đã mở đầu chương vỡ đất… Lúc đó những người lính quân phục còn vương mùi khói đạn, chưa dứt cơn sốt rét rừng lại bước vào cuộc chiến đấu mới… Sức trẻ, nhiệt huyết có thừa nhưng chưa ai hiểu mấy về trận đồ kinh tế - kỹ thuật.

Thời điểm này chiến tranh biên giới Tây – Nam lại nổ ra. Những người lính vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện vô cùng gian nan: Cơm gạo hẩm độn khoai mọt, cá chuồn khô nấu với rau rừng. Sốt rét hoành hành, Fulro chực chờ quấy rối. Thêm sự nan giải về lực lượng lao động. Một cán bộ lão thành rất có uy tín bấy giờ là cụ Siu San được “trưng tập” để giúp bộ đội…Phải mỗi làng ba cuộc họp, sau đó chỉ huy đơn vị đến từng nhà để “dỗ”.

Chế độ cho họ ưu tiên như bộ đội. Thế nhưng trầy trật mãi cũng chỉ tuyển được hơn 100 người. Và ba tháng sau thì chỉ còn chưa đầy hai chục... Thiếu lao động, phương tiện, nhiều lô cao su “cỏ Mỹ” ngút ngàn rồi lần lượt làm mồi cho lửa. Khó khăn muôn nẻo đã khiến các nông trường có năm phải dừng trồng mới…

Chẳng ai có thể tiên liệu được số phận cây cao su sẽ về đâu nếu như không có một sự kiện ghi dấu son lên vùng đất này. Tháng 2.1985, Binh đoàn 15 được thành lập để 11 năm sau đó – tháng 4.1996, Công ty 72 chính thức ra đời và tụ về hàng ngũ Binh đoàn. Tính đến lúc này công ty đã qua chặng đường hơn 20 năm. Tuy nhiên cả khoảng thời gian đằng đẵng đó, diện tích cao su chỉ phát triển được vỏn vẹn trên 1.000ha.

Thực sự thì việc xóa bỏ cơ chế bao cấp sau chặng đường 5 năm cũng đã cho công ty những tiền đề kinh tế - xã hội nhất định, song đó cũng chỉ mới là sự rạn vỡ bước đầu của nếp làm ăn cũ. Khó khăn lớn nhất là đưa đồng bào dân tộc trên địa bàn vào làm công nhân để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho một vùng đất tàn tích chiến tranh nặng nề, tập tục lạc hậu gần như vẫn còn nguyên đó…

Tuy nhiên, đứng trong hàng ngũ Binh đoàn, công ty cũng có nhiều thuận lợi. Phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng” đã cho công ty đáp số của bài toán vừa làm nhiệm vụ của một doanh nghiệp kinh tế, vừa giữ vai trò của một doanh nghiệp xã hội nhưng lại không được miễn trừ các nghĩa vụ kinh tế. Đây cũng là đáp án cho câu hỏi: Vì sao đồng bào dân tộc chưa mặn mà với cây cao su.

Một kế hoạch vận động đồng bào dân tộc được đặt lại với nguyên tắc lợi ích được chăm lo ngay từ khi họ trở thành công nhân: Lương giá ngang nhau nhưng họ chỉ phải thực hiện 80% định mức. Để nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho họ, công ty thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc”.

Song song với rèn tay nghề, thiết lập kỹ luật lao động, công ty đẩy mạnh giúp đỡ họ làm kinh tế gia đình. Hàng chục ha lúa nước, hàng trăm ha vườn tạp được hướng dẫn cải tạo để trồng hồ tiêu, cà phê cho hiệu quả kinh tế cao…

Rồi những chiến dịch cấp gạo cứu đói, khám chữa bệnh miễn phí, giao lưu kết nghĩa… như mạch ngầm trong đất nhuần lại những cái nhìn vô cảm, hững hờ. Niềm tin “Bộ đội Cụ Hồ” một thời đạn bom bừng sáng lại. Tạo được “hậu phương” vững chắc, công ty bước vào một giai đoạn phát triển vượt bậc: Chỉ trong khoảng 3 năm 1996 – 1998, công ty đã trồng mới được gần 3.400ha, sản lượng mủ đạt hơn 6.800 tấn – vượt cả tổng sản lượng và diện tích các năm trước cộng lại…

Ai về làng xưa…

… Con đường trải nhựa cắt một vệt thẳng băng qua làng Chan. Hai bên đường san sát những căn nhà xây kiểu Thái ẩn hiện sau những vườn cà phê, hồ tiêu nhẫy nhượt.

Ông Rơ Mah Bơn - cựu công nhân, người đã cho tôi một nét chấm phá trong bức tranh đói nghèo một thuở của làng – dường như vẫn chưa hết trầm tư sau câu chuyện. Tôi biết, với hơn 70% số hộ theo đạo Tin lành, con đường đến với những giá trị đích thực của cuộc sống, đói nghèo không phải là khoảng tối duy nhất…

Với lực lượng công nhân làm nòng cốt và sự giúp đỡ của công ty, làng Chan bây giờ ai cũng có cao su tiểu điền, cà phê, hồ tiêu. Trên 100 hộ đạt mức thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Hộ nghèo chỉ còn dăm nhà do neo đơn, thiếu sức lao động…

Tính chung 16 năm tụ về hàng ngũ Binh đoàn, đến nay Công ty 72 đã có 6.000ha cao su, 125ha cà phê. Năm 2011 giá trị sản xuất đạt hơn 736 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách Nhà nước 89 tỷ đồng – gấp khoảng 4 lần thu ngân sách cả năm của huyện Đức Cơ…

Một tấm gương làm ăn giỏi mà cũng nức tiếng “chơi sang” được truyền tụng của làng là Ksor Găn. Năm nay mới hơn 30 tuổi nhưng vợ chồng Găn đã có 2ha cao su tiểu điền, đảm nhận 3ha khai thác mủ cho công ty, thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng. Nhà đã xây khang trang và sắm liền… 6 xe máy để mỗi chiếc chỉ phục vụ một việc!

Chiều biên giới, một mình trên con đường xuyên qua những cánh rừng cao su tĩnh lặng, tôi bỗng lẩn thẩn với ý nghĩ rằng nếu một sớm mai thức dậy, cả chân trời cao su ngằn ngặt này bỗng dưng biến mất ? Còn lại với chút giả tưởng ấy là gì, thời gian dôi 1/3 thế kỷ chắc hẳn chưa đủ xóa nhòa. Con người và vùng đất đói nghèo năm nào chỉ mới lật qua một trang đời như cổ tích. Những gì nối tiếp hãy còn sung mãn lắm trong những khởi động mới bắt đầu…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem