Đây là nhận định được công ty nghiên cứu thị trường Nielson cho biết tại hội thảo “Sự bùng nổ của cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini tại Việt Nam” diễn ra ngày 29.4.
Hàng nước ngoài chiếm chủ yếu trong các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi
Theo Nielson, sự tiện lợi đang ngày càng trở thành đòi hỏi cấp thiết với người tiêu dùng Việt Nam. Nếu 10 năm trước, các cửa hàng tiện lợi như G7-Mart của Trung Nguyên hay nhiều cửa hàng khác “chết” vì giá cả đắt đỏ hơn chợ, siêu thị thì hiện nay, người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cao cho sự tiện lợi, giá không còn là lựa chọn số 1 của nhiều người tiêu dùng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM…
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết, các đại siêu thị đang cho thấy hoạt động ngày càng kém hiệu quả, thay vào đó các siêu thị mini lại vô cùng tiện lợi và năng động. Đây là lý do người tiêu dùng ngày càng chọn mua sắm ở các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi.
Bà Nguyễn Quỳnh Hương - Giám đốc công ty Nielson Việt Nam cũng đánh giá: Thu nhập của người dân so với cách đây 10 năm đã được cải thiện rất nhiều. Họ có "quyền lực mua sắm" và muốn hàng hóa tốt hơn, đa dạng hơn, dễ mua hơn. Họ cũng quá bận rộn nên những gì tiện ích, tiện lợi là họ sử dụng. Các gia đình cũng không còn sống 3-4 thế hệ để phải mua sắm, tích trữ mà chỉ mua theo nhu cầu hiện tại nên những sản phẩm sẵn sàng sử dụng, sản phẩm tươi sống chất lượng của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini ngày càng trở nên được lựa chọn nhiều hơn.
Theo nghiên cứu của Nielson, 73% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm tới sức khỏe và họ sẵn sàng chi trả cao hơn để có sản phẩm có chất lượng. Các đối tượng mua sắm nhiều nhất tại các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi hiện nay là sinh viên, người mới đi làm, phụ nữ công sở, phụ nữ nội trợ, thậm chí là đàn ông văn phòng cũng đang ngày càng mua sắm nhiều hơn ở các cửa hàng tiện lợi vì sự tự do, thoải mái và không bị “nhòm ngó”.
Nielson dự báo, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini sẽ thực sự bùng nổ ở Việt Nam tới đây bởi hiện tại 69.000 người dân Việt Nam mới có một cửa hàng tiện lợi trong khi tại Trung Quốc tỉ lệ này là 21.000 người/cửa hàng, Hàn Quốc chỉ 1.835 người đã có một cửa hàng tiện ích. Số cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam tăng gấp 3 lần mới có thể đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Tuy nhiên, đáng chú ý hiện nay là các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini tại Việt Nam đang phần lớn do doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh. Do các quy định chặt chẽ của pháp luật, thủ tục lâu, tốn kém nên các doanh nghiệp nước ngoài hầu hết đều đổ vào lĩnh vực này bằng nhượng quyền và hợp tác với các doanh nghiệp trong nước. Hàng hóa trong nước cũng đang khó chen chân vào các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi này vì hàng nước ngoài chiếm chủ yếu.
Ông Phan Đức Thìn - đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, rất mong các doanh nghiệp trong nước vươn lên để khi nước ngoài đổ bộ vào có thể cạnh tranh được. Trước mắt, doanh nghiệp trong nước có thể hợp tác với nước ngoài để nâng cao trình độ quản trị. Hàng hóa trong nước cũng cần đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, số lượng để có thể đưa vào các kênh phân phối này nhiều hơn.
Trên cả nước hiện có khoảng 350 cửa hàng tiện lợi, trong đó tập trung chủ yếu ở TP.HCM và phần lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Về siêu thị mini, các doanh nghiệp trong nước như: Suctra, Saigon Co.op, Hapro đã mở. Dự báo, mô hình bán lẻ hiện đại này sắp tới sẽ vượt khỏi phạm vi hai thành phố lớn.
Theo khảo sát của Nielsen, trong các năm từ 2012-2014, tỷ lệ người tiêu dùng mua hàng, tần suất mua hàng, kênh mua hàng thường xuyên của người Việt Nam đều tăng ở cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Cửa hàng tiện lợi xuất hiện cũng làm ảnh hưởng đến nhiều loại hình kinh doanh khác như: quán cà phê, quán ăn nhanh, quán nước… bởi cửa hàng tiện lợi thường phục vụ tất cả các dịch vụ này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.