Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói lý do chuyển thể 2 truyện ngắn thành phim "Tro tàn rực rỡ"

Thủy Vũ Thứ năm, ngày 08/12/2022 08:35 AM (GMT+7)
Chia sẻ với Dân Việt, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã tiết lộ những khó khăn khi đưa những áng văn đậm chất miền Tây của Nguyễn Ngọc Tư lên màn ảnh rộng và lý do phải dùng 2 truyện ngắn để chuyển thể thành phim "Tro tàn rực rỡ".
Bình luận 0

Trở lại màn ảnh rộng sau 10 năm, Bùi Thạc Chuyên nói vui rằng, anh không khác nào trở về như một "kẻ học việc" vì đã quá lâu rồi anh không ngồi ghế chỉ đạo. Có lẽ mọi thứ còn khó hơn với vị đạo diễn của những bộ phim như Chơi vơi hay Sống trong sợ hãi, khi phải tìm ra cách để đưa những áng văn đã làm say mê biết bao độc giả của Nguyễn Ngọc Tư lên màn ảnh rộng với Tro tàn rực rỡ.

Hình ảnh trong phim Tro tàn rực rỡ. Nguồn: NSX

Bối cảnh của phim là vùng sông nước miền Tây, không phải là nơi anh sinh ra. Vậy anh đã làm cách nào để hiểu biết, tiếp cận vùng đất này và đưa vào những thước phim của mình?

- Chúng tôi đã đi khắp các tỉnh Tây Nam Bộ để tìm bối cảnh ưng ý. Chúng tôi đặt ra tiêu chí không chỉ tìm bối cảnh quay phim mà nơi đó cũng phải thích hợp để đoàn phim có thể nghỉ ngơi. Cuối cùng đoàn phim dừng lại ở Đồng Tháp, một nơi gần thành phố Cao Lãnh. Tuy vậy, để làm nổi bật chất miền Tây trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư, tôi buộc mình phải tự cảm nhận và không khỏi nhớ lại những ngày mình đi lang thang vô định, cầm máy ảnh quay, chụp miết.

Tôi nghĩ đó là một miền đất đặc biệt, mang nét hồn nhiên và mộc mạc. Bạn có thể vào bất cứ một nhà nào và bảo họ nấu cho mình một bữa cơm, rất đơn giản! Sau đó, họ sẵn sàng rủ mình đi chơi hay đi nhậu ở bất cứ đâu, đãi mình một bữa hải sản "ra trò". Với tôi, con người nơi đây toát ra sự gần gũi, phóng khoáng và khiến tôi thực sự ấn tượng.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói lý do chuyển thể 2 truyện ngắn thành phim "Tro tàn rực rỡ"  - Ảnh 2.

Tro tàn rực rỡ là bộ phim về những người phụ nữ bị ghẻ lạnh bởi những người đàn ông sống cạnh mình. Bộ phim vừa giành giải cao nhất - giải Khinh khí cầu vàng, tại Liên hoan phim Ba châu lục tổ chức tại Nantes, Pháp. Ảnh: NSX

Anh từng nói hình ảnh "lửa" rất quan trọng để truyền tải ý nghĩa của Tro tàn rực rỡ. Được biết, vì không đủ kinh phí dùng kỹ xảo, đoàn phim đã phải dùng tới lửa thật. Điều này đã gây trở ngại ra sao trong quá trình quay phim?

- Nói về những cảnh "lửa" trong phim, tôi muốn cảm ơn sâu sắc tới K'Linh – đạo diễn hình ảnh của bộ phim, vốn đã có kinh nghiệm trong các cảnh cháy nổ. Anh ấy biết cách phối hợp với ống kính và "lửa" để tạo ra hình ảnh có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất. Tất nhiên, cảnh đó camera sẽ được bảo vệ để tránh sự cố, nhưng riêng về người, đội quay phim của chúng tôi luôn trong trạng thái "rát" hết mặt, lông tóc chắc cũng rơi rụng hết! Nhưng không ai tùy ý chuyển động hay "bỏ chạy". Bởi họ thực sự yêu bộ phim này và hiểu rằng, những cảnh phim như vậy cần được chăm chút kỹ càng.

"Lửa" trong bộ phim này theo yêu cầu của tôi cũng là một "diễn viên", cũng phải biết diễn và không thể cháy to một lúc mà phải cháy theo trình tự từ bên nọ sang bên kia. Nếu có cảnh "lửa" nào phải quay lại thì tôi nhớ lúc đó anh em sợ đến "bạc" hết tóc! (cười)

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói lý do chuyển thể 2 truyện ngắn thành phim "Tro tàn rực rỡ"  - Ảnh 3.

Bảo Ngọc Doling trong vai Hậu phim Tro tàn rực rỡ. Ảnh: TIFF

Tro tàn rực rỡ được quay trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khi nền điện ảnh gần như đang trong thời kỳ "đóng băng". Anh cùng ê-kíp của mình đã làm thế nào để đảm bảo tiến độ hoàn thành phim?

- Như đã nói trên, Tro tàn rực rỡ có nguồn kinh phí ít ỏi nên chúng tôi chỉ có khoảng 40 ngày để hoàn thiện bộ phim này. Chúng tôi phải tính toán rất kỹ thời gian. Ví dụ như trong phim có các cảnh cháy nhà, chúng tôi thường quay mỗi cảnh từ 6h tối đến 6h sáng hôm sau. Không những vậy còn phải quay thêm cả cảnh tàn tro, hết sức vất vả!

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã gặp may, bởi giữa thời điểm dịch bệnh như vậy mà có tiền làm phim thì không khác nào là "nằm mơ". Thời gian trước, chúng tôi cũng có một cuộc hành trình gian nan để đi tìm nguồn vốn, thuyết phục các nhà đầu tư, các quỹ điện ảnh từ các liên hoan phim trên thế giới để người ta bỏ tiền cho mình làm phim. May mắn đến năm 2019, có một quỹ điện ảnh ở Singapore mới ra mắt và cần tìm dự án phim. Khi đã có kịch bản, chúng tôi phải tìm cách thuyết trình bằng tiếng nước ngoài, chuẩn bị hình ảnh, clip giới thiệu dự án để tạo nên sự chân thực cho Tro tàn rực rỡ.

Còn một cái "may" nữa là chúng tôi còn tưởng 1 thành viên trong đoàn phim là F1 có nguy cơ mắc Covid-19, nhưng sau khi xét nghiệm thì cho ra kết quả âm tính. Lúc đó, chỉ còn khoảng 15 ngày nữa là đóng máy nên ai cũng lo lắng.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói lý do chuyển thể 2 truyện ngắn thành phim "Tro tàn rực rỡ"  - Ảnh 4.

Phương Anh Đào trong phim Tro tàn rực rỡ. Ảnh: NSX

Với một bộ phim mang mục đích biểu đạt nghệ thuật như Tro tàn rực rỡ, nhiều khán giả cũng nghĩ rằng việc chọn diễn viên không hề đơn giản, vậy anh đã dựa vào tiêu chí nào?

- Quá trình casting ban đầu cũng diễn ra rất bình thường, tôi cũng đưa kịch bản cho diễn viên để đọc trước, rồi cũng có các buổi thử vai. Vì nhân vật rất nặng về cảm xúc nên người diễn viên cần tự mình "cảm" được nó trước tiên. Kể cả vậy để lựa chọn diễn viên cho bộ phim này thì một chữ "duyên" đóng vai trò không nhỏ. Nhiều khi cũng chỉ là một khoảnh khắc tôi cho rằng đó chính là gương mặt mình đang tìm. Giả dụ như Phương Anh Đào khiến tôi ấn tượng bởi thần thái khoan thai và khiêm tốn, đó là những gì toát ra từ bản năng của cô ấy.

Sau tất cả, tôi hài lòng với những nỗ lực của các bạn diễn viên. Như Phương Anh Đào đã chấp nhận về với vùng miền Tây từ trước đó để cảm nhận không khí nơi đây và làm những việc như tập nấu cơm bằng bếp củi; hay Bảo Ngọc Doling tự mình tập lái xuồng, Quang Tuấn diễn xuất quên cả bị bỏng ở tay…

Tại sao anh lại chọn thêm một truyện ngắn khác của Nguyễn Ngọc Tư là Củi mục trôi về để bổ sung cho câu chuyện của Tro tàn rực rỡ?

- Thật ra, Củi mục trôi về mới là ý tưởng đầu tiên của tôi mà không phải Tro tàn rực rỡ. Củi mục trôi về cuốn hút tôi ở những mối quan hệ kỳ lạ, giữa một ông thầy chùa và một kẻ mới ra tù, hay một người đàn bà điên đem lòng yêu kẻ đã cưỡng bức mình.

Sau đó, khi đọc tập truyện ngắn Đảo của Nguyễn Ngọc Tư, tôi cũng cực kỳ tâm đắc với Tro tàn rực rỡ qua những chi tiết ấn tượng. Sau đó, tôi lại chọn Tro tàn rực rỡ để viết kịch bản nhưng viết một hồi lại cảm thấy cấu trúc câu chuyện không được vững chắc, mới nghĩ rằng kết hợp hai truyện ngắn với nhau, sẽ làm nổi bật được ý nghĩa về tình yêu, trách nhiệm, sự hy sinh trong mối quan hệ của phụ nữ và đàn ông mà mình muốn truyền tải.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói lý do chuyển thể 2 truyện ngắn thành phim "Tro tàn rực rỡ"  - Ảnh 5.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trên trường quay Tro tàn rực rỡ. Ảnh: NSX

Theo dõi phim Tro tàn rực rỡ và trước đó đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư, người xem hiểu hơn về hình ảnh người phụ nữ bế tắc và đau khổ khi bị chính người chồng ghẻ lạnh. Vậy với hình ảnh của người đàn ông trong phim, anh muốn truyền tải điều gì?

- Cấu trúc xã hội châu Á khiến người đàn ông rất dễ gặp khủng hoảng vì họ bị đặt lên mình trọng trách lớn, cũng như áp lực phải là trụ cột vững chắc cho gia đình. Thành ra đôi khi họ rất dễ bị sụp đổ và lúc đó, vai trò xoa dịu của người phụ nữ cũng rất quan trọng!

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem