Hàng ngoại lấn át
Nằm ở ngay trung tâm thành phố, siêu thị Intimex là nơi mua sắm thường xuyên của người dân phố cổ Hà Nội. Khi bước vào siêu thị này, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận thấy, ngay phía bên trái của lối vào, hoa quả ngoại nhập được bày bán tràn ngập, từ Kiwi New Zealand, táo Mỹ, tới nho Mỹ, nho Úc...
Hoa quả ngoại đang “áp đảo” tại một siêu thị ở trung tâm Hà Nội.
Ngay cạnh đó, là gian hàng nhỏ dành cho các loại hoa quả nội địa. Theo quan sát của chúng tôi, vào ngày cuối tuần qua, tại gian hàng này, chỉ lèo tèo vài quả chuối đóng trong khay xốp, một quả dưa hấu, vài quả măng cụt.
Theo một nhân viên của siêu thị Intimex, hoa quả ngoại được siêu thị nhập từ các nguồn cung cấp lớn, giá cả rẻ hơn so với các cơ sở bán lẻ nên bán chạy hơn. Còn hoa quả nội bán được rất ít, vì người tiêu dùng vẫn có thói quen mua từ các chợ cóc, chợ dân sinh gần nhà.
Tương tự, tại siêu thị Fivimart trên phố Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), hoa quả nhập ngoại cũng đang chiếm thế “áp đảo” so với hoa quả nội. Mặt hàng này không chỉ được bày bán nhiều hơn mà còn đa dạng về chủng loại và giá cả. Ví dụ Kiwi New Zealand có giá khoảng 150.000 đồng/kg, táo New Zealand có giá từ 80.000 -150.000 đồng/kg (tùy loại), táo Mỹ 150.000 đồng/kg; nho Mỹ có giá 200.000 - 240.000/kg, nho Úc có giá 290.000 đồng/kg, cherry Mỹ có giá 400.000 đồng/kg, cherry Canada 442.000 đồng/kg....
Gian hàng hoa quả nội chỉ có vài quả chuối và dưa hấu.
Trong khi đó, ở quầy bán hoa quả nội, chỉ có mít, mãng cầu. Đặc biệt, đang trong mùa nhãn nhưng ở cả hai siêu thị trên đều không hề có bóng dáng của một quả nhãn nào được bày bán. Một nhân viên bán hàng cho biết, người dân chủ yếu mua hoa quả ngoại nhập. Ít thấy họ hỏi mua các loại hoa quả nội như: nhãn, vải hay na.
“Chúng tôi đã quen mua vải, nhãn, na, xoài, chuối... và những loại hoa quả khác của Việt Nam ở các chợ gần nhà. Mua ở đó giá rẻ hơn, tươi hơn và cũng tiện hơn, lại không mất tiền gửi xe vào siêu thị”, chị Nguyễn Thu Hải, nhà ở phố Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết.
Giải thích về giá cả, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam - Hệ thống siêu thị FiviMart cho biết: “Giá trong các siêu thị cao hơn bên ngoài vì chúng tôi phải chịu nhiều loại chi phí như: thuế, chi phí nhân công, chi phí bảo quản... Nhưng chúng tôi có nguồn hàng bảo đảm chất lượng, xuất xứ”.
Tìm đường vào siêu thị
Người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận thấy, các loại hoa quả nhập khẩu cùng chủng loại đều có giá cao hơn hẳn so với các loại hoa quả trong nước từ 3 - 5 lần. Tuy nhiên, hoa quả nội vẫn chưa chen chân được vào các siêu thị.
Theo nông dân Hoàng Thế Lộc, Chủ hợp tác xã Đống Long, huyện Ứng Hòa: “Người dân chủ yếu bán nông sản cho thương lái, họ tới tận vườn để thu mua chứ chưa có thói quen mang hàng ra thành phố để chào mời các siêu thị. Bên cạnh đó, người dân cũng chưa quen với việc đi làm các thủ tục chứng nhận sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch”.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội các siêu thị Hà Nội cho rằng: “Chính vì thiếu các chứng nhận về an toàn thực phẩm, chưa được đóng gói, có bao bì đẹp... nên phần lớn nông sản chưa thể vào được siêu thị và hệ thống bán hàng lớn”.
Cùng quan điểm này, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam - Hệ thống siêu thị FiviMart cho rằng: “Hoa quả muốn vào siêu thị phải có giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, siêu thị không thể mua của từng hộ nông dân mà phải mua theo lô lớn. Vì vậy, người nông dân phải tập hợp nhau lại và có người đại diện ký hợp đồng, chúng tôi sẽ thu mua bao tiêu sản phẩm”.
Vụ vải vừa qua, Fivimart cũng đã cử người lên tận Lục Ngạn (Bắc Giang) để tìm nguồn cung cấp, nhưng người dân chủ yếu muốn bán vải cho thương lái. “Chúng tôi có yêu cầu họ có đại diện đứng ra để ký kết, chuyển hàng về Hà Nội thì họ không làm được”, bà Vũ Thị Hậu nói.
Theo bà Hậu: “Chúng tôi đã thống nhất tạo điều kiện cho các mặt hàng hoa quả nội, chỉ nhập khẩu những sản phẩm mà Việt Nam không có thế mạnh như: nho, táo, cherry, kiwi...”.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, để hàng nông sản ở các địa phương, từ dưa hấu tới quả vải, nhãn... có thể thâm nhập vào hệ thống siêu thị, các kênh phân phối chính thống, bản thân một mình người nông dân hay nhà quản lý không thể làm được. Phải có sự đồng thuận trong việc kết nối từ nhà sản xuất đến đơn vị phân phối của siêu thị, trung tâm thương mại.
(Theo Tin tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.